Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều nội dung liên quan đến xây dựng, đất đai

NGUYỆT THU 13:41, 12/07/2023

(LĐ online) - Sáng 12/7, dưới sự điều hành của đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và đồng chí Nguyễn Khắc Bình - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp thứ 10 với nội dung chất vấn và nghe các sở, ngành giải trình, trả lời chất vấn.

Chủ toạ điều hành phiên chất vấn
Chủ toạ điều hành phiên chất vấn

Tham dự có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Trọng Ánh Đông, đơn vị TP Đà Lạt chất vấn về nội dung được cử tri quan tâm, đặt nhiều câu hỏi cho ngành xây dựng. Đó là công tác quản lý nhà ở chung cư, việc chính chủ hay không chính chủ nhà chung cư gây khó khăn cho người dân; nguyên nhân quy hoạch vùng chậm; tình trạng xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở địa bàn TP Đà Lạt vẫn diễn ra phức tạp.

-	Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn sở, ngành về nhiều nội dung cử tri quan tâm liên quan đến đất đai, xây dựng…
Đại biểu HĐND tỉnh chất vấn sở, ngành về nhiều nội dung cử tri quan tâm liên quan đến đất đai, xây dựng…

Đại biểu Bùi Thắng, đơn vị TP Bảo Lộc đặt câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề quy hoạch và chậm trễ trong quy hoạch.

Giám đốc sở Sở Xây dựng Lâm Đồng Lê Quang Trung đã tiếp thu, giải trình cụ thể các nội dung đại biểu chất vấn đặt câu hỏi. Đồng chí đã nhận trách nhiệm về mình trong những vấn đề còn tồn tại, bất cập xảy ra.

Chất vấn ngành tài nguyên môi trường, đại biểu nêu vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước về quản lý khai thác khoáng sản, giải quyết hồ sơ, thủ tục cấp quyền sử dụng đất và tách thửa, hợp thửa đất trên địa bàn tỉnh người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân đã hiến đất làm đường nông thôn chậm được giải quyết. Các sai sót trong đo đạc, lập bản đồ địa chính từ giai đoạn trước, nên khi cấp quyền sử dụng đất cho người dân đã phát sinh nhiều bất cập như chồng lấn, cấp nhầm, cấp sai… gây khó khăn cho người sử dụng đất và chính quyền cơ sở. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm được tình trạng này? Tham mưu giải pháp gì cho UBND tỉnh để chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đo đạc, lập cơ sở dữ liệu đất đai, qua đó khắc phục được các sai sót trong công tác này.

-	Giám đốc Sở Xây dựng tiếp thu và giải trình
Giám đốc Sở Xây dựng tiếp thu và giải trình

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Huỳnh Ngọc Hải đã tiếp thu các ý kiến chất vấn của đại biểu và giải trình làm rõ các nội dung liên quan thuộc thẩm quyền.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, đại biểu HĐND đặt vấn đề về dự án trồng 5 triệu cây xanh còn nhiều bất cập, có những địa phương, đơn vị còn thiếu quỹ đất, thiếu vốn để thực hiện mục tiêu trồng 50 triệu cây xanh. Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Sĩ Bích đã tiếp thu, giải trình rõ những nội dung thuộc thẩm quyền.

Tại phiên làm việc buổi sáng, sau phần chất và trả lời chất vấn có trọng tâm, đồng chí Trần Văn Hiệp - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có bài phát biểu tiếp thu, giải trình những vấn đề thuộc thẩm quyền điều hành của UBND tỉnh.

-	Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tiếp thu, giải trình và chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp tiếp thu, giải trình và chỉ đạo nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023

Đồng chí đã đi thẳng vào những hạn chế, thiếu sót, bất cập cũng như khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội và những vấn đề mới phát sinh mà các vị đại biểu HĐND tỉnh và cử tri quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu rõ 12 vấn đề còn hạn chế, tồn tại trong 6 tháng đầu năm và phân tích sâu sắc làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, yếu kém của các cơ quan quản lý nhà nước về các nội dung liên quan.

Đi sâu phân tích vào hoạt động cấp phép xây dựng, quản lý hoạt động xây dựng của một số cơ quan, địa phương còn hạn chế, thậm chí buông lỏng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Cụ thể là trường hợp sạt lở bờ taluy tại khu vực hẻm đường Hoàng Hoa Thám, Phường 10, TP Đà Lạt, hậu quả làm 2 người chết, 5 người bị thương, hư hại nhiều căn nhà, tài sản của người dân, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác đối với Trưởng phòng Quản lý đô thị TP Đà Lạt, chỉ đạo ngành công an khởi tố vụ án để điều tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Nhiều trường hợp vi phạm về trật tự xây dựng có quy mô lớn nhưng chưa được chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý dẫn đến vi phạm diễn ra trong thời gian dài, có trường hợp cố tình vi phạm đã bị xử lý nhưng vẫn tiếp tục vi phạm, gây bức xúc dự luận xã hội, như trên địa bàn Phường 5, Phường 8, Phường 10, TP Đà Lạt và một số trường hợp tại TP Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm…

Đây là bài học kinh nghiệm xương máu trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, địa phương và nhất là ý thức chấp hành văn bản chỉ đạo của cấp trên trong quá trình tổ chức thực hiện.

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm và làm tròn trách nhiệm trong quản lý hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn; một số nơi thiếu kiểm tra, giám sát, chưa kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, dẫn đến tình trạng hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số nơi, nhất là tình trạng khai thác, nạo vét cát tại các hồ thủy điện, thủy lợi trên địa bàn huyện Lâm Hà, Đam Rông, Bảo Lâm.

Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn thấp (đạt 23,7% kế hoạch) và chưa đạt yêu cầu đề ra; thấp hơn cùng kỳ 8,2% kế hoạch… Để khắc phục tình trạng này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương thay thế Trưởng ban quản lý dự án, chủ đầu tư không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023 hoặc giải ngân thấp hơn bình quân chung của tỉnh (riêng năm 2022, đã thay 3 Trưởng ban Quản lý dự án của 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp); sau khi thay thế người đứng đầu Ban quản lý dự án, tình hình giải ngân vốn đầu tư công đã có chuyển biến thật sự.

Công tác phối hợp giữa các cơ quan, địa phương trong xử lý công việc có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, chất lượng chưa cao; đâu đó vẫn còn những trường hợp chậm, không trả lời hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Đối với những tình huống khó khăn phức tạp, còn có biểu hiện bàn lùi, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, “đối phó, lấy lệ”, tâm lý giữ an toàn, sợ sai, không dám làm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Về Phương pháp quản lý, điều hành ở địa phương còn chậm được đổi mới, chưa sát sao, kịp thời; chưa chủ động, tích cực, quyết liệt trong giải quyết công việc, thực hiện nhiệm vụ được giao theo thẩm quyền, còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, né tránh, sợ trách nhiệm. Giám đốc/Thủ trưởng một số sở, ngành chưa chủ động, mạnh dạn trong việc nghiên cứu tham mưu, đề xuất hoặc đề đạt những vấn đề mang tính chiến lược, đột phá và các cơ chế, chính sách cho đầu tư phát triển lâu dài đối với ngành, lĩnh vực phụ trách. Đặc biệt là chính sách đất đai, đầu tư, chính sách hỗ trợ đối tượng yếu thế trong xã hội…

"Những hạn chế, thiếu sót nêu trên trách nhiệm thuộc về công tác quản lý nhà nước, điều hành của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và cá nhân Chủ tịch - Bí thư Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trong bối cảnh đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, cố gắng. Cá nhân tôi xin nhận trách nhiệm trước HĐND tỉnh và đồng bào cử tri trong tỉnh; đồng thời, sẽ hết sức, hết lòng và nghiêm túc chấn chỉnh để khắc phục trong thời gian tới" - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2023, tình hình thế giới, trong nước vẫn có những cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, khó khăn, thách thức là chủ yếu; nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp, khó lường, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh vẫn quyết tâm kiên định các mục tiêu, chỉ tiêu của năm 2023 đã đề ra, không đặt vấn đề điều chỉnh giảm các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt, đoàn kết, thống nhất và quyết tâm cao trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết, kết luận, chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội bằng những việc làm cụ thể, có tính đột phá để đạt hiệu quả thực chất hơn.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo 16 nhóm vấn đề trọng tâm cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung và dài hạn; phấn đấu hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là “làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật”.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp thu ngân sách nhà nước, quyết tâm hoàn thành dự toán thu được giao là 14.500 tỷ đồng. Triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, bảo đảm hiệu quả, đúng quy định và không để chậm trễ.

Đẩy mạnh đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng… phấn đấu khởi công tuyến cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc trong tháng 9/2023 và Bảo Lộc - Liên Khương trong quý II năm 2024.

Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, hoàn thiện, trình phê duyệt các quy hoạch quan trọng, như: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 (dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quý III/2023); điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận tại Quyết định 704/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (dự kiến Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023) và các quy hoạch vùng huyện, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển bền vững thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực, có thế mạnh, có thương hiệu của tỉnh.

Siết chặt công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng đô thị, đất đai, đặc biệt tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc và các đô thị vùng phụ cận. Tổ chức kiểm tra, rà soát, đảm bảo an toàn đối với các công trình đang xây dựng trên địa bàn tỉnh, nhất là các công trình xây dựng khu dân cư ven sông, suối, sườn dốc, khu vực có độ chênh taluy âm/dương lớn; kiên quyết đình chỉ việc xây dựng công trình nếu không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở. Thực hiện nghiêm, đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ứng phó tình hình thiên tai, nhất là trong mùa mưa bão để giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhà nước, Nhân dân và bảo đảm an toàn lao động trong quá trình thi công xây dựng các công trình, dự án.

Buổi chiều cùng ngày, HĐND tiến hành phiên bế mạc kỳ họp thứ 10 và thông qua nhiều nghị quyết quan trọng.