Nhiều chỉ số của ngành Công thương có sự tăng trưởng ấn tượng

LINH ĐAN 16:37, 07/07/2023

(LĐ online) - Chiều 7/7, tại Đà Lạt, Sở Công thương tổ chức hội nghị đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023.

Hội nghị giao ban công tác ngành Công thương 6 tháng đầu năm
Hội nghị giao ban công tác ngành Công thương 6 tháng đầu năm

Tham dự và chủ trì hội nghị có ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc Sở Công thương; bà Cao Thị Thanh - Phó Giám đốc Sở; lãnh đạo các phòng, ban tham mưu của sở; đại diện ngành Công thương của 12 huyện, thành phố và đông đảo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

6 tháng đầu năm 2023, trong điều kiện kinh tế thế giới có những dấu hiệu sụt giảm, kinh tế trong nước còn gặp khó khăn, các doanh nghiệp sản xuất chính của tỉnh như sản xuất bia, alumin, sợi len lông cừu,… gặp khó khăn về thị trường, nhưng với sự nỗ lực của doanh nghiệp, sự hỗ trợ kịp thời của các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh, các ngành công nghiệp vẫn có sự tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp tăng 8,02% so với cùng kỳ; hoạt động thương mại sôi động, nguồn cung hàng hóa luôn đáp ứng nhu cầu của thị trường, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 21,02% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu của tỉnh có dấu hiệu phục hồi, có 6/7 mặt hàng xuất khẩu tăng về lượng/giá trị, trong đó mặt hàng rau củ xuất khẩu tăng mạnh.

Sau đại dịch Covid-19, ngành Công thương đã khẩn trương, chủ động triển khai các chương trình, giải pháp hỗ trợ kích thích sản xuất, đầu tư, mở rộng thị trường trong và ngoài nước với các hoạt động xúc tiến thương mại như quảng bá, triển lãm, khuyến mại, thông tin và kết nối thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, chương trình khuyến công hỗ trợ sản xuất công nghiệp cụ thể, hiệu quả; kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ, phát triển thị trường.

Công tác phát triển lưới điện, nguồn điện được tập trung đầu tư phát triển; sản xuất và phân phối điện đảm bảo phục vụ sản xuất và sử dụng của người dân; hoạt động nổ mìn, vận hành hồ đập thủy điện bảo đảm an toàn, đúng quy định, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm ngành Công thương cũng gặp không ít những khó khăn, như: Giá trị sản xuất một số sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh (alumin, bia, sợi len lông cừu, rau cấp đông, phân bón NPK). Sản lượng điện của một số nhà máy thủy điện giảm so với cùng kỳ. Một số địa phương giá trị sản xuất công nghiệp đạt thấp so với kế hoạch.

Sản phẩm của doanh nghiệp tiêu thụ chậm, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn nhất là nhóm hàng dệt may (giá trị xuất khẩu giảm 34,09% so với cùng kỳ). Doanh nghiệp sản xuất, chế biến sản phẩm chè thiếu nguồn nguyên liệu.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do: Nhu cầu thị trường giảm, nhất là thị trường quốc tế dẫn đến sản phẩm tiêu thụ chậm, sản xuất giảm; đặc biệt các doanh nghiệp dệt may không có đơn hàng (đơn hàng chủ yếu từ châu Âu, Bắc Mỹ); một số công ty xuất khẩu sang các thị trường các nước Trung Á như Ả rập, Afganistan, Pakistan gặp khó khăn trong thanh toán từ đối tác (tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động, thiếu ngoại tệ,…) nên đã tạm ngưng xuất hàng.

Ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, thời tiết bất thường (nắng nóng, hạn hán) đã làm cho các hồ thủy điện bậc trên thiếu nước, lượng nước về hồ thấp (thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 5), có nguy cơ ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp điện và kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh.

Giá nguyên vật liệu, lãi suất vay ngân hàng vẫn còn cao, ảnh hưởng của lạm phát đã tác động đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Cũng theo kế hoạch, 6 tháng cuối năm 2023, Sở Công thương sẽ tham mưu trình UBND tỉnh một số Đề án: Đề án tái cơ cấu ngành Công nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án hình thành Trung tâm logistics Bảo Lộc và Đức Trọng, Trung tâm giao dịch hoa Đà Lạt, các kho bảo quản nông sản; Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025.

Đồng thời, sở cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường: xuất bản các bản tin ngành hàng cung cấp thông tin hỗ trợ xuất khẩu; tổ chức, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến; tổ chức các hoạt động quảng bá, kết nối chợ đầu mối nông sản đến với các thị trường Bắc, Trung, Nam; Tuần hàng nông sản Đà Lạt – Lâm Đồng tại hệ thống bán lẻ hiện đại trong nước tại tỉnh Kiên Giang; nhân rộng điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam” tại huyện Đơn Dương; nhân rộng điểm bán sản phẩm OCOP tại TP Bảo Lộc; xây dựng, hỗ trợ hình thành kênh tiêu thụ nông sản. Phối hợp triển khai phát triển, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” và hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử.