Giám sát và phản biện xã hội góc nhìn từ nhân dân

NGUYỆT THU 00:06, 31/08/2023

Đồng hành cùng Nhân dân tham gia giám sát các hoạt động của chính quyền các cấp, của các cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đã luôn gần dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị, kịp thời phản ánh, tham mưu cấp ủy để có giải pháp chỉ đạo kịp thời. Qua đó, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, hướng tới củng cố niềm tin trong Nhân dân.

Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh
Đại diện các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh

Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện dân chủ, phổ biến để Nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền. 

Mặt trận đã tạo điều kiện, thường xuyên tổ chức các diễn đàn để Nhân dân bày tỏ chính kiến, góp ý, kiến nghị, đề xuất với cấp ủy, chính quyền liên quan đến quản lý, điều hành, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức... để có các giải pháp khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ông Trương Thành Được - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Công tác giám sát có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước đổi mới cả về nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng và hiệu quả giám sát. Hàng năm, MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đã bám sát chức năng, nhiệm vụ để tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217 ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Luật MTTQ Việt Nam. 

Từ năm 2019 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức được 19 cuộc 
giám sát chuyên đề
Từ năm 2019 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức được 19 cuộc giám sát chuyên đề

Theo số liệu thống kê kết quả từ năm 2019 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức được 19 cuộc giám sát chuyên đề. Nội dung giám sát đều tập trung vào những vấn đề Nhân dân quan tâm, bức xúc. Điển hình như: “Giám sát việc thu gom, xử lý chất thải, rác thải sinh hoạt và rác thải bao bì thuốc bảo vệ thực vật có liên quan đến ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn tỉnh”; “Giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người được quy hoạch vào cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Giám sát về việc phát triển nhà lưới, nhà kính phục vụ sản xuất nông nghiệp tác động đến cảnh quan, môi trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”; “Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh”; Giám sát việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Chủ tịch UBND cấp huyện; “Giám sát cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ năm 2021”; “Giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng cho người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; “Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) đối với các sở, ngành thuộc tỉnh…

Mới đây nhất, từ đầu năm 2023, Mặt trận thực hiện “Giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân đối với UBND huyện Đơn Dương và TP Đà Lạt”; Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021 - 2025) đối với UBND huyện Lạc Dương và Đam Rông; Giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 06 ngày 7/4/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng Khu dân cư tiêu biểu, Khu dân cư kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2021-2023… 

Ngoài ra, trong thời điểm xảy ra dịch bệnh COVID-19, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội đã tổ chức các đợt giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng của các năm 2020, 2021, 2022. Qua đó, giúp minh bạch, công khai nguồn lực, nguồn hỗ trợ, giúp đỡ Nhân dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân và chiến thắng đại dịch, đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho Nhân dân. 
Trong suốt quá trình giám sát, Mặt trận đã bám sát các hình thức, quy trình giám sát, phát huy vai trò của các tổ chức thành viên, hội đồng tư vấn, ban tư vấn, nghiên cứu, đánh giá, phản ánh, kiến nghị những mặt ưu điểm để tiếp tục phát huy, những vấn đề còn hạn chế để kiến nghị khắc phục và phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 

Hầu hết kiến nghị sau giám sát đều được các đơn vị, địa phương, cá nhân liên quan tiếp thu và tổ chức triển khai thực hiện. Tích cực phối hợp tham gia các hoạt động giám sát của HĐND cùng cấp..

Về công tác phản biện xã hội đã từng bước được thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Thống kê từ năm 2019 đến nay, MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện đối với 6 dự thảo văn bản. Cụ thể đã phản biện dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định về chức danh, số lượng, chế độ, chính sách, kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội và những người hoạt động không chuyên trách, các chức danh khác ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh; Phản biện dự thảo Nghị quyết và Quyết định về Bảng giá đất giai đoạn 2020 - 2024 trên địa bàn các huyện, thành phố. Phản biện dự thảo “Đề án Phát triển đường giao thông nông thôn phục vụ Chương trình xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; Phản biện dự thảo “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”; Phản biện dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh về Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục công lập năm học 2023 - 2024 trên địa bàn tỉnh... Những nội dung góp ý, phản biện đều được các cơ quan chức năng tiếp thu, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh cho phù hợp.

Trao đổi về nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết thêm: Trong thời gian tới, MTTQ các cấp sẽ tập trung các giải pháp nâng cao tập huấn, phổ biến kinh nghiệm để đội ngũ cán bộ MTTQ Việt Nam các cấp nắm vững về tính chất, mục đích, nguyên tắc, đối tượng, nội dung, phạm vi, hình thức, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam. Hiểu sâu hơn, rõ hơn về quyền và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến giám sát, phản biện xã hội theo quy định của Đảng, Luật MTTQ Việt Nam. Đặc biệt là hướng dẫn MTTQ Việt Nam cấp cơ sở thực hiện nội dung, các hình thức giám sát và phản biện xã hội phù hợp với điều kiện, khả năng thực tế của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp xã; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hình thức giám sát và kiến nghị sau giám sát. Chủ động tổ chức tuyên truyền, phổ biến bằng nhiều hình thức linh hoạt để các tầng lớp Nhân dân nắm bắt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương; vận động Nhân dân đoàn kết, tin tưởng, đồng thuận tham gia thực hiện.