Quan điểm chỉ đạo về đấu tranh với âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các bài viết như “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng”, “Nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”… Trong các bài viết, Tổng Bí thư cũng đưa ra các giải pháp để kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
Ngày 18/7/2023, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật giới thiệu cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách gồm 39 bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Bí thư Quân ủy Trung ương về quan điểm chỉ đạo, phương hướng, giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Một trong những nội dung được Tổng Bí thư nhắc đến khá nhiều trong cuốn sách là kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Đây là một quan điểm chỉ đạo rất quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng trong Quân đội nói riêng và bảo vệ nền tửng tư tưởng của Đảng trong Quân đội nói chung.
• THỰC CHẤT ÂM MƯU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI
Thuật ngữ “phi chính trị hóa” quân đội xuất hiện vào cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX. Đó là một trong những nội dung quan trọng mà các thế lực thù địch nhắm vào các nước xã hội chủ nghĩa. Xu hướng đòi “phi chính trị hóa” Quân đội ban đầu xuất hiện ở các nước xã hội chủ nghĩa, trước tiên là Liên Xô, Đông Âu, sau đó lan sang cả Việt Nam. Luận điệu chủ yếu mà các thế lực thù địch thường đưa ra là: “Quân đội trung lập, đứng ngoài chính trị, không chịu sự lãnh đạo, chi phối của bất cứ chính đảng, lực lượng chính trị nào”, hay “Quân đội do nhà nước nuôi dưỡng nên chỉ phục tùng nhà nước, không phục tùng đảng phái nào”(1).
Gần đây, khi Đảng ta đưa ra chủ trương xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, quy kết Đảng Cộng sản Việt Nam chủ trương xây dựng “quân đội hiện đại”, “quân đội nhà nghề”. Từ đó, các thế lực thù địch cho rằng “không có quân đội nhà nghề nào lại do một đảng chính trị lãnh đạo”; cho nên “cần phải tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của đảng”(2). Đây là những luận điệu rất nguy hiểm, không thể coi thường, xem nhẹ.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Thực chất, “phi chính trị hóa” Quân đội là thủ đoạn cực kỳ nham hiểm của các thế lực thù địch nhằm chống phá cách mạng nước ta, tách rời Quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho Quân đội không còn là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước ta”(3).
Sở dĩ Tổng Bí thư coi đây là “thủ đoạn cực kỳ nhan hiểm” bởi các thế lực thù địch đã thực hiện thành công âm mưu này ở Liên Xô và một số nước xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” quân đội ở Liên Xô, các thế lực thù địch đã sớm cài cắm các phần tử phản động vào các cơ quan của Đảng Cộng sản khiến cho từ năm 1987, Liên Xô bắt đầu thực hiện “phi chính trị hóa” quân đội.
Đầu tiên là việc Đảng Cộng sản Liên Xô tự xóa bỏ cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Chỉ trong khoảng 2 năm (1987-1989), gần 50% cán bộ chiến lược của quân đội, 30% tướng lĩnh bị sa thải hoặc tự ý rời bỏ hàng ngũ. Hơn 100 cán bộ chính trị cấp chiến dịch, chiến lược bị cách chức với lý do “không ủng hộ cải tổ”. Năm 1990, Đại hội bất thường của Đảng Cộng sản Liên Xô tiếp tục “tự trói tay mình” với việc từ bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng với Nhà nước và xã hội đã ghi trong Hiến pháp, chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Chỉ đợi có thế, tháng 7/1991, Tổng thống Liên bang Nga ra sắc lệnh “phi đảng hóa” và cấm các đảng chính trị hoạt động trong các cơ quan nhà nước. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô ra lệnh buộc mọi quân nhân là đảng viên cộng sản phải trả thẻ đảng... Bi kịch “phi chính trị hóa” xảy ra đã khiến quân đội Xô Viết - một quân đội hùng mạnh từng đánh bại chủ nghĩa phát xít, với gần 4 triệu quân thường trực, vũ khí trang bị rất hiện đại bỗng chốc mất phương hướng chiến đấu dẫn đến “thảm họa chính trị” tất yếu vào năm 1991.
Trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, nhiều lần Tổng Bí thư nhắc lại sự kiện này như một lời cảnh tỉnh đối với chúng ta trong việc không được coi thường, xem nhẹ âm mưu “phi chính trị hóa” của các thế lực thù địch: “Bài học từ Liên Xô và các nước Đông Âu những năm 90 của thế kỷ XX đến nay vẫn còn nguyên giá trị với chúng ta”; hay “Bài học đắt giá về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu cho đến nay vẫn còn vẹn nguyên giá trị”(4). Đây chính là điểm nhấn quan trọng trong cuốn sách và đây cũng chính là quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong việc kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội.
Học viên Học viện Biên phòng tham quan trưng bày sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng |
• KIÊN QUYẾT ĐẤU TRANH VỚI ÂM MƯU “PHI CHÍNH TRỊ HÓA” QUÂN ĐỘI
Trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, Tổng Bí thư cũng phân tích rõ bối cảnh quốc tế, trong nước tác động đến tính hình chính trị, tư tưởng trong Quân đội và đặt ra yêu cầu cần phải tiếp tục tăng cường đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch. Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó dự báo: các thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; tình hình biển Đông ngày càng tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường; cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tác động sâu sắc đến nhiều quốc gia trên nhiều phương diện khác nhau…
Ở trong nước, mặc dù sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử nhưng tốc độ tăng trưởng chưa cao, chưa vững chắc; tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ, sĩ quan Quân đội vẫn còn nan giải… Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ra sức thực hiện các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, Quân đội. Do đó, cần phải kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn chống phá đó để tiếp tục bảo vệ Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Quan điểm chỉ đạo về đấu tranh với âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội được Tổng Bí thư nhắc đến nhiều lần trong các bài viết như “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố quyết định mọi thắng lợi và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam”, “75 năm Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng vững bước dưới lá cờ vinh quang của Đảng”, “Nắm vững thời cơ, vượt qua thách thức, tiếp tục thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”… Trong các bài viết, Tổng Bí thư cũng đưa ra các giải pháp để kiên quyết đấu tranh, làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Những giải pháp đó là:
Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội. Như đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội được khẳng định ngay từ khi Quân đội thành lập, thông qua một cơ chế, phương thức chặt chẽ, phù hợp, đảm bảo cho Quân đội thực sự là “tổ chức quân sự của Đảng”, luôn tận trung với nước, tận hiếu với dân”(5). Do đó, bất luận trong hoàn cảnh nào cũng phải luôn kiên định với nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Nếu tách rời sự lãnh đạo của Đảng, Quân đội sẽ mất phương hướng chiến đấu, phân rã về chính trị, tư tưởng, tổ chức, không còn sức mạnh để chiến đấu chống lại những âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Hai là, tập trung nâng cao chất lượng tổ chức và hệ thống cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong Quân đội, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội. Đồng chí Tổng Bí thư chỉ rõ: “Quân ủy Trung ương, lãnh đạo Bộ Quốc phòng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt công tác giáo dục chính trị, định hướng tư tưởng, quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ Quân đội”(6). Theo đó, cần làm tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, hướng dẫn công tác đảng, công tác chính trị để nâng cao nhận thức, ý thức đấu tranh, khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội trước những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, trong đó có âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Quan tâm và tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, khắc phục những biểu hiện tiêu cực, lệch lạc, góp phần giữ vững bản chất tốt đẹp của “Bộ đội cụ Hồ” trong tình hình mới.
Ba là, phát huy vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản để tuyên truyền, định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ. Cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn quân cần chú trọng đến công tác tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ thấy rõ sự nguy hiểm của âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội; chủ động thông tin tích cực, kịp thời nhằm định hướng tư tưởng, nhận thức trước những vấn đề phức tạp, nhạy cảm góp phần nâng cao sức đề kháng, tinh thần cảnh giác cho cán bộ, chiến sĩ. Các cơ quan báo chí, truyền thông cũng cần chú trọng hơn nữa đến việc tuyên truyền, định hướng thông tin kịp thời cho cán bộ, chiến sĩ, tránh để những “khoảng trống” thông tin khiến các thế lực thù địch có cơ hội xuyên tạc, dẫn dắt thông tin nhằm mục đích chống phá.
Bốn là, mỗi cán bộ, đảng viên, chiến sĩ phải luôn nhận thức đầy đủ và sâu sắc bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam là đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam và có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân. Mục tiêu chiến đấu của Quân đội cũng chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng - vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, sĩ quan quân đội phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, nhạy bén và kiên quyết đấu trnh làm thất bại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Đồng thời, nhanh chóng, tỉnh táo, kịp thời xử lý những tình huống bất ngờ, phức tạp diễn ra trong thực tiễn theo đúng quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước và quy định của Quân đội, không để kẻ địch lợi dụng, lôi kéo, thao túng vào các hoạt động chống phá.
Có thể khẳng định, “phi chính trị hóa” Quân đội là một âm mưu thâm độc, nguy hiểm, không thể coi thường, xem nhẹ vì nó liên quan trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và liên quan đến bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Những quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới” vừa là một lời cảnh báo, nhắc nhở song cũng là chỉ đạo, định hướng cho mỗi chúng ta phải luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh chống lại âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch.
(1) (2) Cục Tuyên huấn: Bảo vệ và phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2017, tr.94, tr. 24.
(3) (4) (5) (6) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2023, tr.27, 27, 37, 31, 37
(Theo tuyengiao.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin