Chuyển đổi số 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm

DIỄM THƯƠNG 16:45, 12/07/2023

(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ, vào chiều ngày 12/7.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trương Minh Đương - Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trương Minh Đương - Giám đốc Công an tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu Lâm Đồng

Phiên họp được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới điểm cầu tại trụ sở các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng, tham dự hội nghị có ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trương Minh Đương - Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành trên toàn tỉnh.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, năm 2023 là năm tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới, trong đó tập trung vào số hóa, làm giàu và kết nối dữ liệu; tăng cường bảo vệ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công, tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thể hiện quyết tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế số nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các "điểm nghẽn" nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), cùng 1 Nghị định, 2 Chỉ thị, 1 Công điện, 7 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành.

Về cơ sở dữ liệu, đến tháng 6/2023, với sự quyết tâm của Bộ Công an trong tổ chức triển khai Đề án 06, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư.  Đây là kết quả thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quyết tâm, quyết liệt của Bộ Nội vụ; kết hợp sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành, địa phương; năng lực triển khai hệ thống lớn của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng
Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu tỉnh Lâm Đồng

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và được xác định là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước, đồng thời là công việc mới, khó, nhạy cảm. Mục đích cuối cùng của chuyển đổi số là phục vụ con người, trên tinh thần lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực, nguồn lực phát triển.

Thời gian qua, nhiệm vụ này đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách. 

Thủ tướng nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm phải làm tốt hơn 6 tháng đầu năm và năm 2023, phải có kết quả cao hơn năm 2022, theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung báo cáo, thảo luận, đánh giá thực chất tình hình, kết quả đạt được trên tinh thần khách quan, trung thực, có minh chứng bằng số liệu cụ thể, nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn; phát hiện đúng các nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới, cũng như trong dài hạn (thể chế; nhân lực số; xây dựng, chia sẻ, kết nối các cơ sở dữ liệu; an ninh, an toàn; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phát triển tiện ích cho người dân...)

Tại tỉnh Lâm Đồng, công tác chuyển đổi số đã bước đầu đem lại các kết quả tích cực. Đến nay, 100% cơ quan hành chính từ tỉnh đến cơ sở có hạ tầng đảm bảo công tác quản lý và điều hành qua môi trường mạng; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (đã kết nối đươc 15/23 hệ thống thông tin, CSDL) …

Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính được xây dựng thống nhất, liên thông 4 cấp (từ cấp xã đến cấp Trung ương), hoàn thành việc kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 68,45% vượt chỉ tiêu đề ra (tối thiểu 60% cấp tỉnh, 50% cấp huyện, 45% cấp xã %). Tính từ 01/01/2023 đến 07/07/2023, số lượng giao dịch thanh toán trực tuyến của tỉnh đạt 113.539 hồ sơ chiếm tỷ lệ 43,6%, xếp thứ 08/63 tỉnh/thành. Tỷ lệ hồ sồ nộp trực tuyến đạt 52% (theo đánh giá của hệ thống EMC của Bộ TTTT).

Trên địa bàn tỉnh hiện có 7 trung tâm giám sát và điều hành thông minh (IOC) tại các huyện, thành phố (Đà Lạt, Bảo Lộc; Lạc Dương, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, Đam Rông, Đức Trọng) với nhiều dịch vụ đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp; Ứng dụng kết nối chính quyền với người dân (eGOV-CONNECT) hiện đã triển khai đến 100% huyện, thành phố. Tỉnh đã triển khai thực hiện kết nối, đồng bộ dữ liệu cán bộ công chức, viên chức của tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ công chức viên chức, đồng bộ 29.807/29.807 hồ sơ (hoàn thành 100%)  theo quy định của Bộ Nội vụ.

100% xã, phường, thị trấn có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ, được phủ sóng mạng băng rộng cáp quang, mạng di động 3G, 4G (độ phủ đạt 100% khu dân cư); đã triển khai thí điểm phát sóng 5G trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh là 76,79%

Về triển khai Đề án 06, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiện toàn Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh Lâm Đồng và chỉ đạo kiện toàn Ban Chỉ đạo các địa phương; tham mưu Tỉnh Ủy ban hành 2 Chỉ thị đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Đề án 06 trong năm 2023; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, hướng dẫn việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án 06/CP bảo đảm hiệu quả. Đã triển khai cung cấp 1.755 dịch vụ công trực tuyến (486 dịch vụ công toàn trình, 705 dịch vụ công một phần). Tổ chức rà soát, cắt giảm thành phần hồ sơ đối với 267 thủ tục hành chính có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú; xây dựng biểu mẫu điện tử theo hướng cắt giảm 20% thông tin phải khai báo trên cơ sở tái sử dụng dữ liệu được số hóa, thông tin trích xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đân cư.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã tiếp nhận, giải quyết 113.150 hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, đạt tỷ lệ 64,7% (theo đánh giá của Văn phòng Chính phủ) vượt chỉ tiêu do Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông và UBND tỉnh đặt ra (tối thiểu 40%).

Đã hoàn thành làm sạch dữ liệu dân cư, thu nhận hồ sơ cấp CCCD; ngày 13/6/2023 Bộ Công an đã công nhận tỉnh Lâm Đồng hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD đối với 1.135.234 công dân thường trú đủ điều kiện (hoàn thành trước 2 ngày so với thời hạn Công an tỉnh đăng ký với Bộ Công an, trước 48 ngày so với thời hạn Bộ Công an yêu cầu) và đang tiếp tục thu nhận hồ sơ cấp CCCD đối với các trường hợp phát sinh.