(LĐ online) - Ngày 20/9/2023, tại Đà Lạt, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên lần thứ Nhất.
|
Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đồng chí: Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì |
Tham dự Hội nghị Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên còn có đại diện lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên; một số sở, ban, ngành thuộc các tỉnh vùng Tây Nguyên…
|
Đồng chí Cao Huy - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Công bố Quyết định thành lập Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên |
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khẳng định: Tây Nguyên là địa bàn địa chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, là “phên dậu phía Tây của Tổ quốc” là “nóc nhà của Đông Dương”, thuộc tam giác phát triển Việt Nam – Lào - Campuchia, là nơi gần 6 triệu người thuộc tất cả 54/54 dân tộc anh em cả nước sinh sống.
|
Đồng chí Trần Duy Đông - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình bày Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả to lớn, rất quan trọng, như: GRDP bình quân đầu người năm 2022 gấp 11 lần so với năm 2002, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân giai đoạn 2002 - 2020 đạt gần 8%/năm và cao nhất so với các vùng…; song, quy mô kinh tế vùng Tây Nguyên còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, như: GRDP bình quân đầu người vẫn ở mức thấp nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội, chưa địa phương nào trong vùng tự cân đối được ngân sách, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài rất thấp, giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo còn cao; khoảng cách giàu - nghèo giữa các nhóm dân tộc chậm được thu hẹp.
|
Đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, trình bày tham luận “Phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên”; đồng thời, đề xuất cơ chế cho Lâm Đồng nâng cấp đường Quốc lộ 27 có 37km qua Lâm Đồng. |
|
Đồng chí Hồ Văn Mười - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trình bày tham luận “Một số giải pháp ổn định dân di cư tự do, chính sách dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” |
Tình trạng di dân tự do vào Tây Nguyên ngày càng phức tạp; đất sản xuất, đất ở của đồng bào dân tộc thiểu số chậm được giải quyết. Tỉ lệ che phủ rừng giảm mạnh và không đạt mục tiêu đề ra; rừng tự nhiên suy giảm cả về diện tích và chất lượng. Nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt, tình trạng khô hạn diễn biến thất thường. Nhiều di sản văn hoá dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Giáo dục, đào tạo chuyển biến chậm; chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động thấp. Công tác chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ y tế cơ bản còn thấp so với mức trung bình cả nước. Liên kết nội vùng và liên vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng thiếu và yếu, nhất là hạ tầng chiến lược (giao thông, y tế, giáo dục, hạ tầng số) chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển…
|
Đồng chí Trương Hải Long - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, trình bày tham luận “Định hướng và giải pháp phát triển tỉnh Gia Lai trở thành điểm đến xanh với nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc vì mục tiêu sức khỏe con người dựa trên cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với chuyển đổi số và kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập” |
|
Đồng chí Võ Văn Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, trình bày tham luận “Liên kết vùng để phát triển công nghiệp đối với tỉnh Đắk Lắk, thực trạng và giải pháp” |
|
Đồng chí Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, trình bày tham luận “Phát triển bền vững du lịch Kon Tum, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và giữ gìn bản sắc văn hóa, môi trường sống xanh của Tây Nguyên” |
Vì vậy, Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 827/QĐ-TTg thành lập ngày 11/7/2023, nhằm đổi mới cơ chế điều phối vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội của vùng phát triển nhanh, bền vững, bảo vệ môi trường và bảo đảm quốc phòng – an ninh; là tổ chức phối hợp liên ngành thực hiện chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, điều phối, giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành về liên kết vùng, phát triển bền vững vùng Tây Nguyên.
|
Đồng chí Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình bày tham luận “Định hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống của người làm nghề rừng vùng Tây Nguyên” |
|
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tin tưởng Vùng Tây Nguyên sẽ đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian tới |
|
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải trình bày tham luận “Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông kết nối vùng Tây Nguyên gắn với các vùng lân cận và cảng biển, sân bay thông qua các tuyến đường bộ cao tốc” |
|
Đồng chí Hầu A Lềnh – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trình bày tham luận “Giải pháp thu hẹp khoảng cách về mức sống, tạo sinh kế bền vững đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên“ |
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trình bày Báo cáo Đề cương báo cáo rà soát cơ chế đặc thù phát triển vùng Tây Nguyên; Kế hoạch hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Tây Nguyên các tháng cuối năm 2023. Lãnh đạo UBND các tỉnh Tây Nguyên và một số bộ ngành: Bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban Dân tộc, đều có tham luận về tiềm năng, lợi thế, nhu cầu và đề xuất nhằm phát triển các địa phương vùng Tây Nguyên nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
|
Đồng chí Lê Công Thành – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày tham luận “Một số nhiệm vụ và giải pháp phát triển, sử dụng bền vững tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý môi trường vùng Tây Nguyên” |
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng: Nên có cách tiếp cận mới theo tinh thần của các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương. Hội nghị hôm nay là sự khởi đầu, để bàn về cách tiếp cận mới, với không khí mới nhằm xây dựng và phát triển Tây Nguyên theo một lộ trình mới thực chất, có tính khả thi, có thể chậm – nhưng chắc và quyết tâm. 5 địa phương Tây Nguyên như 5 anh em trong một ngôi nhà chung, đoàn kết gắn bó, có hoàn cảnh khó khăn giống nhau, cách làm cũng ngang nhau, kiến nghị cũng ngang nhau… nên sẽ thành công.
|
Quang cảnh Hội nghị |
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Nói đến Tây Nguyên không chỉ nói đến sự phát triển kinh tế. Tây Nguyên nên phấn đấu cho sự bình yên để phát triển. Sự cố ở Đắk Lắk vừa qua, cho thấy vai trò đặc biệt của Tây Nguyên. Tây Nguyên có nhiều điều kiện để phát triển. Trong đó, điều kiện tiếp cận đất đai lớn hơn các vùng miền khác. Tây Nguyên lại có khoáng sản, có bề dày văn hoá truyền thống… Thời gian qua, Tây Nguyên được quan tâm đầu tư khá nhiều, đặc biệt là về giao thông…
|
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang kết luận Hội nghị |
Hội đồng Vùng có tiếng nói chung, sẽ vang hơn tiếng cồng chiêng Tây Nguyên, dù chỉ có 5 tỉnh, nhưng “nhỏ mà có võ”… Hội đồng Vùng sẽ cùng với các tỉnh Tây Nguyên xây dựng một cơ chế riêng, đặc thù, cụ thể… để có sự phát triển và có sự bình yên. Trung ương sẽ có cơ chế riêng cho Tây Nguyên… phần còn lại là các tỉnh vận dụng. Hội đồng Vùng cũng sẽ xử lý vướng mắc nếu có, vì lợi ích của các địa phương.
|
Ra mắt Hội đồng Điều phối vùng Tây Nguyên |
Phó Thủ tướng yêu cầu 3 nhiệm vụ cụ thể trước mắt, là: Kết nối giao thông Tây Nguyên trong nội vùng, với vùng phụ cận và ngoại vùng đến miền Trung và miền Nam; phối hợp xúc tiến thu hút đầu tư trong nước và thế giới cùng nhau, cũng như khả năng đáp ứng thu hút được đầu tư; cố gắng sản xuất nông nghiệp theo chuỗi vượt qua ranh giới địa phương... Ngoài ra, nếu có những việc mà Trung ương chưa thể đáp ứng được thì các tỉnh cố gắng chia sẻ, kết nối, hỗ trợ lẫn nhau… Hành lang pháp lý có đủ rồi, chúng ta cố gắng nghiên cứu và vận dụng hợp lý. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các tỉnh Tây Nguyên chú ý các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch vùng và những vấn đề liên quan, như: rừng, tăng mức chi trả dịch vụ môi trường rừng, chứng chỉ cacbon…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin