(LĐ online) - Chiều 25/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Công tác đảm bảo an ninh, quốc phòng tỉnh Lâm Đồng năm 2023. Đồng chí Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị |
Tham dự hội nghị có đại diện thường trực HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; các đoàn thể thuộc tỉnh; lãnh đạo Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bí thư, Phó Bí thư các huyện ủy, thành ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các huyện, thành phố; đại diện người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chức sắc trong tôn giáo.
Theo báo cáo tại hội nghị, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, dưới sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ của cả hệ thống chính trị và sự đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của lực lượng Công an Nhân dân và Quân đội Nhân dân, nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia, xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng được nâng cao. Tiềm lực quốc phòng, an ninh được củng cố; an ninh chính trị tại địa phương được giữ vững ổn định, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, không để hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập tại địa phương. An ninh các vùng tôn giáo, vùng dân tộc thiểu số được củng cố, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) trình bày tham luận tại Hội nghị |
Về công tác bảo đảm an ninh, trật tự, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh thường xuyên nắm chắc tình hình, chủ động, tích cực tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành nâng cao cảnh giác, làm tốt công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm rõ bản chất phản động, cũng như âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, đối tượng xấu. Tích cực phối hợp cùng lực lượng Công an đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi ý đồ xấu tại địa phương.
Các cơ quan chức năng đã đấu tranh, ngăn chặn 2.204 vụ phạm tội về trật tự xã hội; đã điều tra làm rõ 2.024/ 2.204 vụ (đạt tỷ lệ 91,83%), bắt 4.450 đối tượng. Tiếp nhận, xử lý 100% tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, đã tổ chức kiểm tra, xác minh, giải quyết 7.304/ 7.888 tin (đạt 92,6%).
Công an huyện Đam Rông trình bày tham luận |
Bên cạnh đó, tập trung các nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân; triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06...
Đối với công tác quốc phòng địa phương, đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh gắn với diễn tập tác chiến chiến lược trên hướng chiến trường Miền Trung - Tây Nguyên; diễn tập khu vực phòng thủ cho 6 huyện, thành phố.
UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động của Tỉnh ủy thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành kế hoạch phòng thủ dân sự trên địa bàn Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025; chương trình công tác của Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh đến năm 2025 và kiện toàn Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh Lâm Đồng; đầu tư xây dựng và hoạt động khu vực phòng thủ vững mạnh...
Già làng K’Tang - người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Đức Trọng trình bày tham luận |
Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc kết hợp với xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh của toàn dân; tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình, tổ chức quần chúng hoạt động hiệu quả trong công tác phòng chống tội phạm ở cơ sở. Duy trì và giữ vững số xã, huyện, tỉnh đạt tiêu chí an ninh trật tự trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh đang duy trì hoạt động của 133 mô hình đảm bảo ANTT tại cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế, khó khăn và vướng mắc trong công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời phân tích nguyên nhân, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Tại hội nghị cũng đã diễn ra phần tham luận đến từ các đơn vị Công an tỉnh, thành phố Đà Lạt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Đam Rông, người có uy tín và chức sắc tôn giáo,...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S phát biểu kết luận hội nghị |
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm S yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tiến hành đồng thời việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Chú trọng phát huy vai trò của các tổ chức, chức sắc tôn giáo và người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng vũ trang trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự và bảo vệ Tổ quốc; tăng cường đi cơ sở, nắm chắc tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết tốt các vấn đề có thể phát sinh phức tạp, các vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự ở địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin