Đổi mới giáo dục là một vấn đề lớn, phải thực hiện lâu dài, bằng nhiều giải pháp đồng bộ; trong đó những giải pháp về nâng cao năng lực nói chung, năng lực tư duy của học sinh nói riêng có lẽ cần được quan tâm hàng đầu, nhằm góp phần xây dựng lớp người mới bản lĩnh, tự tin, năng động, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Ở Việt Nam, giáo dục thời gian qua tuy đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được mong muốn, mục tiêu đặt ra của Đảng, Nhà nước cũng như kỳ vọng của xã hội và người dân. Thực tế vẫn còn nhiều bất cập, nhiều vấn đề nổi lên rất đáng quan tâm, chẳng hạn như: chương trình, nội dung khó và quá tải, học sinh phải học quá nhiều, cách dạy học nhồi nhét kiến thức, truyền thụ một chiều, áp đặt, nặng nề sách vở, không phát huy óc sáng tạo của học sinh, thi cử không hợp lý, có nhiều tiêu cực xảy ra, học sinh làm bài theo dạng đề, bài mẫu có sẵn, trả lời theo đúng ý của thầy, của sách giáo khoa… sẽ đạt điểm cao. Chính cách dạy, cách học, cách thi cử, đánh giá như thế đã hình thành trong học sinh một thói quen, một nếp nghĩ thụ động, máy móc, dựa dẫm, ỷ lại, lười biếng, không tích cực mở rộng, đào sâu suy nghĩ. Điều này đã làm hạn chế về ý thức và năng lực tư duy sáng tạo, phản biện của học sinh, dẫn đến dễ dàng chấp nhận sự áp đặt, kể cả khi có sai trái… Chính vì vậy, việc đổi mới giáo dục đang được toàn xã hội quan tâm. Có thể nói, chưa bao giờ những vấn đề cốt lõi và nổi cộm của nền giáo dục nước nhà lại được đặt ra một cách bức xúc và rốt ráo như thời gian vừa qua.
Đại hội XIII của Đảng đã nêu các định hướng lớn về giáo dục và đào tạo, đó là: “Tiếp tục đổi mới đồng bộ mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, phát triển con người toàn diện, đáp ứng những yêu cầu mới của phát triển kinh tế - xã hội, khoa học và công nghệ, thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư…”.
Trong bề bộn công việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, có lẽ việc đổi mới giáo dục theo hướng đích phát triển năng lực, nhất là năng lực tư duy của học sinh được xem là một trong những giải pháp được quan tâm hàng đầu. Bởi thực tế cho thấy những người thành công là những người có khả năng sáng tạo và tư duy khác biệt. Phần lớn trong số họ ngay từ khi còn nhỏ đã hình thành năng lực tư duy thông qua thói quen tìm tòi, tư duy đa chiều, tư duy logic, khả năng sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, từ đó học tốt tất cả các môn học và khi trưởng thành sẽ trở thành những người thành công. Vậy nên, việc dạy học hướng đích phát triển năng lực, nhất là năng lực tư duy có thể được xem là phương pháp ưu tiên hàng đầu trong đổi mới giáo dục hiện nay.
Dạy học theo hướng phát triển năng lực là mô hình tập trung vào việc phát triển tối đa khả năng của người học cả về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Theo đó, người học phải tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy, qua đó chứng minh khả năng học tập thực sự của mình. Từ đây, học sinh có thể phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động và tinh thần tự học để không ngừng nâng cao năng lực học tập.
Phương pháp giảng dạy theo quan điểm tiếp cận năng lực không chỉ chú ý đến tính tích cực hóa cho người học về hoạt động trí tuệ mà còn chú ý rèn luyện năng lực tư duy, năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, đồng thời, gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn. Phương pháp giảng dạy này có ưu điểm nhấn mạnh vào năng lực vận dụng tri thức, kiến thức của người học tiếp thu được từ người dạy vào thực tiễn; người học chủ động hơn trong học tập, có thể khám phá những tri thức mới ngoài kiến thức từ người dạy, hình thành thái độ tự học tập, tự nghiên cứu, phát triển kỹ năng, nhất là kỹ năng mềm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Đồng thời, việc tăng cường học tập theo nhóm, trao đổi, tương tác giữa người dạy - người học có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển năng lực xã hội, phát triển năng lực giải quyết các vấn đề phức hợp, đáp ứng yêu cầu, nhu cầu của xã hội trong những tình huống thực tiễn. Như vậy, ý nghĩa của việc dạy học phát triển năng lực ngoài việc mang lại hiệu quả về mặt kiến thức, kỹ năng và thái độ, còn có nhiều ý nghĩa quan trọng khác, có tác động đến quá trình phát triển toàn diện của học sinh, cũng như tiết kiệm được thời gian và công sức cho cả giáo viên và học sinh…
Chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) đã được xây dựng theo định hướng tiếp cận năng lực, phù hợp với xu thế phát triển chương trình của các nước tiên tiến, nhằm hiện thực hóa quan điểm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chương trình 2018 hướng tới xây dựng nền giáo dục thực học, thực nghiệp và dân chủ, góp phần hình thành, phát triển năng lực thực tiễn cho người học, quán triệt yêu cầu hướng nghiệp để thực hiện phân luồng mạnh sau THCS và bảo đảm tiếp cận nghề nghiệp ở THPT; trao quyền và trách nhiệm tổ chức kế hoạch dạy học cho cơ sở giáo dục phù hợp với yêu cầu của địa phương, tạo điều kiện cho người học được lựa chọn môn học và hoạt động giáo dục phù hợp sở trường và nguyện vọng; phát huy tính năng động, tư duy độc lập và sáng tạo của người học. Chương trình 2018 đòi hỏi sự vận hành tương tác đồng bộ của các thành tố trong các phương pháp dạy học tích cực (người dạy - người học - học liệu - môi trường,…), khắc phục nhược điểm của phương pháp truyền thụ áp đặt một chiều; đồng thời, kết hợp hài hòa giữa dạy kiến thức công cụ với kiến thức phương pháp, đặc biệt, chú trọng dạy cách học, phương pháp tự học để người học có thể học tập suốt đời. Có thể nói, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực được xem là một giải pháp then chốt, có tính đột phá cho việc thực hiện chương trình này.
Để thực hiện có hiệu quả Chương trình 2018, đòi hỏi người giáo viên phải nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy; phải sáng tạo hơn so với những gì đã viết trong sách giáo khoa. Giáo viên phải chuyển mạnh từ vị trí là “người dạy” sang vị trí là người “tổ chức, kiểm tra, định hướng” hoạt động của học sinh, lấy học sinh là trung tâm; phải thực hiện hiệu quả hơn, triệt để hơn yêu cầu về phương pháp dạy học “học qua làm”. Từ đó, yêu cầu giáo viên phải tự giác học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học; luôn cập nhật những kiến thức mới, phương pháp giảng dạy hiện đại, các kỹ năng cốt lõi, kỹ năng mềm, kỹ năng số, để vận dụng vào quá trình giảng dạy nhằm cung cấp cho người học những thông tin chính xác, kịp thời, khơi dậy tính chủ động, sáng tạo của học sinh tham gia vào quá trình lĩnh hội tri thức, đồng thời, cũng là tấm gương sáng để học sinh noi theo.
Đối với học sinh, ngoài học theo nội dung, yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông, học sinh được khuyến khích và tạo điều kiện mở rộng kiến thức, tham gia các hoạt động để vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Đối với cấp THPT, học sinh có quyền lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp của bản thân. Chương trình 2018 đòi hỏi học sinh phải tự học nhiều hơn, yêu cầu vận dụng kiến thức vào cuộc sống nên cha mẹ học sinh phải tạo điều kiện, hỗ trợ học sinh học tập và vận dụng kiến thức ở ngoài nhà trường. Cũng do Chương trình 2018 có cái khác căn bản về phương pháp và cách thức khai thác sử dụng theo yêu cầu mới, do đó đòi hỏi các địa phương cần tiếp tục tăng cường cơ sở vật chất nhất là các thiết bị dạy học theo yêu cầu mới, các phòng thí nghiệm, thực hành, phòng học bộ môn…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin