Phản bác luận điệu xuyên tạc về nạn đói năm 1945 (Kỳ 2)

HỒNG PHÚC 09:26, 19/08/2023

CHÍNH PHỦ TRẦN TRỌNG KIM ĐÃ CÓ CÔNG CỨU ĐÓI?


Hiện nay, với mưu đồ “lật sử”, đã có nhiều người tự xưng là cấp tiến, là xét lại lịch sử, trong đó có cả sự kiện về nạn đói thảm khốc này. Các luận điệu xuyên tạc ấy cho rằng Chính phủ Trần Trọng Kim đã có công cứu đói cho người dân, còn Việt Minh là nguyên nhân gây ra nạn đói. Có tác giả là người nghiên cứu lịch sử ở hải ngoại đã viết: “Chính phủ Trần Trọng Kim quả thực đã giữ đúng lời hứa, vì tuy chỉ tồn tại khoảng bốn tháng và sụp đổ sau khi Nhật Bản đầu hàng ngày 14/8/1945, nhưng chính phủ nầy đã thực hiện được nhiều công trình đáng kể: cứu đói ở Bắc Kỳ…”. Nhưng, sự thật có phải như vậy?

Nội các Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn 4 tháng và hoàn toàn bất lực trong việc cứu đói người dân
Nội các Trần Trọng Kim chỉ tồn tại hơn 4 tháng và hoàn toàn bất lực trong việc cứu đói người dân. Ảnh: Tư liệu

Chính phủ Trần Trọng Kim hay còn gọi là Chính phủ Đế quốc Việt Nam được thành lập ngày 17/4/1945, là chính phủ do phát xít Nhật dựng lên ở Việt Nam sau cuộc Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945.

Đa số những thành viên Chính phủ Trần Trọng Kim là những trí thức, những người có chuyên môn cao. Không ai phủ nhận tinh thần dân tộc của những người tham gia chính phủ này, song rõ ràng các vị là những người ngây thơ về chính trị. Ngây thơ về chính trị này không phải người ngoài cuộc nói mà là của một người trong cuộc: Luật sư Phan Anh, Bộ trưởng Thanh niên của Chính phủ. Luật sư Phan Anh đã viết: “"Chúng tôi đã lầm rất lớn. Chúng tôi đã tưởng lợi dụng được một đế quốc chống một đế quốc khác, tranh thủ quyền lợi về ta, nhưng trái lại bọn Nhật đã lợi dụng chúng tôi, ít nhất cũng là về danh nghĩa. Đó là một bài học đau đớn!"

Nhà báo Nam Đình, cựu Đổng lý Văn phòng (Chánh Văn phòng) Bộ Tư pháp Chính phủ Trần Trọng Kim trong hồi ký của mình cho biết ngày 8/5/1945, Tổng trưởng Nội các Trần Trọng Kim (tức Thủ tướng) đã có Tuyên cáo của nội các với quốc dân. Trong tuyên cáo này, Chính phủ Trần Trọng Kim có đặt ra một nhiệm vụ quan trọng là cứu đói. Tuyên cáo nêu rõ: “Ngoài việc tiếp tế lương thực cho nhân dân và việc chuẩn cấp cho hàng triệu người đang bị khủng bố vì nạn đói ở miền Bắc, thuế khóa sẽ dần dần định lại…”.

La liệt những người chết đói bên đường - Ảnh tư liệu
La liệt những người chết đói bên đường - Ảnh tư liệu

Trước khi chính phủ Trần Trọng Kim thành lập, tức sau Tuyên cáo Việt Nam độc lập của vua Bảo Đại ngày 11/3/1945, tại Long Xuyên, ngày 30/3/1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda nói thẳng bằng tiếng Pháp về bản chất sự "độc lập" của Đế quốc Việt Nam: “…Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ”.

Nạn nhân đói tại trại Giáp Bát. Ảnh: Tư liệu
Nạn nhân đói tại trại Giáp Bát. Ảnh: Tư liệu

Vì không có quyền hành, lại bị máy bay Mỹ bắn phá đường vận tải từ Nam ra Bắc nên công cuộc cứu đói của Chính phủ Trần Trọng Kim đã không thể thực hiện được. Về sự bất lực của Chính phủ Trần Trọng Kim trong việc cứu đói người dân, tác giả Nguyễn Duy Phương trong cuốn sách “Lịch sử độc lập và nội các đầu tiên của Việt Nam” (quan niệm khi ấy) xuất bản năm 1945 ngay khi Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập đã tổng hợp lại nhiều bài viết trên báo chí đương thời về sự khó khăn, bất lực này. Việt Nam Thời báo cho biết một trong những nguyên nhân việc cứu đói của Chính phủ Trần Trọng Kim bằng biện pháp chuyển gạo thóc từ miền Nam ra gặp thất bại vì giao thông ngăn trở do đường sá bị phá và sự bất lực của chính quyền: “Nạn đói ở miền Bắc là một nạn đói khủng khiếp chưa bao giờ từng thấy. Việc tiếp tế, cứu tế lại bị giao thông ngăn trở. Trong các ngành hoạt động, người bất lực vô dụng thì dư, mà người tâm huyết, tài năng thì lại thiếu”.

Rõ ràng nạn đói năm 1945 là do chính sách cai trị tàn bạo của thực dân, đế quốc mà 2 kẻ chính phạm và tòng phạm là thực dân Pháp và Phát xít Nhật, song Chính phủ Đế quốc Việt Nam cũng không thể vô can. Bằng chứng là họ đã không thể quản lý nổi đất nước, lại không thể chống được nạn đầu cơ lúa gạo ở miền Bắc khi đó. Thậm chí, miền Bắc khi ấy vẫn còn rất nhiều lúa gạo quân đội Nhật tích trữ trong kho để nuôi quân, song ngày 13/6//1945 còn quy định: ai phạm việc phá hoại cầu cống, đường sá, cướp phá hoặc làm hư hại kho ngũ cốc, đồ ăn, gạo, đều bị kết án tử hình. Quy định cũng cấm chỉ mọi cuộc tụ tập trên 10 người. Vì quy định này mà người dân dù chết đói khắp nơi song cũng không dám kéo đi phá kho thóc để chia cho người đói, kết quả là hàng chục vạn người đã chết đói ngay bên ngoài cửa những kho thóc còn đầy ắp. Về việc này, Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Từ 9/3 đến giữa tháng 6, việc thu thóc tạ vẫn được thi hành trong lúc hàng chục vạn đồng bào ta chết rũ dọc đường xó chợ. Chính phủ Trần Trọng Kim đâu dám đụng đến việc thu thóc tạ, càng không dám đụng đến kho thóc của Nhật. Chính phủ đã cam đoan với Nhật là tiếp tế cho Nhật bằng hoặc hơn Pháp, để xứng đáng với cái "độc lập" mà Nhật ban cho! Cả chính phủ Trần Trọng Kim và Nhật đều bắt buộc mọi sự vận chuyển thóc gạo từ Nam ra Bắc đều phải qua "Ủy ban thóc gạo" ở Sài Gòn mà ủy ban này do công ty Nhật nắm. Khi tải ra đến Bắc thì phải gom gạo cho công ty thóc gạo Bắc Kỳ 75% số lượng, công ty này lo bảo đảm trước hết lương thực cho quân Nhật, còn lại mới bán cho dân”.

Báo Ngày Nay khi ấy đã có bài viết với tiêu đề “Chính phủ đã làm những gì?” để đánh giá về những việc mà Chính phủ Trần Trọng Kim đã làm, trong đó có vấn đề cứu đói. Bài báo viết: “Vấn đề tiếp tế: cho gạo miền Nam ra miền Bắc để ngăn ngừa sự bành trướng tối nguy của nạn đói. Riêng về công cuộc này chúng tôi nhận thấy là ai ai cũng thất vọng và chán nản vì sau hai tháng hô hào và tốn bao nhiêu giấy mực, dân đói miền Bắc vẫn chưa được trông thấy một bao gạo nào ở Nam ra. Lời tuyên bố của Thủ tướng còn vẳng bên tai chúng ta “…cần nhất cần phải tiếp tế cho dân miền…” mà tới nay…việc làm vẫn chưa thấy đi theo lời nói. Tuy rằng gạo miền Nam vẫn chất đầy trong các kho, trong các nhà máy, tuy rằng giấy bạc vẫn xếp đầy từng xắp trong két sắt những nhà tư bản Việt Nam, tuy rằng trong nội các vẫn có một bộ tiếp tế và tài chính?”.

Chính Tổng trưởng nội các Trần Trọng Kim cũng đã thừa nhận thất bại trong việc cấp bách cứu đói người dân lúc bấy giờ trong hồi ký “Một cơn gió bụi”: “Việc quan hệ nhất trong đường nội trị lúc ấy là phải lo sự vận tải để tiếp tế miền Bắc. Dân tình đói khổ, người chết đói hàng ngàn, hàng vạn. Vì vậy chúng tôi lập ra Bộ Tiếp tế chuyên coi việc vận tải thóc gạo trong Nam ra Bắc. Bộ ấy không đạt được mục đích của Chính phủ vì sự vận tải khó khăn quá, đường xe lửa bị hư hỏng, thuyền bè đi ngoài bể bị tàu ngầm đánh và bị cướp bóc mất cả”.

Chính phủ Trần Trọng Kim cũng đã thành lập Bộ Tiếp tế có nhiệm vụ cứu đói. Tuy nhiên, Chính phủ Trần Trọng Kim đã hoàn toàn bất lực trong việc cứu giúp người dân trong nạn đói. Sự thất bại này có nhiều yếu tố, thế nhưng có lẽ một trong các yếu tố quan trọng là Chính phủ này vẫn nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của phát xít Nhật và họ thật sự không có quyền hành. Vì vậy, chính người đứng đầu Chính phủ Trần Trọng đã phải thừa nhận thất bại trong công cuộc cứu đói cho dân.