Cách mạng tháng Tám năm 1945: Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng của Đảng

07:28, 20/08/2023

Cách mạng tháng Tám năm 1945 là mốc son chói lọi, vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đồng thời để lại nhiều bài học quý báu về nhận định, vận dụng thời cơ và bảo vệ thành quả cách mạng, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945
Quần chúng cách mạng và tự vệ chiến đấu Hà Nội chiếm Phủ Khâm sai (Bắc Bộ phủ), ngày 19-8-1945

NHỮNG BÀI HỌC QUÝ BÁU

Một là, tích cực, chủ động nghiên cứu nắm chắc diễn biến tình hình, xác định đúng đắn thời cơ cách mạng để tiến hành tổng khởi nghĩa. Đầu năm 1945, tình thế cách mạng thế giới có sự chuyển biến mau lẹ, chiến tranh thế giới lần thứ Hai đến giai đoạn kết thúc với thắng lợi trên chiến trường thuộc về Hồng quân Liên Xô và quân đồng minh. Nửa cuối tháng 4/1945, Liên xô tiến hành tổng công kích vào Béc-lin, buộc phát xít Đức phải ký văn bản đầu hàng vô điều kiện (09/5/1945). Trên đà thắng lợi, ngày 08/8/1945, Liên Xô tuyên chiến và đánh bại đội quân Quan Đông hùng mạnh nhất của phát xít Nhật, khiến thành viên cuối cùng trong trục phát xít phải chịu khuất phục, đầu hàng vô điều kiện (14/8/1945).

Trong nước, dưới ách thống trị hà khắc, tàn bạo của thực dân, phong kiến, nhất là kể từ khi phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương thực thi những chính sách vô nhân đạo phục vụ chiến tranh, gây ra nạn đói khắp cả nước, đẩy quần chúng nhân dân lao động vào cùng cực, không thể chịu đựng được, phải vùng lên đấu tranh để tự cứu mình. Sau các sự kiện Nhật đảo chính Pháp và Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng đồng minh vô điều kiện; quân Nhật, chế độ phong kiến và chính quyền bù nhìn, phản động rơi vào hoang mang, khủng hoảng tột độ, không đủ khả năng đàn áp phong trào cách mạng. Trong khi đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong cả nước, quy tụ, đoàn kết đông đảo tầng lớp nhân dân, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, đảng phái… đứng lên đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Đánh giá về tình hình lúc bấy giờ, đồng chí Trường Chinh nhấn mạnh: “Cả Đông Dương lúc ấy đang như một cánh đồng cỏ khô. Từng tập, từng tập bản chỉ thị của Ban Thường vụ nhanh chóng theo chân các đồng chí giao thông bay đến các miền đất nước như những cánh chim lửa. Và lửa cách mạng đã bùng lên! Không có ai dập được, không có lực lượng phản động nào, không có sức mạnh tàn bạo nào ngăn cản được ngọn lửa cách mạng đang bùng cháy trong cả nước”(1). Đến tháng 8/1945, nhận thấy những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân đồng minh vào Đông Dương (từ 14/8 đến 05/9/1945), với quyết tâm dù có phải hi sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành độc lập cho dân tộc.

Hai là, kịp thời xác định chủ trương, quyết sách lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức tiến hành tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trong thời gian rất ngắn. Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng Bộ Việt Minh đã nắm chắc diễn biến tình hình và thời cơ cách mạng, kịp thời ban hành chủ trương, quyết sách để lãnh đạo, chỉ đạo toàn dân tiến hành Tổng khởi nghĩa, như: Chỉ thị Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta; triệu tập Hội nghị quân sự Bắc kỳ; Chỉ thị tổ chức Ủy ban dân tộc giải phóng các cấp; chuyển căn cứ chỉ đạo cách mạng từ Pác Bó về Tân Trào; xác định các nguyên tắc chỉ đạo khởi nghĩa, v.v.. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của tổ chức Việt Minh các cấp; chuyển mọi hình thức tuyên truyền cổ động, tổ chức và đấu tranh sang thời kỳ tiền khởi nghĩa, tiến dần từng bước lên tổng khởi nghĩa; tiến hành những hình thức biểu tình tuần hành, bãi công chính trị, bất hợp tác với Nhật; xây dựng các đội Tự vệ cứu quốc, phát động đánh du kích, thống nhất các chiến khu và thành lập Việt Nam Giải phóng quân; tổ chức các ủy ban khởi nghĩa, v.v.. Trước khi quân Nhật tuyên bố đầu hàng một ngày (13/8/1945), Trung ương Đảng và Tổng Bộ Việt Minh tổ chức thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc do đồng chí Trường Chinh phụ trách; và ngay trong ngày hôm đó, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc đã ra Quân lệnh số 1, ban Lệnh Tổng khởi nghĩa. Tại Đại hội quốc dân (16/8/1945) đã thông qua Lệnh Tổng khởi nghĩa và quy định quốc kỳ là lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, quốc ca là bài tiến quân ca; thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Bác Hồ làm Chủ tịch. Trong thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(2).

Những chủ trương, quyết sách trên là sợi chỉ đỏ thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và quốc dân, đồng bào tranh thủ thời gian, chớp lấy thời cơ, nhất tề đứng lên, tiến hành Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi trên phạm vi cả nước chỉ trong 2 tuần (từ ngày 14 - 28/8/1945). Các sự kiện thành lập, thông qua danh sách thành viên Chính phủ lâm thời (28, 29/8/1945) và vua Bảo Đại thoái vị (30/8/1945) đánh dấu sự sụp đổ hoàn toàn của chế độ thực dân, phong kiến; ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với quốc dân đồng bào và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập.

Ba là, kiên quyết, kiên trì, khôn khéo, linh hoạt đấu tranh đẩy lùi nguy cơ, thách thức bảo vệ thành quả cách mạng. Tuy đất nước giành được độc lập, nhưng chúng ta phải đối mặt với muôn vàn nguy cơ, thách thức, khó khăn. Quân tưởng mang theo “Việt Quốc”, “Việt Cách” kéo vào với những yêu cầu phi lý và mục tiêu “diệt cộng, cầm Hồ”; thực dân Pháp núp bóng quân Anh với dã tâm cướp nước ta một lần nữa; quốc khố trống rỗng, nạn đói, nạn mù chữ…. đe dọa trực tiếp đến sự tồn vong của chính quyền cách mạng non trẻ, đặt vận nước vào thế “ngàn cân treo sợi tóc”.

Trước tình thế đó, Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều quyết sách thể hiện tư duy nhạy bén, sáng tạo và tầm nhìn chiến lược, như: Cải tổ Ủy ban giải phóng dân tộc thành Chính phủ lâm thời; công khai danh sách các thành viên Chính phủ lâm thời trước khi Vua Bảo Đại thoái vị; ra mắt Chính phủ lâm thời, công bố Tuyên ngôn độc lập trước khi quân đồng minh kéo vào; mở rộng, cải tổ Chính phủ lâm thời thành Chính phủ liên hiệp lâm thời; Đảng ta rút vào hoạt động bí mật; xác định kẻ thù chính của cách mạng là thực dân pháp, v.v.. Đây là cơ sở để chúng ta triển khai thực hiện các chính sách, biện pháp cấp bách để củng cố, bảo vệ thành quả cách mạng.

Về đối nội, chúng ta đã có sự điều chỉnh, mở rộng thành phần Chính phủ liên hiệp, chấp thuận một số đại biểu của “Việt quốc”, “Việt cách” tham gia Chính phủ để hạn chế sự chống phá của chúng và sự can thiệp của quân Tưởng vào công việc nội bộ; đồng thời, kiên quyết trừng trị bọn phản quốc dựa vào thế lực bên ngoài để chống phá cách mạng, nhằm ổn định tình hình. Đặt nhiệm vụ diệt “giặc đói”, “giặc dốt” ngang bằng với nhiệm vụ chống giặc ngoại xâm, coi đây là những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, trước mắt. Thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, kêu gọi người tài đức tham gia Chính phủ và chính quyền các cấp; phát động nhiều phong trào hành động cách mạng, như: Đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, tiết kiệm; hũ gạo cứu đói; tuần lễ vàng; bình dân học vụ, v.v..

Về đối ngoại, tuy xác định thực dân Pháp là kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam, nhưng chúng ta tạm thời thực hiện chính sách hòa hoãn, cho quân Pháp ra miền Bắc nhằm tránh cùng một lúc phải đấu tranh với nhiều kẻ thù, bảo toàn lực lượng, củng cố chính quyền cách mạng và sớm gạt quân Tưởng, loại bỏ tay sai của chúng ra khỏi đất nước. Thực hiện chính sách Hoa - Việt thân thiện và những nhượng bộ nhất định với quân Tưởng, nhưng tỉnh táo không mắc mưu khiêu khích và âm mưu đảo chính của chúng.

Mít tinh Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (19/8/1945). Ảnh tư liệu
Mít tinh Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 tại Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội (19/8/1945). Ảnh tư liệu

GIÁ TRỊ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN SÂU SẮC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ TỔ QUỐC VIỆT NAM XÃ HỘI CHỦ NGHĨA HIỆN NAY

Bài học về nhận định, vận dụng thời cơ và giữ vững thành cách mạng tháng Tám năm 1945 được Đảng ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong suốt quát trình đấu tranh cách mạng, nhất là ở những giai đoạn, thời điểm lịch sử có tính chất bước ngoặt; trở thành nhân tố quan trọng, quyết định thắng lợi hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, thực hiện nhiệm vụ quốc tế, tiến hành chiến tranh bảo vệ biên giới của Tổ quốc, đưa cả nước vững bước quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vận dụng bài học đó trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo tình hình tác động đến sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo để nhận định, đánh giá tình hình thế giới, khu vực, trong nước; kết hợp dự báo chiến lược với dự báo ngắn hạn về xu hướng vận động của tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại…. nhằm nắm vững chủ động chiến lược. Phân tích khách quan, khoa học xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển của thế giới và cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế đất nước gắn với nắm vững xu hướng điều chỉnh quan hệ chiến lược của các nước lớn; diễn biến tình hình các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển đảo, xung đột vũ trang, bất ổn, các yếu tố đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, nhất là an ninh, an toàn không gian mạng, khủng bố, tội phạm, thiên tai, dịch bệnh, v.v.. Linh hoạt nhận định và dự báo đúng xu hướng vận động của đối tác, đối tượng và sự chuyển hóa giữa chúng trong từng đối tác, đối tượng cụ thể, theo phương châm thêm bạn, bớt thù, tạo thời cơ bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, dự báo âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các nguy cơ đe dọa đến mục tiêu, nội dung nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Trên cơ sở đó, nhận định, đánh giá những thời cơ, vận hội và trở ngại, thách thức, khó khăn trực tiếp tác động đến thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; không để Tổ quốc bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Không ngừng củng cố, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực hiện nghiêm chủ trương, quan điểm bảo vệ Tổ quốc bằng sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Kết hợp chặt chẽ Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự, Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng… với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chiến lược khác đã được Trung ương Đảng và Bộ Chính trị ban hành. Tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách kết hợp giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh và tăng cường, củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại. Gắn kết vận dụng kết quả tổng kết Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới với triển khai thực hiện quan điểm về bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”; “giữ nước từ khi nước chưa nguy”, xây dựng “thế trận lòng dân”… trong hoạch định, chủ trương, đường lối và ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ Tổ quốc.

Triển khai quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo trong cuốn sách "Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cuốn sách là tài liệu quý, thể hiện sự am hiểu sâu sắc, tư duy ở tầm chiến lược của người đứng đầu Đảng ta về đường lối quân sự, quốc phòng Việt Nam; trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh hoa nghệ thuật quân sự Việt Nam và bằng nhãn quan chính trị sắc bén, những kinh nghiệm phong phú trong thực tiễn cách mạng. Những quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư là định hướng quan trọng để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới, đồng thời thể hiện sự lãnh đạo sâu sát, toàn diện đối với Quân đội nhân dân Việt Nam, đội quân từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân, xứng đáng là thanh bảo kiếm sắc bén, là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Thứ ba, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại trong củng cố, bảo vệ thành tựu sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị; kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước,… tạo tiềm lực, sức mạnh tổng hợp cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Gắn tăng cường, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân nhân, thế trận an ninh nhân dân, “thế trận lòng dân” với xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh, rộng khắp. Xây dựng khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự, bảo đảm mỗi xã là một căn cứ chiến đấu, mỗi huyện, tỉnh là một khu vực phòng thủ vững chắc và “có cơ chế huy động nguồn lực từ địa phương và nguồn lực xã hội cho xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh tại các khu vực phòng thủ….; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo, vùng trời; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước”(3). Đẩy mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại nói chung và đối ngoại quốc phòng nói riêng gắn với xử lý khéo léo mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng, mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng theo đúng tinh thần chỉ đạo: “Không ngừng đổi mới, sáng tạo trên cơ sở vận dụng nhuần nhuyễn bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt về phương pháp, sách lược”(4) của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm phát huy vị trí địa chiến lược và uy tín, vị thế quốc tế của đất nước trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc “từ sớm, từ xa”.

Đồng thời, không ngừng củng cố, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; khơi dậy khát vọng cống hiến, đổi mới, sáng tạo; đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc… để mỗi người dân thực là chủ thể tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.

(1) Dẫn theo Đài Truyền hình Việt Nam (2020), Phim tài liệu Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử Truyền hình năm 1945.

(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, H.2011, tập 3, tr. 596.

(3) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, tập I, tr 159, 201.

(4) Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, H.2022, tr 191-192.

(Theo tuyengiao.vn)