Kỳ 3: Ai đã cứu giúp người dân Việt Nam thoát khỏi nạn đói?
(LĐ online) - Việt Minh và sau đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tổ chức đã thành công trong việc cứu đói Nhân dân.
Lễ phát động Ngày cứu đói tại Nhà hát lớn Hà Nội do Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động. Nguồn ảnh: Báo Tuổi trẻ |
Khi nạn đói đã mất kiểm soát hoàn toàn và người dân chết đói la liệt khắp nơi, Mặt trận Việt Minh đã vận động Nhân dân chống đối lại việc trưng mua lúa gạo của phát xít Nhật, đánh phá các kho thóc của giặc để chia cho dân nghèo sắp chết đói. Khẩu hiệu “Phá kho thóc, giải quyết nạn đói” của Việt Minh được thực hiện ở khắp Bắc bộ và Bắc Trung bộ. Trong nguy cơ đói và cận kề cái chết, người dân không còn e sợ sự đàn áp của chính quyền nên hưởng ứng rất đông đảo. Tinh thần yêu nước, quật cường cùng những hoạt động cứu đói có hiệu quả của Việt Minh đã làm thức tỉnh Nhân dân, chiếm được tình cảm, niềm tin của một bộ phận dân chúng. Chính tinh thần, sức mạnh này đã được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay Nhân dân.
Người dân chết đói. Ảnh tư liệu |
Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 6 nội dung cấp bách, trong đó có vấn đề cứu đói và tăng gia sản xuất. Người nói: “Hiện nay những vấn đề gì là vấn đề cấp bách hơn cả. Theo ý tôi, có sáu vấn đề. Một là, nhân dân đang đói. Ngoài những kho thóc của Pháp, Nhật vơ vét của nhân dân, bọn Nhật, Pháp còn bắt đồng bào chúng ta giảm bớt diện tích để trồng thầu dầu, đay và những thứ cây khác cần thiết cho cuộc chiến tranh của chúng (…). Hơn hai triệu đồng bào chúng ta đã chết đói vì chính sách độc ác này. Vừa rồi nạn lụt đã phá hoại tám tỉnh sản xuất lúa gạo (…). Chúng ta phải làm thế nào để cho họ sống. Tôi đề nghị với Chính phủ là phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất”.
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phát động phong trào lạc quyên để cứu đói cấp thì cùng với tăng gia sản xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát đi lời kêu gọi đồng bào cả nước nhường cơm, sẻ áo. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước, và tôi xin thực hiện trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ba bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái đùm bọc lẫn nhau. Buổi khai mạc lễ phát động phong trào cứu đói được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và đem theo phần gạo nhịn ăn của mình để đóng góp vào quỹ cứu đói.
Bộ trưởng Bộ Cứu tế Xã hội là một nhân sĩ, trí thức nổi tiếng: cụ Nguyễn Văn Tố. Cụ Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã quyết định thành lập Hội Cứu đói tổ chức tới tận các làng. Một phong trào hưởng ứng cứu đói người dân đã diễn ra rộng khắp với nhiều sáng kiến, cách làm hay, sáng tạo như “Hũ gạo cứu đói”, “Ngày đồng tâm nhịn ăn”, “Đoàn quân tiễu trừ giặc đói”. Hiệu quả của phong trào đã được nhìn thấy rõ nét: hàng vạn đồng bào đã được cứu đói khẩn cấp vượt qua thảm họa.
Cùng với cứu đói cấp thời, tăng gia sản xuất đã được tiến hành rộng khắp với khẩu hiệu do Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra: “Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa! Đó là khẩu hiệu của ta ngày nay…”. Ngày 19/11/1945, Chính phủ thiết lập Ủy ban Trung ương phụ trách vấn đề sản xuất. Nhiều chính sách đã được triển khai đồng bộ để hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất như: ra báo hướng dẫn kỹ thuật cho người dân, cho vay thóc giống, cán bộ thú y về nông thôn chăm sóc gia súc, sửa chữa, đắp đê v.v…Bằng sự nỗ lực và vào cuộc đồng bộ này, việc tăng gia sản xuất đã thu được kết quả to lớn. Chỉ trong năm tháng từ tháng 11/1945 đến tháng 5/1946, sản lượng lương thực, chủ yếu là màu, đạt tương đương 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp số lương thực thiếu hụt của vụ mùa năm 1945.
Đến hết năm 1946, nạn đói cơ bản đã được giải quyết. Ngày 2/9/1946, tại lễ kỷ niệm một năm độc lập, Chủ tịch Quân sự Võ Nguyên Giáp đã khẳng định “Cuộc cách mạng đã chiến thắng được nạn đói, thật là một kỳ công của chế độ dân chủ”.
Xuyên tạc lịch sử là điều không thể chấp nhận. Xuyên tạc lịch sử, sẵn sàng đổi trắng thay đen về thủ phạm nạn đói gây ra cái chết đau đớn và uất ức của hơn triệu đồng bào cuối năm 1944, đầu năm 1945 là một hành động tội ác.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin