(LĐ online) - Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Chiến tranh đã lùi dần vào quá khứ, đất nước hòa bình và đang trên đà phát triển nhưng vẫn còn đó những nỗi đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại.
Theo thống kê, trải qua các cuộc chiến tranh, nước ta có gần 1,2 triệu liệt sĩ, gần 800 ngàn thương binh, hơn 300 ngàn người hoạt động kháng chiến, gần 111 ngàn người bị địch bắt tù đày… Nêu lên những con số này để thấy cái giá của hòa bình, độc lập, tự do phải đổi biết bao xương máu của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh… Chính vì lẽ đó, thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành phong trào rộng khắp ở tất cả cấp, ngành, địa phương trong cả nước.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị, phản động luôn tìm mọi âm mưu, thủ đoạn để hạ thấp giá trị sự hi sinh của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng; xuyên tạc chính sách đối với người có công… nhằm kích động, chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Họ triệt để lợi dụng sự phát triển của Internet, mạng xã hội đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền kích động, chống phá. Đáng chú ý là một số trang phản động như Việt Tân, Triều đại Việt, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời; Hội người Việt hải ngoại; cùng VOA, RFA, RFI, BBC… với những lời lẽ thiếu thiện chí, buông lời xúc phạm đến vong linh các anh hùng liệt sĩ, rằng: “Sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ là không cần thiết, vô nghĩa; sự hy sinh đó có xứng với những chính sách ưu đãi hiện nay?”; hoặc họ đánh đồng sự hy của các anh hùng, liệt sĩ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương với thương, phế binh và binh sĩ chết trận của chế độ Việt Nam cộng hoà, tay sai bán nước…
Và rồi, họ thông qua các bài viết, video clip với luận điệu lập lờ, đánh tráo giá trị, đổi trắng thay đen, cố tình xuyên tạc rằng: “Nhà cầm quyền Việt Nam vô ơn với liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc, lạnh lẽo khói hương ngày giỗ các anh”; “Đảng, Nhà nước Việt Nam đã lãng quên, không quan tâm đến thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng”…
Những thủ đoạn này tuy không phải chiêu trò mới mà các thế lực thù địch thực hiện trong chiến lược “diễn biến hòa bình” đối với cách mạng Việt Nam. Thế nhưng, việc xuyên tạc, phủ nhận, hạ thấp sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, người có công là thủ đoạn thể hiện sự tột cùng của bản chất bất nhân, vô ơn, bạc nghĩa để phục vụ mục tiêu chống phá, tạo ra nhận thức lệch lạc, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận quần chúng Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Trên thực tế, ngày 27/7 hàng năm đã đi vào lịch sử đất nước ta như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc Việt Nam. 76 năm qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, chế độ chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.
Khởi đầu từ Sắc lệnh số 20/SL, ngày 16/02/1947 của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Quy định chế độ hưu bổng thương tật và tiền tuất tử sĩ. Tiếp đến, ngày 29/8/1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa IX đã thông qua Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng (nay gọi là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng); Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Từ đó đến nay, Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng đã trải qua 7 lần sửa đổi vào các năm: 1998, 2000, 2002, 2005, 2007, 2012 và 2020; Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi) năm 2020 được thông qua ngày 09/12/2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng thể chế hóa chủ trương, đường lối chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về công tác người có công với cách mạng, là nền tảng pháp lý để các cấp chính quyền tổ chức triển khai chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng.
Điều này đã khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, ghi công các anh hùng liệt sĩ, quan tâm và dành những tình cảm đặc biệt, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng… Chỉ tính trong 5 năm trở lại đây, Phong trào Đền ơn đáp nghĩa đã tiếp nhận sự ủng hộ gần 5.600 tỉ đồng, xây mới gần 39.000 căn nhà, sửa chữa hơn 24.650 căn nhà với tổng số tiền hơn 2.265 tỉ đồng. Hỗ trợ gần 400 ngàn hộ gia đình người có công có khó khăn về nhà ở với tổng kinh phí gần 11.000 tỉ đồng, tặng gần 62.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá gần 105 tỉ đồng. Đồng thời, đã xóa trên 16.000 hộ người có công thuộc diện nghèo.
Ở Lâm Đồng có hơn 40.000 đối tượng chính sách; trong đó, có gần 9.000 đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng; chi trả định suất và trợ cấp khác trên 200 tỷ đồng mỗi năm. Đến nay, 100% đối tượng người có công có mức sống từ trung bình trở lên so với địa bàn cư trú; 100% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng...
Những kết quả trên đã bác bỏ hoàn toàn các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động và một lần nữa khẳng định: Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta không bao giờ quên ơn các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng.
Bởi vậy, cần phải lên án, kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện sai trái, xuyên tạc về chính sách người có công với cách mạng, bôi nhọ sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ. Đồng thời, các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần đẩy mạnh giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, để mỗi người chúng ta hiểu, biết ơn, trân trọng những đóng góp, hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng và tiếp tục thắp sáng ngọn lửa tri ân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin