(LĐ online) - Sáng 15/8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương dự phiên chất vấn.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng |
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 62 điểm cầu ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chủ trì phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng có đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Lâm Đồng. Tham dự có ĐBQH K’ Nhiễu, đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ngành, đơn vị liên quan.
Đại biểu Nguyễn Tạo Đoàn Lâm Đồng chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về bất cập trong thủ tục đấu giá tài sản sau thi hành án |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, chương trình giám sát năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và chương trình phiên họp thường kỳ thứ 25, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dành một ngày làm việc để tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là phiên chất vấn thứ 4 được tổ chức tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV. Trên cơ sở tổng hợp các đề xuất của các đoàn đại biểu Quốc hội cân nhắc các lĩnh vực đã và đang được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát trong thời gian qua và việc trả lời chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và yêu cầu của thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của Bộ Tư pháp và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại phiên họp này. Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc, đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp; xây dựng, triển khai hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, Nhân dân cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp giải trình các nội dung đại biểu Quốc hội chất vấn (ảnh: Quốc hội) |
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhóm các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ.
Đại biểu đã tham gia chất vấn về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Giải pháp khắc phục tình trạng chậm ban hành, nội dung chồng chéo, mâu thuẫn và những hạn chế, sai phạm trong việc ban hành văn bản quy định chi tiết luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Có đại biểu chất vấn về thực trạng và giải pháp khắc phục hạn chế, bất cập, nâng cao hiệu quả công tác đấu giá tài sản, giám định tư pháp.
Bộ Tư pháp báo cáo, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với sự chuẩn bị của các bộ, cơ quan ngang bộ, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 32 luật, nghị quyết (22 luật, 10 nghị quyết), không có dự án luật phải rút ra khỏi Chương trình. Các dự án Chính phủ trình, sau khi phối hợp với các cơ quan thẩm tra của Quốc hội chỉnh lý, hoàn thiện dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đều được thông qua với tỷ lệ cao. Chính phủ đã ban hành 312 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 87 quyết định quy phạm pháp luật.
Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (ảnh: Quốc hội) |
Báo cáo cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Theo đó, vẫn còn tình trạng bổ sung và đang có chiều hướng tăng lên các dự án vào Chương trình không theo Chương trình tổng thể hoặc đề nghị sát thời điểm tổ chức kỳ họp, phiên họp của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số dự án chưa được nghiên cứu, tính toán kỹ về phạm vi điều chỉnh, tác động của chính sách trong dự án luật nên chưa được bổ sung vào Chương trình; có dự án phải chuyển từ 2 kỳ thành 3 kỳ họp như Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); chất lượng một số dự án luật chưa cao; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa đồng bộ giữa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật dẫn đến cách hiểu khác nhau, khó tổ chức thi hành.
Tính đến ngày 30/7/2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ còn nợ 17 văn bản (giảm 11 văn bản so với năm 2020, tăng 9 văn bản so với năm 2021 và tăng 5 văn bản so với năm 2022).
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, Bộ Tư pháp kiến nghị cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan của Chính phủ, bảo đảm đúng quy định "chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung và tiến độ trình các đề án, dự án, văn bản pháp luật được giao".
Đặt câu hỏi chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng nêu về bất cập, tồn tại trong thủ tục đấu giá tài sản sau khi đấu thầu trúng và đối với đấu giá tài sản thi hành án. Việc bàn giao tài sản thi hành án thường chậm, khó khăn do người bị thi hành án không phối hợp, phải cưỡng chế giao tài sản. Nhiều tài sản mua trúng giá nhưng không đăng ký biến động hoặc thời gian thực hiện rất lâu từ 1 - 2 năm dẫn đến khách hàng ngại mua tài sản thi hành án. Tài sản giảm giá nhiều lần dẫn đến gây thiệt hại cho người bị thi hành án, dễ xảy ra khiếu nại. Đấu giá tài sản thành nhưng chưa nhận được tài sản từ tháng 2/2009, đến nay đã hơn 14 năm dẫn đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức đấu giá tài sản thành không được bảo đảm. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục tồn tại trên.
Nội dung thứ hai đại biểu Nguyễn Tạo chât vấn đó là: Với phương châm "quản lý nhà nước và xã hội bằng pháp luật", hiện nay nổi lên vấn đề là các vụ án liên quan đến quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực xã hội ở các địa phương. Về cơ chế, chính sách ban hành theo phân cấp quản lý còn tùy tiện, trái pháp luật, trái thẩm quyền, không thống nhất, thiếu đồng bộ, chồng chéo, nổi lên vai trò thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của ngành Tư pháp. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng về việc này như thế nào để góp phần bảo đảm kỷ cương, phép nước trong thời gian tới?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp tiếp thu và giải trình nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Tạo: “Chúng tôi xin tiếp thu, ghi nhận những bất cập trong luật đấu giá tài sản mà đại biểu nêu. Bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi, có thể thời gian tới sẽ xem xét giao tạm thời cho một cơ quan nào đó để thống nhất thời hạn giao tiền, giao tài sản sau thi hành án, sau đấu giá. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến về bất cập và tiếp tục hoàn thiện, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai sắp tới. Cần xử lý vi phạm nếu phát hiện có thông đồng trong đấu giá tài sản. Chúng tôi bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của đại biểu Nguyễn Tạo để khắc phục tồn tại trong ban hành luật và các văn bản pháp luật. Lưu ý không nhập, không để các hình thức, thể thức văn bản chồng chéo nhau. Bộ sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ để tránh xảy ra tình trạng chồng chéo văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương”.
Buổi chiều, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về các nhóm vấn đề giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản.
Hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin