Bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án giao thông

NAM VIÊN 06:15, 14/09/2023

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai quyết liệt các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tạo khí thế, niềm tin và sự phấn khởi trong Nhân dân. 

Trong đó, đã đưa vào sử dụng 8/11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, nâng tổng số chiều dài đường cao tốc của cả nước lên 1.822 km; khởi công 12 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; khởi công các dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội; khởi công xây dựng nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành và nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; đồng thời, tiếp tục nỗ lực triển khai để khởi công và hoàn thành một số dự án trong thời gian tới. 

Bên cạnh kết quả đạt được, còn một số tồn tại liên quan đến đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông như: một số tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp liên tục, tốc độ khai thác còn hạn chế; một số tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe; việc bố trí, đầu tư xây dựng các nút giao thông, nhất là chiều rộng và kết nối đường cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương để vào các khu công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ còn chưa hợp lý; giải pháp xử lý nền đất yếu; việc nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án xây dựng hạ tầng còn chưa đáp ứng tiến độ thi công các dự án giao thông trọng điểm... 

Để sớm giải quyết các tồn tại này, ngày 12/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện, trong đó yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tổ chức xây dựng và trình ban hành Quy chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc, làm cơ sở để quy hoạch, thiết kế, đầu tư xây dựng và quản lý hệ thống đường bộ cao tốc, các nút giao kết nối; làm căn cứ để xác định suất đầu tư, huy động vốn đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm. 

Tổ chức rà soát việc bố trí các trạm dừng nghỉ, các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông trên địa bàn của địa phương, khu vực, bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết, liên thông, đồng bộ giữa tuyến đường bộ cao tốc và các tuyến đường của địa phương để phát triển các không gian kinh tế mới, tận dụng tối đa lợi thế do các tuyến đường bộ cao tốc mang lại…

Tại Lâm Đồng, thời gian qua, Chính phủ, UBND tỉnh đã có nhiều chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, nhất là Dự án Đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Trên tinh thần đó, các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện dự án đã tích cực, chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm và còn nhiều vướng mắc. 

Để tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, kịp thời khắc phục các khó khăn, vướng mắc nhằm đưa các công trình giao thông quan trọng, trọng điểm trên địa bàn tỉnh hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và các chủ đầu tư thực hiện dự án giao thông tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nội dung; đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư, di dời hạ tầng kỹ thuật, cung ứng vật liệu xây dựng,... Trong đó, tập trung ưu tiên cho các công trình giao thông mang tính kết nối vùng, các tuyến đường đối ngoại, các trục đường xuyên tâm và cửa ngõ kết nối của TP Đà Lạt; đặc biệt là Dự án Đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương.

Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tổ chức rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc (kể cả các tuyến cao tốc đang quy hoạch) với mạng lưới giao thông trên địa bàn các huyện, thành phố bảo đảm khoảng cách hợp lý, phù hợp quy định của tiêu chuẩn thiết kế, khai thác an toàn, hiệu quả nhằm gắn kết các khu vực đô thị, nông thôn, các khu công nghiệp, khu du lịch, cảng hàng không... Qua đó, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.