Việc thực hiện tốt Chỉ thị số 154 của Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương và Chỉ thị 470 của Đảng ủy Quân khu 7 về công tác tuyên truyền đặc biệt (TTĐB) trong 15 năm qua của lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh đã góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Công tác TTĐB luôn được LLVT tỉnh gắn chặt và kết hợp công tác dân vận trên các địa bàn trong tỉnh |
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - Phó Chính ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh cho biết: TTĐB là một nội dung quan trọng của công tác Đảng, công tác chính trị trong LLVT. Với chức năng là đội quân công tác, LLVT tỉnh đã tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tập trung ở các địa bàn vùng sâu, vùng đồng bào DTTS, vùng có đông đồng bào tôn giáo.
Phó Chính ủy, Bộ CHQS tỉnh cũng thông tin thêm các vấn đề về việc LLVT tỉnh đã thực hiện công tác TTĐB với nhiều nội dung, tình huống cụ thể. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời các vụ việc phát sinh, không để xảy ra điểm nóng.
Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị xây dựng lực lượng chính trị nòng cốt là quân nhân dự bị làm việc trong khu công nghiệp, công ty, nhà máy, xí nghiệp. Tổ chức, duy trì lực lượng tuyên truyền thông tin, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp dạy tiếng K’Ho cho sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp. Duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, xây dựng mạng lưới quân báo trinh sát cơ sở vững mạnh, thành lập 5 đội công tác 123 thường xuyên bám nắm địa bàn, xây dựng cơ sở, cùng địa phương giữ vững an ninh trật tự.
LLVT tỉnh luôn có sự gắn kết chặt chẽ với đồng bào các dân tộc, tôn giáo và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ chức sắc tôn giáo. Bên cạnh đó, LLVT tỉnh cũng có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới. Thống kê của Bộ CHQS tỉnh đến cuối tháng 6/2023, LLVT tỉnh đã xây tặng 11 công trình lớp học, công trình thể dục thể thao… trong vùng đồng bào DTTS và các cơ sở tôn giáo; xây tặng 162 căn nhà tình nghĩa quân - dân, nhà đồng đội, nhà 100 đồng…; phối hợp với các đơn vị xây dựng 34 nhà đại đoàn kết, mái ấm tình thương; 4 nhà sinh hoạt cộng đồng; 15 công trình nước sạch; sửa chữa 125 căn nhà bị ảnh hưởng do thiên tai; sửa chữa 165 km đường dân sinh…
Hàng năm, các đơn vị trong LLVT tỉnh đều tổ chức hành quân dã ngoại kết hợp làm dân vận ở các địa bàn trọng yếu. Đồng thời, làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Thông qua đó từng bước tăng cường xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh, khu vực phòng thủ vững chắc, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.
Dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS các địa phương cũng triển khai thực hiện công tác TTĐB linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa bàn.
Thượng tá Hoàng Hữu Việt - Chính trị viên Ban CHQS huyện Đam Rông, cho biết: “Đam Rông là địa bàn có 5 tôn giáo chính đang hoạt động gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cơ đốc Phục lâm và Cao đài với gần 42 ngàn tín đồ, chiếm khoảng 70% dân số toàn huyện. Bởi vậy trong thực hiện công tác TTĐB, Ban CHQS huyện đặc biệt chú trọng làm tốt công tác phối hợp với MTTQ Việt Nam huyện và các đoàn thể, thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi bộ, các hoạt động cộng đồng… để lồng ghép việc phổ biến các quy định về hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng đến cán bộ, công chức, viên chức, chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo. Thông qua đó nhằm nhận diện, ngăn chặn các hành vi truyền đạo trái phép, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hành nghề mê tín dị đoan hoặc tiến hành các hoạt động gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thường xuyên thăm hỏi các cơ sở tôn giáo; gắn kết nghĩa tình với đồng bào tôn giáo, qua đó phát huy tốt vai trò của các tôn giáo trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.
Còn tại huyện Di Linh,Trung tá Hoa Hi Viên - Chính trị viên phó Ban CHQS huyện thông tin, trên địa bàn huyện hiện có trên 68 ngàn người DTTS thuộc 22 dân tộc anh em sinh sống. Đây là địa bàn có số lượng người đồng bào DTTS cao nhất tỉnh. Bởi vậy trong thực hiện công tác TTĐB suốt những năm qua, Ban CHQS huyện đặc biệt chú trọng hướng tới vùng đồng bào DTTS. Theo đó LLVT huyện Di Linh thường xuyên thực hiện công tác dân vận tập trung ở khu vực này với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” và thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc” với bà con. Xây dựng mạng lưới cán bộ, chiến sĩ dân vận cơ sở. Quan tâm, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, chiến sĩ dân vận là con em người đồng bào DTTS...
Đánh giá cao kết quả triển khai công tác TTĐB của Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng, Đại tá Thái Thành Đức - Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7 đặc biệt nhấn mạnh: “Sự gắn bó chặt chẽ giữa LLVT với đồng bào các dân tộc, tôn giáo là yếu tố đóng vai trò quyết định trong thực hiện các nhiệm vụ với đặc thù địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Từ thực tiễn 15 năm thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cũng chỉ ra những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện công tác TTĐB của LLVT tỉnh. Trong đó có các vấn đề mang yếu tố chủ quan như: nhận thức của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng về vấn đề này chưa thực sự đầy đủ nên việc thực hiện nhiệm vụ chưa đạt hiệu quả cao. Sự phối hợp giữa các đơn vị với các ban, ngành, đoàn thể để tiến hành công tác TTĐB có nơi chưa thực sự chặt chẽ dẫn tới công tác tuyên truyền chưa đạt những hiệu quả như mong muốn.
Công tác TTĐB luôn có vị trí, tầm quan trọng chiến lược trong giữ vững ổn định chính trị và đảm bảo an ninh quốc phòng. Trong những năm tới, LLVT tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chú trọng tuyên truyền, vận động sáng tạo, phù hợp với từng cơ quan, đơn vị, từng nhiệm vụ, từng địa bàn góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác TTĐB trong tình hình mới.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin