Kỳ cuối: Vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên - yếu tố quyết định và tạo niềm tin
Từ thực tế hiện nay có một số cán bộ, đảng viên, thậm chí các đảng viên nắm giữ trọng trách lớn ở Trung ương và địa phương liên tiếp vi phạm và bị xử lý kỷ luật. Nhất là trong công cuộc phòng, chống tham nhũng đã xuất hiện những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, làm giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Nhiều TCCS đảng đã nghiên cứu, đề xuất nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy công tác phát triển Đảng |
Để tạo niềm tin và củng cố xây dựng niềm tin trong Nhân dân đối với Đảng ta, một trong những giải pháp quan trọng đó chính là mỗi đảng viên cần phát huy tinh thần “tiền phong, gương mẫu” trong mọi mặt của đời sống xã hội; xây dựng và giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam từ những việc làm, hành động nhỏ nhất.
Theo đó, cần thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải là người thay mặt cho Đảng trước quần chúng, giải thích chính sách của Đảng và của Chính phủ cho quần chúng hiểu rõ và vui lòng thi hành”. Mỗi cán bộ, đảng viên, phải hiểu và nắm chắc mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, để thực sự phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong cuộc đấu tranh này bằng lối sống gương mẫu, thực hiện tốt nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên và những điều đảng viên không được làm; gương mẫu trong thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí; gương mẫu thực hiện tốt “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. Cần thẳng thắn thừa nhận, trong bộ máy nhà nước ta hiện nay có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa làm tròn trách nhiệm… làm giảm sút lòng tin của Nhân dân vào bộ máy của Đảng, Nhà nước, làm mất uy tín, tổn hại danh dự của Đảng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng”… và vấn đề tăng cường xây đắp mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân chính là giải pháp cấp bách, hữu hiệu nhất để góp phần nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng.
Mặt khác, theo phân tích của các nhà nghiêm cứu lý luận chính trị, nguyên nhân làm giảm niềm tin vào Đảng là do một bộ phận thanh niên giảm sút niềm tin, phai nhạt lý tưởng đến từ nhiều phía. Đó là từ gia đình, môi trường xã hội, đặc biệt là mặt trái của kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và sự bùng nổ từ truyền thông mạng xã hội. Tình trạng “khô Đoàn” dẫn đến “nhạt Đảng” trong một bộ phận giới trẻ đã để lại nhiều hệ lụy, trước hết là phai nhạt lý tưởng cách mạng, lý tưởng phấn đấu vươn lên.
Từ nhận thức lệch lạc đó dẫn đến hoài nghi, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận đường lối của Đảng. Đó là tất yếu khó tránh khỏi và là tác hại nguy hiểm nhất, vì những thanh niên thờ ơ với chính trị thường né tránh trách nhiệm của bản thân, không dám đấu tranh với những quan điểm, hành động sai trái, không chấp hành quyền và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Nguy hiểm hơn, một số thanh niên khi bị đối tượng xấu kích động không đủ sức “đề kháng” dễ bị lôi kéo vào các tổ chức phản động, tổ chức trái phép, những hoạt động chống Đảng và chế độ.
Tham luận về những hạn chế tồn tại này, đại diện Huyện ủy Đam Rông nêu giải pháp: Phát huy tính tiên phong gương mẫu của đảng viên cao tuổi Đảng, đảng viên là cán bộ, lãnh đạo nghỉ hưu về sinh hoạt ở địa bàn khu dân cư, coi đây là tấm gương sáng để thế hệ trẻ phấn đấu vào Đảng. Đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho quần chúng là người dân tộc thiểu số. Công tác kết nạp đảng viên là kết quả quá trình tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng là cơ sở quan trọng để hình thành động cơ vào Đảng đúng đắn. Bởi vì, khi có nhận thức đúng đắn, quần chúng thấy rõ phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng vừa là trách nhiệm, vừa là vinh dự của bản thân để rèn luyện trở thành đảng viên. Do đó, việc đẩy mạnh công tác giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho quần chúng là người dân tộc thiểu số quyết định đến chất lượng đảng viên mới kết nạp cũng như chất lượng đảng viên của cả đảng bộ, chi bộ. Nội dung giáo dục cần tập trung vào mục tiêu, lý tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách đối với sự phát triển của vùng dân tộc thiểu số; đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng.
Đại diện Đảng ủy Trường Đại học Yersin đã thảo luận và đưa ra giải giáp nhằm tăng cường công tác phát triển đảng viên trong giai đoạn hiện nay, đó là: Chú trọng tuyên truyền, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của người đảng viên là sinh viên trong học tập cũng như tham gia các hoạt động phong trào. Luôn thể hiện được vai trò và hình ảnh dẫn đầu của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam phấn đấu học tập tốt cũng như tham gia tốt các hoạt động phong trào; sẵn sàng đảm nhận những công việc mới, công việc khó. Chi bộ sinh viên cử đảng viên là sinh viên về sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội, nhóm để định hướng tư tưởng và động viên những quần chúng ưu tú phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Góp phần củng cố niềm tin với Đảng, rèn giũa, nuôi dưỡng lý tưởng trong sáng, cao đẹp, Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cũng đã thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng, xây dựng lý tưởng đúng đắn phấn đấu vào Đảng cho đoàn viên, thanh niên bằng nhiều hình thức phong phú thiết thực. Cụ thể như: triển khai học tập các bài lý luận chính trị; thi tìm hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ đề “Ánh sáng soi đường”; tổ chức sinh hoạt chính trị, tọa đàm với chủ đề “Sáng mãi ngọn lửa nhiệt huyết”, “Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng”; tổ chức diễn đàn “Thanh niên với Đảng, Đảng với thanh niên”… Đồng thời, tiếp tục thành lập, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các “Câu lạc bộ lý luận trẻ”, “Câu lạc bộ cảm tình Đảng” nhằm tập hợp tất cả những đoàn viên ưu tú có mong muốn đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng để học sinh, sinh viên hiểu đúng, hiểu rõ và hiểu đủ về quyền và lợi ích khi được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Phát triển đảng viên là một trong các nội dung quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng; là nhiệm vụ bổ sung nguồn lực cho Đảng nhằm tạo sức mạnh cho Đảng và tạo sự bền vững của Đảng. Thời gian qua, tại Lâm Đồng, cả hệ thống chính trị cũng đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn và triển khai nhiều giải pháp về công tác tạo nguồn, bồi dưỡng, kết nạp, nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên và đạt nhiều kết quả quan trọng; số lượng, chất lượng đảng viên được nâng lên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng trong tình hình mới. ĐỒNG CHÍ NGUYỄN TRỌNG ÁNH ĐÔNG - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy |
Đồng chí Nguyễn Trọng Ánh Đông - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy lưu ý và chỉ đạo: Các tổ chức cơ sở đảng cần quan tâm chỉ đạo kết nạp Đảng đối với quần chúng ở thôn, tổ dân phố. Chú trọng tạo nguồn đối với các đối tượng là đoàn viên, thanh niên, lãnh đạo các chi hội đoàn thể, bộ đội xuất ngũ, quần chúng ở ngành Y tế, Giáo dục, học sinh, sinh viên, vùng đồng bào có đạo, vùng đồng bào dân tộc,…; tập trung phát hiện đoàn viên, hội viên tích cực để xây dựng, chăm lo, giúp đỡ.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh phối hợp với các cấp ủy chăm lo cho công tác phát triển đảng viên, mỗi năm thành lập ít nhất 1 tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp tư nhân; phấn đấu đến năm 2025, thành lập được ít nhất 1 tổ chức cơ sở đảng ở Khu công nghiệp Lộc Sơn và Khu công nghiệp Phú Hội để đảm bảo chỉ tiêu theo Chương trình hành động số 42 ngày 27/10/2022 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII.
Tỉnh Đoàn Lâm Đồng rà soát các chỉ tiêu đã đăng ký, có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, cụ thể và xem đây là một trong các tiêu chí bắt buộc trong đánh giá, xếp loại các cấp bộ Đoàn để thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu 65% phát triển Đảng hàng năm là đoàn viên theo đúng tinh thần Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 17/2/2022 của Tỉnh ủy. Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh niên, gắn với thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các đợt sinh hoạt chính trị do Đoàn các cấp phát động... Thông qua đó giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức, ý thức giác ngộ về Đảng, xây dựng và hình thành thái độ, động cơ phấn đấu vào Đảng đúng đắn. Phối hợp với các cấp ủy đẩy mạnh hơn nữa công tác phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên, phấn đấu hàng năm kết nạp từ 30-40 đảng viên là học sinh, sinh viên.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tạo nguồn phát triển đảng viên, tăng số lượng kết nạp Đảng trong đoàn viên, thanh niên, trong học sinh, sinh viên, đảm bảo đạt 65% theo Nghị quyết số 11 ngày 17/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Phấn đấu đảm bảo tỷ lệ hàng năm đạt 3-4%; thực hiện tốt nhiệm kỳ này và nhiệm kỳ tiếp theo, phấn đấu lấy mốc bình quân 3,5% mới gọi là vượt chỉ tiêu nghị quyết, xem đây là tiêu chí để đánh giá, xếp loại cuối năm tổ chức Đảng và người đứng đầu.
Đặc biệt, các tổ chức cơ sở đảng, các cơ quan truyền thông cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phát hiện gương người tốt, việc tốt, đảng viên gương mẫu có uy tín trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu, nhằm tạo sức lan tỏa cho quần chúng học tập, noi theo và mong muốn phấn đấu đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Hơn lúc nào hết, việc củng cố niềm tin, hun đắp lý tưởng cho tuổi trẻ là nhiệm vụ quan trọng mà cả hệ thống chính trị cần vào cuộc. Quan tâm đề ra giải pháp cụ thể để thanh niên thấy được Đảng là tổ chức họ có thể cống hiến và phát huy được tài năng tốt nhất, tạo ra nguồn nhân lực lớn đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương Lâm Đồng và của đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin