Tháng Bảy, để không còn nỗi day dứt, trăn trở…

HÀ THANH 00:05, 27/07/2023

Theo Báo điện tử Dân Trí, ngày 20/7/2023, khi tiếp công dân xin cấp bằng Tổ quốc ghi công cho bố là liệt sĩ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung day dứt: “người thật, việc thật” nhưng lỡ chế độ do sai tên trên bia mộ. Đó là trường hợp của bà Phan Thị Cưu (Nghệ An), người đầu tiên bước vào phòng tiếp dân, có cơ hội trực tiếp gặp người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Giở tập giấy tờ về người bố đã mất, bà Cưu rưng rưng nước mắt đề nghị lãnh đạo Bộ xem xét cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Phan Văn Hán và sửa lại thông tin trên phần mộ hiện đang bị sai. Bà trình bày, liệt sĩ Phan Văn Hán mất từ năm 1949, thời gian gần đây, gia đình mới làm hồ sơ đề nghị Nhà nước cấp bằng Tổ quốc ghi công. Quá trình hoàn thiện hồ sơ còn gặp vướng mắc do trên bia mộ ghi nhầm tên.

“Bố tôi đã mất mấy chục năm, nay gặp Bộ trưởng, tôi không đòi hỏi gì nhiều chỉ mong lãnh đạo Bộ xem xét giúp tôi hoàn thiện giấy tờ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho bố”, bà Cưu nghẹn ngào. Trấn an người phụ nữ lặn lội từ Nghệ An ra, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung động viên gia đình yên tâm, không phải đi lại nhiều để giải quyết việc này nữa.

Tiễn bà Cưu rời phòng tiếp dân, người đứng đầu ngành Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu lãnh đạo Cục Người có công khẩn trương xác minh, xem xét trường hợp này. Ông quả quyết, nếu trường hợp của bà Cưu chính xác, đủ điều kiện sẽ triển khai hoàn tất hồ sơ cấp bằng Tổ quốc ghi công và trình Bộ trưởng ngay trong tháng Bảy. Ngày 20/7, tại trụ sở Bộ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp, nghe và giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan các lĩnh vực lao động, người có công… Trong đó, bà Cưu là một trường hợp cụ thể. 

Phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2023 tổ chức sáng 22/7 tại Thừa Thiên Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ, chiến tranh đã lùi xa, đất nước đã độc lập, thống nhất nhưng vẫn còn đó biết bao nỗi đau thương… Những vết thương chiến tranh vẫn hằng ngày đau nhức, nhất là lúc trái nắng, trở trời, di chứng do chất độc da cam dày vò biết bao số phận. Những ánh mắt mòn mỏi ngóng trông, khắc khoải đợi chờ của những gia đình chưa có thông tin, chưa được biết phần mộ của con, của em, của vợ, chồng… ở đâu. Thấu hiểu, sẻ chia với những nỗi đau đó, trong suốt 76 năm qua, Đảng, Nhà nước luôn đặc biệt quan tâm công tác đền ơn, đáp nghĩa và ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, luôn coi đó là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, 6 năm qua, cả nước đã nỗ lực giải quyết hồ sơ tồn đọng. Kết quả, hơn 7.000 hồ sơ đã được giải quyết căn bản, trong đó trên 2.400 liệt sĩ được trình cấp bằng Tổ quốc ghi công, hơn 2.700 thương binh được hưởng chính sách. 

Tính chung cả nước, 13.000 tỷ đồng đã được huy động để hỗ trợ hộ gia đình người có công xây dựng mới trên 84.000 căn nhà và sửa chữa trên 69.000 căn nhà tình nghĩa. Các cấp, ngành cũng tặng gần 126.000 sổ tiết kiệm cho gia đình chính sách với trên 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ một số trường hợp đặc biệt khó khăn. 2.988 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống được các tổ chức nhận chăm sóc, phụng dưỡng suốt đời… Ngay trong dịp tháng Bảy truyền thống lịch sử này, Chính phủ đã ban hành nghị định mới, nâng mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Chủ tịch nước quyết định tặng quà tới hơn 1,4 triệu người có công và thân nhân...

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đời sống của người có công và gia đình người có công với cách mạng không ngừng được nâng lên và cải thiện về vật chất và tinh thần. Đến nay, 99% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.

Dù vậy, nỗi day dứt, trăn trở với người đứng đầu Chính phủ là đời sống của một bộ phận thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng còn khó khăn; nhiều liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, chưa xác định được danh tính... Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương thời gian tới tiếp tục thực hiện thật tốt chủ trương, đẩy mạnh hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.

“Với trách nhiệm lớn lao và nghĩa tình sâu nặng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Nhân dân ta nguyện tiếp tục chăm lo chu đáo để xoa dịu nỗi đau, làm vơi đi nỗi nhớ, để đời sống vật chất, tinh thần của người có công ngày càng được nâng lên, đầy đủ, tốt đẹp hơn”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.