(LĐ online) - Chiều ngày 15/8, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dưới sự chủ trì điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, các đại biểu Quốc hội đã tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan về nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân cả nước quan tâm.
Các đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng |
Tại điểm cầu Lâm Đồng, đồng chí Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Tạo chủ trì, cùng tham dự của ĐBQH K’ Nhiễu, ĐBQH - Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh, lãnh đạo Ủy ban MTTQ, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông.
Đại biểu Quốc hội tại hội trường Diên Hồng và tại các điểm cầu đã quan tâm đặt câu hỏi xoay quanh các vấn đề: Giải pháp tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản (thị trường đầu ra bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng, một số mặt hàng nông sản chủ lực bị rớt giá, thu nhập, đời sống của người nông dân bị ảnh hưởng...); hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; giải pháp tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với thủy sản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng, thu hồi diện tích đất trồng lúa, bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu gạo…
Quang cảnh phiên chất vấn tại hội trường Diên Hồng (nguồn: Quốc hội) |
Nhiều đại biểu nêu lên thực trạng tại các địa phương như: làm thế nào để nâng cao chất lượng nông sản, ngăn chặn tình trạng “sốt giá” nhất thời, điển hình như tình trạng sầu riêng ở Tây Nguyên. Tình trạng giá lúa gạo tăng cao vừa tạo lợi thế, niềm vui cho nông dân, tuy nhiên xảy ra tình trạng thu gom lúa gạo, chưa tạo liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp, đảm bảo đời sống cho người tiêu dùng. Các đại biểu tiếp tục chất vấn liên quan đến nhiều vấn đề dịch tả lợn châu Phi; giải pháp để ngành điều Việt Nam phát triển bền vững?
Trăn trở về tình trạng khai thác thuỷ sản, đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đặt câu hỏi liên quan đến giải pháp nào để quản lý tàu cá thống nhất theo yêu cầu về khai thác thủy sản IUU? Hiện nay có nhiều nhà đầu tư đặt vấn đề nuôi trồng thủy sản trên các vùng biển nhưng yêu cầu phải đúng quy hoạch, tuy nhiên công tác tổ chức lập quy hoạch còn lúng túng nên cơ quan chuyên môn, nhà đầu tư vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện các thủ tục đầu tư. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để giải quyết vấn đề này? Hiện nay các tàu đánh cá có công suất lớn không về cập cảng tại địa phương, gây khó khăn trong công tác quản lý theo yêu cầu của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản IUU. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng có giải pháp để đảm bảo quản lý tàu cá thống nhất chung trên cả nước?
Còn đại biểu Lê Thị Song An - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An cho rằng, thời gian gần đây giá lúa gạo tăng cao, vừa tạo lợi thế rất lớn cho thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, vừa mang lại niềm vui cho nông dân. Tuy nhiên, do giá lúa liên tục tăng nên một số địa phương có hiện tượng mua gom lúa gạo ồ ạt, gây mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá mặt hàng này lên cao bất hợp lý và cũng là nỗi lo của người tiêu dùng, công nhân khi giá gạo tăng cao. Điều này dẫn đến những hạn chế trong xuất khẩu, chưa tạo được sự liên kết vững chắc giữa người dân và doanh nghiệp. Do đó, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vừa bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, vừa thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?
Băn khoăn về tình trạng quy hoạch đất trồng lúa, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ nội dung liên quan đến quy hoạch đất trồng lúa? Hiện tại đã có quy hoạch và chốt được vị trí các khu vực đất lúa để cấm chuyển nhượng, chuyển đổi sang mục đích khác để người dân yên tâm canh tác, cải tạo đất, tăng năng suất, tăng sản lượng thóc gạo, góp phần đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam trong thời gian tới.
Có đại biểu trăn trở băn khoăn về tình trạng khó khăn của người sản xuất muối, tiêu thụ xuất khẩu muối, trong khi tiềm năng của Việt Nam là rất lớn. Đề nghị Bộ trưởng có giải pháp gì nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho người dân.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tiếp thu, ghi nhận và giải trình các ý kiến chất vấn (nguồn: Quốc hội) |
Trả lời câu hỏi của đại biểu về việc thực hiện liên kết theo chuỗi, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết đây là chiến lược của ngành Nông nghiệp nhằm thay đổi thực trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát của nền nông nghiệp nước ta. Do đó, hợp tác giữa những người sản xuất, liên kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp theo một chuỗi ngành hàng là cần thiết. “Chỉ có liên kết theo chuỗi mới nâng cao được chất lượng của nông sản của nước ta và chuyển từ sản phẩm nông nghiệp thành một thương phẩm, đảm bảo yêu cầu chuẩn mực của thị trường”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thống nhất với nhận định của đại biểu về thực trạng liên kết còn chậm. Theo báo cáo của các địa phương thì chỉ khoảng 20% diện tích nông nghiệp có nằm trong chuỗi liên kết ngành hàng và không phải chuỗi nào cũng bền vững.
Liên quan đến tình trạng rớt giá nông sản, Bộ trưởng trao đổi cần phải tư duy lại, không nên dùng từ “giải cứu” nông sản, vì như thế càng làm giảm hiệu quả của nông sản do chính người nông dân vất vả sản xuất. Là cấu trúc ngành hàng, là sự lựa chọn của nông dân, tăng cường khuyến nông, liên kết các doanh nghiệp để tạo giá cả ổn định. Cần cân nhắc kỹ trong tất cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của truyền thông rất quan trọng. Bộ có trách nhiệm trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật về thu hái sầu riêng và sẽ sớm triển khai trong thời gian tới.
Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có báo cáo về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn.
Về giải pháp tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với khai thác thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa gỡ được thẻ vàng.
Nguyên nhân là do tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt trái phép (IUU) vẫn còn diễn biến phức tạp. Từ đầu năm 2023 đến 8/8/2023 tiếp tục xảy ra 26 tàu, 166 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác trong nước, đặc biệt là nhập khẩu còn nhiều tồn tại, bất cập, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của EC. Việc xử lý các hành vi khai thác IUU còn hạn chế.
Để tháo gỡ thẻ vàng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp cụ thể như:Thực hiện các biện pháp mạnh, kiên quyết ngăn chặn từ nay trở đi không để xảy ra tình trạng tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.Thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác; kiểm soát nguyên liệu thủy sản khai thác nhập khẩu, đặc biệt nhập khẩu bằng tàu container. Tập trung cao điểm xử lý các hành vi vi phạm IUU. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao hiệu quả phối hợp, bảo đảm nguồn lực. Kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm thủy sản có nguồn gốc từ khai thác IUU.
Tiếp đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã tiếp thu các ý kiến chất vấn và giải trình các nội dung thuộc thẩm quyền. Thúc đẩy phát triển hàng hoá nông sản, nước ta đã xuất khẩu các mặt hàng trên 200 nước về gạo, cá tra, gỗ… Phân tích về hạn chế trong xuất khẩu nông sản, Bộ trưởng cho rằng một phần do thiếu liên kết chuỗi, thiếu liên kết lợi thế vùng, xuất khẩu nông sản chủ yếu là sản phẩm thô. Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tham mưu quyết liệt các giải pháp nâng cao chất lượng, khẩn trương quy hoạch nguyên liệu vùng, liên kết mô hình hợp tác xã kiểu mẫu, tăng cường xúc tiến thương mại…phát hiện kịp thời gia tăng nhập khẩu đột biến nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả phiên chất vấn. Về cơ bản phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, dân chủ, đạt yêu cầu đề ra. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận, đánh giá cao phần trả lời, giải trình của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên tinh thần cầu thị, xây dựng, có giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn.
Trong phiên chất vấn, các ĐBQH đã chuẩn bị kỹ câu hỏi sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề bất cập, khó khăn trong đời sống liên quan các nhóm vấn đề được chất vấn, đáp ứng mong đợi của cử tri. Các bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm, trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, làm rõ những chất vấn ĐBQH nêu. Đồng thời, các Bộ trưởng đã đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi, bảo đảm vừa khắc phục kịp thời, hiệu quả các yếu kém, hạn chế trước mắt, vừa tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài đối với từng nội dung chất vấn, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
Liên quan đến những mặt còn hạn chế thuộc lĩnh vực Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội nêu: chất lượng một số dự án luật chưa cao, còn chồng chéo, một số dự án luật, nghị định, thông tư vừa ban hành đã phải điều chỉnh, bổ sung. Việc phát hiện, xử lý vi phạm về việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa kịp thời, xử lý chưa đủ nghiêm, tính chất mức độ sai phạm chưa tương xứng. Một bộ phận đấu giá viên còn hạn chế về năng lực, đội ngũ giám định tư pháp có lúc chưa đáp ứng yêu cầu. Đề nghị Bộ Tư pháp, Ban soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu các ý kiến ĐBQH và có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế.
Sau phiên chất vấn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở triển khai thực hiện và giám sát.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin