Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng làm việc với Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông, Trung Quốc

NAM VIÊN - NGỌC LINH 14:40, 24/08/2023

(LĐ online) - Sáng 24/8, tiếp tục chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc, đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông.

Quang cảnh buổi làm việc
Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Dịch Cán Quân - Phó Viện trưởng, cùng các nhà khoa học của Học viện. Tham gia buổi làm việc có đại diện Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu. 

Đây là hoạt động hết sức quan trọng nhằm kết nối, thúc đẩy hợp tác phát triển trên lĩnh vực nông nghiệp - lĩnh vực thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, một trong những nội dung đáng chú ý là kết nối, xúc tiến việc nhập khẩu trứng giống tằm lưỡng hệ chính ngạch từ Trung Quốc và hợp tác đầu tư sản xuất trứng giống tằm tại Lâm Đồng.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông đã giới thiệu khái quát với đoàn về quá trình hình thành, phát triển, những lĩnh vực nghiên cứu, kết quả nghiên cứu khoa học của đơn vị. Đồng thời, trao đổi với đoàn công tác về những cơ hội hợp tác giữa Học viện với tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới. 

Đồng chí Trần Đình Văn và đại diện doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trao quà lưu niệm là các mặt hàng đặc sản địa phương đến lãnh đạo Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông
Đồng chí Trần Đình Văn và đại diện doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng trao quà lưu niệm là các mặt hàng đặc sản địa phương đến lãnh đạo Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông

Thay mặt đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đình Văn cảm ơn lãnh đạo Học viện đã dành thời gian tiếp đón đoàn. Đồng chí cho biết, Lâm Đồng là tỉnh có thế mạnh về phát triển nông nghiệp, du lịch, năng lượng tái tạo và khai khoáng. Với những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và những đặc trưng về văn hóa, xã hội, tỉnh Lâm Đồng và đặc biệt là thành phố Đà Lạt luôn được biết đến như một trong những lựa chọn hấp dẫn đối với các du khách và nhà đầu tư trong và ngoài nước. 

Để phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập, tỉnh Lâm Đồng xác định ngoài phát huy nội lực, việc thu hút các nguồn vốn từ bên ngoài là hết sức quan trọng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần quan trọng trong việc hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm tăng giá trị và đưa các mặt hàng nông sản thế mạnh của tỉnh như rau, hoa, cá nước lạnh, trà ô long, cà phê... trở thành những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong và ngoài nước, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đồng chí cho biết, Lâm Đồng có vùng chuyên canh nông nghiệp lớn nhất nhì cả nước với diện tích gieo trồng hàng năm trên 392.000 ha, trong đó có trên 65.000 ha sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và đã được xem là điểm sáng về sản xuất nông nghiệp của cả nước. Trong những năm qua, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Lâm Đồng luôn duy trì ổn định mức cao, bình quân 5%/năm, chiếm tỷ trọng từ 38 - 40% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt khoảng 432 triệu USD, chiếm tỷ trọng 48% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như cà phê, chè, điều, rau và hoa các loại.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm
Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Tổng diện tích canh tác nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 328.000 ha, chất lượng đất đai rất tốt và màu mỡ; trong đó, có trên 200.000 ha đất bazan chia thành 4 vùng sinh thái khác nhau có độ cao từ 200 - 1.500 m so với mặt nước biển, đặc biệt phù hợp để canh tác các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa, chè, cà phê, cây ăn quả, dâu tằm tơ, dược liệu, nuôi bò sữa,  cá nước lạnh…

Trong thời gian qua, các mặt hàng nông sản của tỉnh (rau củ quả chế biến, cà phê, hoa tươi) đã xuất sang thị trường Trung Quốc, nhất là mặt hàng sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch, diện tích và giá trị sản xuất không ngừng được nâng cao. Bên cạnh đó, để phục vụ sản xuất tằm, hàng năm Lâm Đồng nhập khẩu khoảng 370.000 - 400.000 hộp trứng tằm lưỡng hệ từ Trung Quốc để phục vụ nhu cầu sản xuất (100% trứng tằm lưỡng hệ được nhập khẩu Trung Quốc). Tuy nhiên, nguồn trứng giống tằm chủ yếu được nhập khẩu theo đường tiểu ngạch, nguồn cung không đều dẫn đến việc khan hiếm trứng giống tằm tại một số thời điểm (đặc biệt là các loại giống tốt, có sức kháng bệnh, năng suất cao). Do đó, việc tìm kiếm các đối tác Trung Quốc nói chung, tỉnh Quảng Đông nói riêng là cần thiết.

Theo đồng chí Trần Đình Văn, chuyến công tác lần này, bên cạnh việc giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của địa phương, tỉnh Lâm Đồng kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc tiếp tục đến tìm hiểu, đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là vào các lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh như: Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với lĩnh vực công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch và dịch vụ du lịch chất lượng cao.

Để thực hiện mục tiêu trên, thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, đồng chí Trần Đình Văn đề nghị Học viện Khoa học Nông nghiệp Quảng Đông phối hợp, hỗ trợ nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, tăng cường mở rộng xuất nhập khẩu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của hai bên trao đổi thông tin, mở rộng thị trường tiêu thụ các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng như: sầu riêng, chanh dây, bò thịt cao sản, thịt heo, yến và các sản phẩm từ sữa. 

Nghiên cứu, tìm hiểu các quy định mới trong xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản vào thị trường Trung Quốc, để thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp của tỉnh trong quá trình xuất nhập khẩu hàng hoá từ thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt là kết nối, xúc tiến việc nhập khẩu trứng giống tằm lưỡng hệ chính ngạch từ Trung Quốc và hợp tác đầu tư sản xuất trứng giống tằm tại tỉnh Lâm Đồng; bảo đảm nguồn giống chất lượng phục vụ phát triển ngành xe tơ dệt lụa của tỉnh.

Sáng cùng ngày, đoàn công tác đã đi khảo sát thực tế tại chợ nông sản của Tập đoàn Nông nghiệp Giang Nam. Đây là chợ nông sản có quy mô lớn với diện tích hơn 40 ha.