(LĐ online) - Ngày 11/8, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với UBND huyện Bảo Lâm về thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác phòng chống thiên tai, cấp nước sinh hoạt và quản lý, bảo vệ rừng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra tại Cống Ngầm trên Quốc lộ 55 qua xã Lộc Nam |
Tham dự đoàn công tác có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh như: Sở Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải và Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
Trong sáng cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cùng đoàn công tác và lãnh đạo huyện Bảo Lâm đã kiểm tra thực tế một số công trình trên địa bàn huyện như: Công trình giếng khoan tại Thôn 1 (xã B’Lá), Công trình hệ thống nước tự chảy tại Thôn 2 (xã Lộc Lâm), Tỉnh lộ 725 đoạn qua xã Lộc Ngãi, Cống Ngầm trên Quốc lộ 55 qua xã Lộc Nam và trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Lộc Thành).
Qua kiểm tra thực tế, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá tất cả các công trình nước sinh hoạt, giao thông và trường học đều đóng vai trò trọng yếu có tác động trực tiếp đến cuộc sống người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Bảo Lâm. Trong đó, 2 công trình giếng khoan, nước tự chảy cung cấp nguồn nước sinh hoạt đảm bảo cho người dân. Trong đó, công trình giếng khoan tại Thôn 1 (xã B’Lá) được đầu tư xây dựng từ năm 2013 phục vụ cho 130 hộ dân đang có dấu hiệu xuống cấp. Còn công trình nước tự chảy Thôn 2 (xã Lộc Lâm) được đầu tư xây dựng từ năm 2020, với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng đang cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho hơn 300 hộ dân. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, huyện Bảo Lâm giao cơ quan chức năng và các địa phương thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho Nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc kiểm tra điểm sạt lở bờ taluy tại trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Lộc Thành) |
Còn tại tỉnh lộ 725 qua xã Lộc Ngãi có chiều dài khoảng 2 km, qua kiểm tra cho thấy mặt đường hẹp ảnh hưởng việc lưu thông qua lại của phương tiện. Vì vậy, cần mở rộng để đáp ứng nhu cầu lưu thông trong thời gian tới. Tương tự, Cống Ngầm trên quốc lộ 55 qua xã Lộc Nam thường xuyên bị ngập sâu khi xảy ra mưa lớn ảnh hưởng nghiêm trọng đến giao thông qua lại. Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giao các sở, ngành của tỉnh và UBND huyện Bảo Lâm kiểm tra, đánh giá để đề xuất, kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải có phương án chống ngập đảm bảo giao thông thông suốt trên quốc lộ 55.
Trong khi đó, tại trường Tiểu học Nguyễn Khuyến (xã Lộc Thành) vừa xây dựng, nhưng đang xảy ra tình trạng sạt lở, sụt lún bờ taluy tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho học sinh, giáo viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan phố hợp cùng UBND huyện Bảo Lâm kiểm tra, đánh giá để có phương án khắc phục trong thời gian sớm nhất. Hiện tại, tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, nhưng còn gần 1 tháng nữa sẽ bước vào năm học mới, nên cần có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên tránh trường hợp xảy ra các sự cố không mong muốn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc kiểm tra công trình nước tự chảy tại Thôn 2 (xã Lộc Lâm) |
Chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã có buổi làm việc với huyện Bảo Lâm về những vấn đề liên quan.
Theo báo cáo của UBND huyện Bảo Lâm: Tổng kế hoạch vốn đầu tư thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 là 42,314 tỷ đồng, đầu tư cho 45 công trình, dự án; trong đó, có 42 công trình, dự án hoàn thành, chuyển tiếp và 3 công trình khởi công mới. Đến nay, khối lượng đã thực hiện và giải ngân là 29,117 tỷ đồng, bằng 68,8% kế hoạch vốn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm Đồng Văn Trường báo cáo tại buổi làm việc |
Theo đó, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện trong năm 2023 có tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện là 14,545 tỷ đồng đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương là 12,648 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1,897 tỷ đồng. Nguồn vốn này được đầu tư thực hiện các công trình, dự án giải quyết về đất sản xuất, nhà ở, nước sinh hoạt và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn. Đến nay, khối lượng thực hiện đạt 8,720 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch vốn giao.
Đối với công tác phòng chống thiên tai, trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 11 vụ thiên tai gây thiệt hại trên 17,7 tỷ đồng, không gây thiệt hại về người. Đặc biệt, trong các ngày 29, 30 và 31/7, mưa lớn kéo dài trên địa bàn toàn huyện gây ra tình trạng ngập úng, sạt lở đất làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân tại hầu hết các xã, thị trấn. Trong đó, các xã Lộc Nam, Lộc Thành bị ngập úng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân. Cùng với đó, nhiều công trình đường giao thông, trường học bị mưa bão gây sụt lún, sạt lở đất. Qua kiểm tra, rà soát, toàn huyện Bảo Lâm có 18 điểm sạt lở và 5 điểm có nguy cơ soạt lở gây thiệt hại về tài sản của người dân, Nhà nước.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận, chỉ đạo tại buổi làm việc |
Đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, trong 7 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn huyện xảy ra 8 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, giảm 50% so với cùng kỳ năm 2022. Khối lượng lâm sản thiệt hại do phá rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật giảm 85,8 mét khối; diện tích thiệt hại giảm 7.769 mét vuông. Đến nay đã xử lý 2 vụ, thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 214 triệu đồng. Đặc biệt, trong tháng 7 đã xảy ra các vụ việc ken gốc thông đổ hóa chất triệt hạ rừng thông tại 2 xã Lộc Phú và Lộc Ngãi. Các vụ triệt hạ rừng thông đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ.
Trên địa bàn huyện có 48 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn. Trong đó, có 2 công trình cấp nước tự chảy, 46 công trình giếng khoan cấp nước cho 3.015 hộ dân, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Qua rà soát, trong 48 công trình có 20 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã bị hư hỏng, xuống cấp với nhu cầu kinh phí sửa chữa, khắc phục khoảng 7,6 tỷ đồng.
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành của tỉnh Lâm Đồng đã có những phân tích, đánh giá cụ về những kết quả mà huyện Bảo Lâm đã đạt được trong thời gian qua; đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, tồn tại trên từng lĩnh vực cụ thể để huyện Bảo Lâm khắc phục thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2023.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đánh giá cao những kết quả mà huyện Bảo Lâm đã đạt được trong thời gian qua. Qua đó, biểu dương huyện Bảo Lâm thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng, phân tuyến đảm bảo an toàn giao thông trong thời gian đèo Bảo Lộc xảy ra sự cố; sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai, hỗ trợ người dân khắc phục ngập lụt, sạt lở đất.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc yêu cầu huyện Bảo Lâm và các sở, ngành cân đối nguồn ngân sách và tập trung triển khai các giải pháp đầu tư các công trình nước sạch, nhà ở và các công trình phúc lợi xã hội khác; đồng thời, bố trí đất sản xuất đảm bảo cuộc sống cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng cần tập trung tuần tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc phá rừng bằng hình thức ken gốc thông đổ hóa chất; triển khai cam kết với người dân có đất sản xuất giáp rừng để bảo vệ rừng có hiệu quả; đầu tư hệ thống camera tại các khu vực điểm nóng để quản lý, bảo vệ rừng.
Riêng công tác phòng chống thiên tai, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo UBND huyện Bảo Lâm tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, sụt lún đất để chủ động chống tác phòng chống đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. UBND huyện Bảo Lâm phải xác định, nếu chủ quan, lơ là để xảy ra các hậu quả nghiêm trọng như chết người liên quan đến thiên tai thì người đứng đầu chính quyền các địa phương phải chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin