Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động luật sư

LỆ THỦY 05:24, 11/07/2023

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hành nghề luật sư hoạt động đúng quy định, bước đầu đã tạo được niềm tin của Nhân dân. Hoạt động tham gia tố tụng của luật sư đã bảo đảm nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, góp phần quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược cải cách tư pháp trên địa bàn tỉnh. 

Tọa đàm đánh giá thực tiễn thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: T. Hương
Tọa đàm đánh giá thực tiễn thi hành Luật Luật sư trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: T.Hương

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh  thường xuyên quan tâm chỉ đạo đối với tổ chức và hoạt động của luật sư. Từ ngày thực hiện Kết luận số 69, ngày 24/2/2020 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 33, ngày 30/3/2009 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư đến nay, tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn, hoạt động ngày càng chất lượng hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật. 

Qua hơn 30 năm hoạt động và phát triển, ban đầu, toàn tỉnh chỉ có 5 luật sư, đến nay, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã có 54 tổ chức hành nghề luật sư, với 129 luật sư thành viên. 

Qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 69, tổ chức và hoạt động của luật sư trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển và đạt một số kết quả tích cực, vai trò, trách nhiệm của luật sư ngày càng được nâng lên; hoạt động tố tụng của luật sư trong phiên tòa được bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc tranh tụng, luôn dựa trên chứng cứ, quy định của pháp luật trong bào chữa. Thông qua hoạt động bào chữa, tranh tụng tại tòa án, luật sư còn góp phần làm giảm thiểu các vụ án oan, sai, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, tạo niềm tin cho Nhân dân. Trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 6/2023 đã thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền lợi 956 vụ việc tố tụng, tham gia thực hiện 1.044 vụ việc tư vấn pháp luật và 599 vụ việc trợ lý pháp luật... Luật sư không chỉ tham gia vào hoạt động tố tụng mà còn tham gia xây dựng pháp luật, tuyên truyền, phổ biến, trợ giúp pháp lý, qua đó đóng góp cho việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng quy định của pháp luật.

Lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác tham gia góp ý vào việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật trên các lĩnh vực; trong đó, có lĩnh vực hoạt động luật sư. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành có liên quan ban hành các văn bản để hướng dẫn thực hiện Luật Luật sư và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Bên cạnh đó, Đoàn Luật sư tỉnh Lâm Đồng đã tích cực tham gia góp ý đối với các dự thảo liên quan tới tổ chức và hoạt động của luật sư. 

Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp, các ngành luôn thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác luật sư, kịp thời quán triệt triển khai Luật Luật sư và các văn bản hướng dẫn thi hành; thực hiện tốt chiến lược phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn Đoàn Luật sư tổ chức thành công các kỳ đại hội; đăng ký hoạt động cho các tổ chức hành nghề luật sư; giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực luật sư đảm bảo đúng quy định. Từ năm 2021 đến nay, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, thực hiện thu hồi Giấy đăng ký hoạt động 6 tổ chức hành nghề luật sư, 1 luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, đăng ký thành lập 9 tổ chức hành nghề luật sư, đề nghị Bộ Tư pháp cấp chứng chỉ hành nghề luật sư cho 16 trường hợp. Cùng với đó, thực hiện 14 lượt thanh tra, kiểm tra đối với tổ chức hành nghề luật sư về tổ chức và hoạt động, việc chấp hành các quy định của Luật Luật sư. Qua thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, giải thích các vướng mắc trong quá trình hoạt động hành nghề của luật sư, không có trường hợp nào vi phạm đến mức phải xử lý. 

Công tác xây dựng Đảng; công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng và phát triển đội ngũ luật sư được cũng được thường xuyên quan tâm…

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhà nước đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; vai trò tự quản của tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức hành nghề của luật sư; việc thành lập, củng cố, kiện toàn mô hình tổ chức Đảng ở Đoàn Luật sư, tổ chức hành nghề của luật sư; phát triển đảng viên trong đội ngũ luật sư; việc sinh hoạt Đảng của các đảng viên là luật sư vẫn còn những hạn chế, khó khăn, vướng mắc. 

Vì vậy, theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, để tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với tổ chức và hoạt động của luật sư, cần tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, sâu rộng Kết luận số 69 tới toàn thể tổ chức Đảng, đảng viên, các cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của tổ chức, hoạt động hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển nghề luật sư trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1072 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020”, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của  Nhà nước đối với tổ chức và hoạt động luật sư, đáp ứng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với hoạt động luật sư; tiếp tục nghiên cứu, xem xét điều kiện, quy định tổ chức thành lập tổ chức cơ sở đảng tại Đoàn Luật sư tỉnh…