(LĐ online) - Chiều ngày 20/7, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến góp ý kiến vào dự thảo Đề án “Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.
Đồng chí Trần Đình Văn và đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng |
Hội nghị do đồng chí Phan Thăng An - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì. Cùng dự có lãnh đạo các vụ, đơn vị của Ban Tổ chức Trung ương, thường trực Tổ biên tập. Chủ trì phía đầu cầu Lâm Đồng có đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Cùng tham dự có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân, Toà án Nhân dân, các phòng chuyên môn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Dự thảo xin ý kiến lần 1 gồm 4 chương, 10 điều. Quy định này quy định về phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, căn cứ, thẩm quyền, trách nhiệm, thời hạn, quy trình, hồ sơ tạm đình chỉ công tác của người đứng đầu đối với cán bộ cấp dưới trong trường hợp cần thiết hoặc khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Quy định này dự kiến áp dụng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người làm việc trong hệ thống chính trị. Quy định này không áp dụng đối với các chức danh cấp ủy viên, tư cách Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, ủy viên Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội.
Về nguyên tắc, dự thảo quy định nêu: khi xem xét tạm đình chỉ phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ, thái độ trong từng trường hợp cụ thể.
Dự thảo quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu; quyền và trách nhiệm của cán bộ bị tạm đình chỉ công tác, thời hạn tạm đình chỉ; quy trình tạm đình chỉ…
Cụ thể, về căn cứ tạm đình chỉ công tác đối với các trường hợp cần thiết gồm: cán bộ có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, có một trong các hành vi gây khó khăn, cản trở việc xem xét, xử lý kỷ luật như: Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu; tiêu huỷ thông tin tài liệu, chứng cứ về vi phạm của mình; cố ý trì hoãn, trốn tránh, không thực hiện yêu cầu của cấp có thẩm quyền…
Quang cảnh hội nghị |
Tại hội nghị, Ban soạn thảo và chủ trì hội nghị đã gợi ý, định hướng về các nội dung cần góp ý như: Góp ý về phạm vi điều chỉnh, đối tượng đã bao quát hết chưa? Góp ý về giải thích từ ngữ “người đứng đầu, tạm đình chỉ công tác là nội dung hết sức quan trọng và chia thành 2 nhóm: trường hợp cần thiết và trường hợp có dấu hiệu vi phạm đã đầy đủ chưa? Cho ý kiến về các căn cứ, cần bổ sung đối tượng nào khác không? Giao thẩm quyền cho người đứng đầu có vấn đề gì không? Giao quyền cho tập thể chứ không phải chỉ là người đứng đầu. Có bất cập, mâu thuẫn gì với các văn bản pháp luật khác của Nhà nước không?
Nhiều đại biểu tại các tỉnh, thành phố bày tỏ quan điểm cơ bản đồng thuận cao với việc xây dựng dự thảo quy định của Bộ Chính trị. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn băn khoăn và nghiên cứu, góp ý, bổ sung thêm: Cơ bản đồng ý về tên gọi của quy định, tuy nhiên cần làm rõ hơn về mặt nội hàm. Tại khoản 2 điều 1 đối tượng áp dụng chưa rõ. Bổ sung thêm “áp dụng đối với cấp ủy viên” chứ không phải như dự thảo quy định “không áp dụng đối với cấp ủy viên” để tạo sự thống nhất.
Có đại biểu góp ý: về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng đề nghị bổ sung thêm đối tượng không phải là đảng viên. Trong trường hợp cần thiết, cần nghiên cứu bổ sung thêm thời hạn bao nhiêu ngày nữa trừ thời hạn đã được quy định cụ thể, để thực hiện các yếu tố khác phục vụ công tác điều tra xử lý kỷ luật.
Có đại biểu góp ý đề nghị bổ sung sau cụm từ “Tiêu huỷ tài liệu, chứng cứ” thêm cụm từ “Hoặc làm sai lệch tài liệu, chứng cứ…” để cho toàn diện hơn, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm.
Đại biểu tham dự hội nghị đề nghị: cần nghiên cứu, khẩn trương ban hành các chính sách pháp luật mới nhất thì mới đủ căn cứ thực hiện xử lý vi phạm và không tạo trùng lắp. Về nội hàm cần giải thích rõ hơn trong quy định. Khi có dấu hiệu, bổ sung thêm “quy định của đảng, pháp luật của Nhà nước” để tạo sự chặt chẽ. Đề nghị cần lựa chọn từ ngữ một cách chuẩn xác phổ thông nêu trong dự thảo quy định để khi ban hành tránh tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau sẽ thực hiện khác nhau. Cần có thêm 1 điều khoản về cơ quan tham mưu, giúp việc cho cấp uỷ, người đứng đầu trong xử lý vi phạm để dễ thực hiện, công tác quản lý hồ sơ cán bộ vi phạm như thế nào, ai chịu trách nhiệm?…
Các ý kiến góp ý tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến sẽ được Ban soạn thảo, chủ trì hội nghị tiếp thu, ghi nhận, tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền để nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp khi quy định của Bộ Chính trị được hoàn chỉnh và chính thức ban hành và đi vào cuộc sống.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin