ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh tham dự và phát biểu tại Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9

Nguyệt Thu (tổng hợp) 15:49, 15/09/2023

(LĐ online) - Sáng 15/9, tại Thủ đô Hà Nội, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” đã chính thức khai mạc với sự tham gia của hơn 500 đại biểu, nghị sĩ trẻ đến từ Quốc hội - Nghị viện các nước thành viên Liên minh Nghị viện thế giới, các cơ quan, tổ chức quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự hội nghị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 từ ngày 14 - 18/9/2023 tại Hà Nội. Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 lần này sẽ tập trung thảo luận làm rõ vấn đề thông qua 3 phiên thảo luận chuyên đề gồm: Chuyển đổi số; Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hoá vì sự phát triển bền vững.

Hội nghị dưới sự chủ trì của bà Emma Tangi Muteka - Nghị sĩ Namibia, thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU.

Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong nhấn mạnh: Với tư cách là những người trẻ, đóng vai trò trung tâm trong hành trình này, niềm đam mê, nhiệt huyết và sự cống hiến của nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy SDGs thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, là ánh sáng dẫn đường cho tất cả chúng ta; IPU tự hào được đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ nghị sĩ trẻ và các bạn trẻ trong sứ mệnh này.

Hội nghị nhận được sự quan tâm của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ dự và phát biểu khai mạc hội nghị. Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đề xuất sáng kiến và rất tự hào được IPU chọn là nước chủ nhà đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9. Tiếp nối thành công của Đại hội đồng IPU-132 năm 2015, Hội nghị APPF lần thứ 26 năm 2018 và Đại hội đồng AIPA lần thứ 41 năm 2020, việc Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần này tiếp tục khẳng định sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam trong IPU; đồng thời cho thấy sự ưu tiên, quan tâm của Việt Nam đối với thanh niên và các vấn đề chung toàn cầu của giới trẻ hiện nay.

Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo” và các phiên thảo luận chuyên đề về "Chuyển đổi số", "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp" và "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu dự Hội nghị trao đổi, thảo luận về một số nội dung chính như: Cần làm gì và làm như thế nào để tuân thủ và bảo đảm luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, là điều kiện then chốt, để giữ gìn và vun đắp hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; Vai trò của các nước phát triển, các tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp và giới trẻ trong giải quyết các vấn đề có tính toàn cầu như: chuyển đổi số bền vững và an toàn; chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu và lan tỏa mạnh mẽ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; Để người dân và doanh nghiệp thực sự là trung tâm của mọi quyết sách trong quá trình phát triển, vừa là mục tiêu, vừa là động lực và là nguồn lực căn bản của mọi nguồn lực, chúng ta cần tiếp tục làm gì và làm như thế nào trong việc hoạch định, thực thi pháp luật và tổ chức hành động hướng tới hạnh phúc của người dân; Phát huy giá trị văn hóa và con người trong phát triển bền vững, thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thắt chặt sự hợp tác trong đổi mới phương cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, đồng thời, giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn trên lộ trình số hóa, nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển và đảm bảo chủ quyền quốc gia cũng như quyền riêng tư cá nhân trên không gian mạng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị IPU nghiên cứu thiết lập mạng lưới các nghị sĩ trẻ toàn cầu về đổi mới sáng tạo để cùng nhau trao đổi và học tập kinh nghiệm lẫn nhau…

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại hội nghị 
ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh phát biểu tại hội nghị 

Vinh dự và tự hào khi được tham dự và phát biểu tại hội nghị, ĐBQH Đoàn Lâm Đồng, Tiến sĩ Trịnh Thị Tú Anh có bài phát biểu tại Hội nghị về “Tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo”.

Đại biểu Tú Anh bày tỏ: “Tôi vinh dự và tự hào hơn nữa khi được là đại diện cho các đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam phát biểu về chủ đề tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.

 Bối cảnh quốc tế thời gian gần đây cho thấy mục tiêu phát triển của nhiều quốc gia đã và đang bị tác động ở nhiều khía cạnh khác nhau, đòi hỏi mỗi quốc gia sớm có những đánh giá và điều chỉnh hợp lý để duy trì mục tiêu phát triển của mình theo hướng nhanh và bền vững hơn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đã xảy ra nhiều biến động nhanh chóng và chưa từng có tiền lệ... tuy nhiên hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế lớn. Phát triển bền vững, sáng tạo, hài hòa, mở cửa, chia sẻ, hợp tác dựa trên đổi mới sáng tạo, thay đổi mô hình quản trị, trở thành xu thế bao trùm trên thế giới; chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh đang là mô hình phát triển được nhiều quốc gia lựa chọn; chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh đang là chuyển dịch quan trọng của nhiều quốc gia. Khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo diễn biến rất nhanh, đột phá, tác động sâu, rộng, đa chiều trên phạm vi toàn cầu, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia. Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hoá, xã hội.

Với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”, Hội nghị lần này đã phản ánh rất đúng xu thế phát triển và mối quan tâm của các quốc gia hiện nay khi phát triển bền vững, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định tốc độ, chất lượng phát triển của các nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều những khó khăn, thách thức.

Đây là một cơ hội vô cùng quý báu để những đại biểu, nghị sĩ trẻ như chúng ta có cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau về những việc chúng ta đã, đang và sẽ làm, về những kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Đồng thời, cũng là dịp để chúng ta cùng hướng tới một tiếng nói chung, cùng tìm kiếm và xây dựng những giải pháp tối ưu nhất để hướng tới mục tiêu vì một thế giới phát triển bền vững, hòa bình, thịnh vượng, hạnh phúc và tốt đẹp hơn, bao trùm và không ai bị bỏ lại phía sau.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng: Nghị viện là cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước, là đại diện cao nhất của Nhân dân, đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong thực hiện các Mục tiêu về phát triển bền vững, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo thông qua việc xây dựng khung pháp luật; phê duyệt và phân bổ ngân sách bảo đảm nguồn lực thực hiện các mục tiêu; đồng thời thực hiện giám sát để thúc đẩy hành động mạnh mẽ của các Chính phủ. Trong quá trình đó, mỗi nghị sĩ, đại biểu Quốc hội chính là đại diện tiếng nói của người dân, từ đó tạo cơ chế kết nối cởi mở, minh bạch chặt chẽ ở các cấp Nhà nước, góp phần bảo đảm các ưu tiên đúng đắn, gắn kết với quá trình thực hiện các Mục tiêu về phát triển bền vững (SDGs).

Quang cảnh hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội
Quang cảnh hội nghị nghị sĩ trẻ toàn cầu. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Quốc hội

Tuyên bố Hà Nội được thông qua vào ngày 01/04/2015 tại Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới lần thứ 132 được với chủ đề “Các Mục tiêu Phát triển Bền vững: Biến Lời nói thành Hành động”. Đây là một văn kiện thể hiện nguyện vọng, cam kết và quyết tâm vô cùng mạnh mẽ của Đại hội đồng Liên minh nghị viện thế giới và các nghị viện thành viên trong việc xây dựng và thúc đẩy thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) mà Liên Hiệp Quốc đề ra đến năm 2030. Tiếp theo đó, Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững đã được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015. Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự (CTNS) 2030 vì sự phát triển bền vững vào tháng 5 năm 2017.

Trong suốt thời gian qua, mặc dù phải đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức chung của tình hình thế giới, Việt Nam vẫn luôn là một trong những nước đi đầu trong việc thực hiện và hiện thực hóa các cam kết quốc tế trong quá trình phát triển của mình; nền kinh tế Việt Nam nhìn chung đã và đang đạt được những kết quả đáng tự hào khi vừa ứng phó hiệu quả với những rủi ro, thách thức từ bên ngoài, vừa giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy tăng trưởng, củng cố vững chắc quốc phòng an ninh, môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển; được cộng đồng quốc tế ghi nhận mà nổi bật là kết quả thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, các con số ấn tượng về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.

Thứ nhất, về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong đảm bảo an sinh xã hội, đó là:

Việc giảm mạnh tỷ lệ nghèo đa chiều; tăng tỷ lệ bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu, tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh, tỷ lệ hộ gia đình tiếp cận điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận năng lượng, phủ sóng điện thoại di động; độ che phủ rừng được duy trì và tăng dần qua các năm.

Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ 2016-2021, 2021-2026 đạt tương ứng là 27,31% và 30,26%, cao hơn mức trung bình toàn cầu (23,4%) và của châu Á (18,6%).

Việt Nam tiếp tục thực hiện mạnh mẽ cam kết về biến đổi khí hậu thông qua xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại Hội nghị COP 26.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ với 30 đối tác quan trọng, trong đó có 17 đối tác chiến lược và 13 đối tác toàn diện. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng bình quân 10,5%/năm. Quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng năm 2022 là 8,02%, cao nhất từ năm 1997 đến nay; là điểm đến đầu tư, an toàn và lần đầu tiên được UNCTAD đưa vào danh sách nhóm 20 quốc gia thu hút FDI hàng đầu thế giới với hơn 34.000 dự án, tổng vốn đăng ký đạt hơn 430 tỷ USD.

Theo xếp hạng toàn cầu về thực hiện SDGs, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Trong đó thứ hạng về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững SDGs có sự cải thiện, đưa Việt Nam từ vị trí 88 vào năm 2016 lên vị trí 55 vào năm 2022.

Thứ hai, về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo:

Những năm vừa qua, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc nâng cao các chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, đứng vị trí 48/132 quốc gia, nền kinh tế về đổi mới sáng tạo và thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua (tăng hơn 20 bậc), là một trong 5 quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển nhất khu vực và xếp hạng 54 về Chỉ số hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu. Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh đang tiến sát top 100 thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo năng động nhất toàn cầu với thứ hạng 111. Việt Nam hiện có 4 kỳ lân (startup được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) gồm VNG, VNLife, MoMo và Sky Mavis cùng nhiều satrtups tiềm năng có khả năng thành kỳ lân công nghệ trong thời gian tới. Đồng thời, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, với nhiều cơ chế, chính sách, chiến lược, chương trình được ban hành như Luật Đầu tư 2020; Luật Hỗ trợ DNVVN; các Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi về đổi mới sáng tạo Quốc gia, đã góp phần đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế số, kinh tế xanh và bền vững ở Việt Nam.

Những thành tựu nổi bật kể trên là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm mạnh mẽ của cả hệ thống Chính trị với sự đóng góp, tham gia tích cực và đồng lòng của toàn xã hội trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Trong đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan đóng vai trò trung tâm, thể hiện ở 04 khía cạnh nổi bật sau:

Một là, vai trò lập pháp của Quốc hội Việt Nam đã được tăng cường, đẩy mạnh để hướng tới hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển bền vững quốc gia, đồng thời, tạo mọi điều kiện cần thiết để hỗ trợ đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và thúc đẩy mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc gia.

Hai là, đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực công thông qua việc phân bổ ngân sách trung hạn và hằng năm, trong đó đặc biệt hướng trọng tâm tới những nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.

Ba là, triển khai các hoạt động giám sát hằng năm theo chuyên đề về việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại các bộ, ngành và địa phương, tăng cường tính đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước và tạo điều kiện hơn nữa để người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và chính sách.

Bốn là, không ngừng đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội với mục tiêu xây dựng một Quốc hội ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động, đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Hy vọng rằng các nghị sĩ trẻ sẽ cùng chung tay, đóng góp tích cực vào quá trình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trên phạm vi toàn cầu.