(LĐ online) - Sáng 20/7, tại Hà Nội, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Hội nghị với sự chủ trì của Bộ trưởng Lê Thành Long và các Thứ trưởng: Nguyễn Khánh Ngọc, Mai Lương Khôi, Nguyễn Thanh Tịnh.
Tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng, Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Quang Tuyến chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Dân vận Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp đã quyết tâm, nỗ lực triển khai thực hiện quyết liệt các chương trình, kế hoạch công tác, bám sát các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật, thi hành án, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý… phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của đất nước và của từng địa phương. Chủ động, khẩn trương xác định các nhiệm vụ công tác trọng tâm, kịp thời xây dựng, ban hành và điều chỉnh các chương trình, kế hoạch công tác, bảo đảm thứ tự ưu tiên, tập trung nguồn lực để tổ chức thực hiện kịp thời, bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ đề ra.
Qua đó, kết quả công tác trong 6 tháng đầu năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực của ngành Tư pháp đều tăng so với cùng kỳ năm 2022, trong đó một số lĩnh vực công tác đạt kết quả nổi bật như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật được các bộ, ngành quan tâm, chú trọng triển khai quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực; việc tham gia ý kiến pháp lý cùng với Chính phủ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường; Công tác truyền thông, phổ biến về chính sách, pháp luật mới được tổ chức thực hiện hiệu quả... Những kết quả trên tiếp tục đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và của từng địa phương.
Cùng với việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao thêm. Tại Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm 2023 được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao thực hiện 97 nhiệm vụ, trong đó, đã hoàn thành 37 nhiệm vụ có thời hạn, đang tiếp tục thực hiện 60 nhiệm vụ không có thời hạn; không có nhiệm vụ quá hạn chưa hoàn thành. Công tác phối hợp giữa Bộ Tư pháp với các bộ, ngành, địa phương và giữa các Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự với các sở, ngành tiếp tục được quan tâm, chú trọng thực hiện.
Công tác cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) của Bộ Tư pháp năm 2022 tiếp tục duy trì nhóm dẫn đầu (xếp thứ 2) trong số các bộ, ngành được đánh giá.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Tư pháp, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 186 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), giảm 69 văn bản so với cùng kỳ 2022; các địa phương ban hành 1.540 VBQPPL cấp tỉnh (tăng 39 văn bản so với cùng kỳ năm 2022), 1.135 VBQPPL cấp huyện (tăng 171 văn bản so với cùng kỳ năm 2022) và 57 VBQPPL cấp xã (giảm 421 văn bản so với cùng kỳ năm 2022). Một số bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản như: Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Hà Nội, Đồng Tháp, Kon Tum, Lâm Đồng, Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Bộ, ngành Tư pháp đã tập trung nguồn lực, nỗ lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung VBQPPL triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, bước đầu đạt được một số kết quả tích cực.
Cùng với đó, công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, hộ tịch, quốc tịch, chứng thực, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hòa giải ở cơ sở, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng… được Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: việc ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành còn chậm; vẫn còn tình trạng điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, tiến độ; việc hướng dẫn nghiệp vụ trong lĩnh vực tư pháp còn chậm; còn xảy ra vi phạm trong hoạt động luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản…
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhằm đánh giá kịp thời, khách quan, toàn diện, chính xác kết quả thực hiện nhiệm vụ trong các lĩnh vực công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; nhận diện đầy đủ các khó khăn, vướng mắc trong các mặt công tác, địa bàn còn tồn tại, hạn chế; xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp công tác đến hết năm 2023, tạo tiền đề thực hiện thành công các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2023.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị ngành Tư pháp cần thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 54 nhóm nhiệm vụ cụ thể trong các lĩnh vực công tác thường xuyên năm 2023; khắc phục những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân đã được nhận diện trong thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2023; bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Tư pháp xác định các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu công tác tư pháp 6 tháng cuối năm 2023...
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin