Chuyển biến tích cực trong công tác dân vận

DUY DANH 06:08, 11/09/2023

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, công tác dân vận của hệ thống chính trị tỉnh Lâm Đồng đã đạt được những kết quả quan trọng. Qua đó, nhiều chủ trương về công tác dân vận đã được các cấp ủy đảng chỉ đạo triển khai thực hiện kịp thời gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Trao quà cho người dân khó khăn trong đợt công tác dân vận tập trung tại xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương
Trao quà cho người dân khó khăn trong đợt công tác dân vận tập trung tại xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương

Lâm Đồng là tỉnh Nam Tây Nguyên có diện tích tự nhiên 9.781,20 km2 với dân số là 1.332.162 người thuộc 47 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 25,72%. Sau khi có Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành chương trình hành động và các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, các văn bản chỉ đạo thực hiện về công tác dân vận nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 25-NQ/TW phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của tỉnh. Từ đó, các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn đã xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW và chương trình hành động của Tỉnh ủy tại địa phương, đơn vị đạt nhiều kết quả. Công tác dân vận cũng đã tập trung vận động Nhân dân hưởng ứng tích cực 3 mục tiêu, 4 khâu đột phá, 17 công trình trọng điểm do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. 

Theo đánh giá của Tỉnh ủy Lâm Đồng, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25, nhận thức của cả hệ thống chính trị về công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến tích cực, quan trọng. Công tác dân vận đã bám sát mục tiêu nghị quyết đề ra, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng nhiệm vụ chính trị cụ thể của từng địa phương, đơn vị. Phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận được đổi mới theo hướng dân chủ, dựa vào dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phát huy tối đa được vai trò, sức mạnh của Nhân dân. Các cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp đã chú trọng làm tốt hơn công tác tiếp dân, kịp thời giải quyết những bức xúc, kiến nghị chính đáng của người dân; công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều cố gắng, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết đúng hạn đạt 98,66%. Công tác dân vận chính quyền và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở cũng được chú trọng triển khai khá tốt. Công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thực hiện đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của Nhân dân. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội được đẩy mạnh, ngày càng đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả và có ý nghĩa thiết thực. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 3.575 mô hình, điển hình dân vận khéo. 

Hệ thống dân vận từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và có nhiều đổi mới trong phương thức hoạt động, bám sát yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. Từ đó, công tác dân vận đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân cũng như thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Đoàn công tác của tỉnh thực hiện công tác dân vận tại địa bàn vùng sâu, vùng xa
Đoàn công tác của tỉnh thực hiện công tác dân vận tại địa bàn vùng sâu, vùng xa

Để thực hiện tốt công tác dân vận thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện tốt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận. Từ đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Cùng với đó là, phát huy cao nhất vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu đối với công tác dân vận. Làm tốt hơn nữa công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp; thực hiện nghiêm Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt chương trình phối hợp công tác dân vận giữa Ban Dân vận với các cơ quan, ban, ngành và các tổ chức trong hệ thống chính trị. Đặc biệt là, cần tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, nhất là Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Thị Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết, qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, nhận thức của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân đối với vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác dân vận được nâng lên đáng kể. Từ đó, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân; phát huy dân chủ và vai trò giám sát của Nhân dân; xây dựng Đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.