(LĐ online) - Chiều 21/9, tại huyện Đức Trọng, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã chủ trì cuộc họp bàn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc |
Cùng dự có lãnh đạo các sở, ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh; cùng lãnh đạo các huyện, thành phố: Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Bảo Lộc.
Dự án xây dựng đường bộ cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc và đoạn Bảo Lộc - Liên Khương được xác định là dự án trọng điểm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường phát biểu tại buổi làm việc |
Trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc đi qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Lâm Đồng, với tổng diện tích đất thu hồi trên 2 địa bàn dự kiến là 5.007.648 m2 (đã bao gồm diện tích và loại đất dự kiến xây dựng khu tái định cư cho dự án).
Tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 4.144.227 m2; trong đó, đất ở 32.919 m2, đất nông nghiệp 3.576.928 m2, đất giáo dục 1.201 m2, đất phi nông nghiệp khác (bao gồm đất giao thông, đất thuỷ lợi và đất chưa sử dụng) 533.179 m2.
Lãnh đạo huyện Đạ Huoai pháp biểu tại buổi làm việc |
Có khoảng 1.329 hộ tương ứng với khoảng 3.898 người sử dụng đất bị ảnh hưởng. Dự kiến, có 217 hộ phải di dời, thực hiện tái định cư theo hình thức tái định cư phân tán và tái định cư tập trung.
Tổng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng (đã bao gồm chi phí cho việc lập, thẩm định phê duyệt phương án bồi thường) trên địa bàn 2 tỉnh là hơn 2.820 tỷ đồng; trong đó, tỉnh Lâm Đồng hơn 2.401 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai gần 420 tỷ đồng.
Đối với tuyến Bảo Lộc - Liên Khương, tổng chi phí bồi thường, hỗ trợ trên địa bàn huyện Di Linh là gần 281 tỷ đồng, trên địa bàn huyện Đức Trọng là 1.335 tỷ đồng.
Lãnh đạo UBND huyện Đức Trọng phát biểu tại buổi làm việc |
Về các quỹ đất phục vụ tái định canh, tái định cư (bồi thường bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng) dự án đường cao tốc tuyến Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương đã được UBND các huyện thống nhất vị trí thực hiện và đã được cập nhật đầy đủ trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2023; trong đó, kế hoạch sử dụng đất hàng năm của 2 huyện huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh đã được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở để thực hiện; còn các huyện Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc đang trong thời gian hoàn tất hồ sơ, trình phê duyệt.
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành và lãnh đạo các địa phương đã trình bày các nội dung liên quan đến việc triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư của các dự án.
Toàn cảnh buổi làm việc |
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Ngọc Phúc giao Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường hoàn thiện trước hồ sơ, bản đồ chấp thuận phạm vi, ranh giới thu hồi đất và hồ sơ liên quan, làm cơ sở để UBND các huyện, thành chỉ đạo triển khai các công tác thông báo thu hồi đất, lập hồ sơ đo đạc, thống kê tài sản, tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và quyết định thu hồi đất theo quy định.
Trong đó, trên bản đồ phải thể hiện được từng mốc cụ thể, biết được đi qua xã nào, huyện nào? Nếu có điều chỉnh hướng tuyến (thay đổi mốc), Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh cũng phải kịp thời thông báo để các huyện và Sở Tài nguyên Môi trường biết để điều chỉnh hồ sơ.
Mặt khác, hồ sơ về rừng có thể làm trước; đồng thời, đề xuất phương án chặt cây rừng đối với diện tích có đường cao tốc đi qua...
Đối với công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tỉnh cũng đã chỉ đạo giao cho các huyện làm chủ đầu tư việc này. Trong hồ sơ này, Sở cũng phải đề xuất cụ thể có ủy quyền cho cấp huyện thu hồi đất của các doanh nghiệp, tổ chức hay không; căn cứ điều khoản nào và theo hình thức nào?...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, hiện, trong công tác bồi thường, về giá đất đã ủy quyền cho huyện; các quy định bồi thường, quy định vật liệu xây dựng, quy định cây trồng... đều đã có đơn giá cụ thể, vì vậy, trong quá trình thực hiện, các huyện thấy vướng mắc ở đâu, như thế nào... thì tổng hợp kiến nghị gửi Sở Tài nguyên Môi trường để Sở trả lời hoặc báo cáo tỉnh để kịp thời xử lý.
Đối với dự án liên quan tới tái định cư, về lập dự án dân cư, tái định cư, đồng chí đề nghị Sở Xây dựng phải báo cáo UBND tỉnh về căn cứ, cơ sở pháp lý đầy đủ để làm khu dân cư tái định cư. Đồng thời, các huyện phải thống nhất chọn 1 vị trí đất đẹp nhất, khả năng bồi thường nhanh nhất, khả năng giải phóng mặt bằng cao và có diện tích tương đối phù hợp với số hộ huyện bố trí để đề xuất lên...
Đồng chí cũng đề nghị các huyện, thành phố sớm khái toán về hạ tầng, khái toán về đầu tư gửi để Sở Kế hoạch Đầu tư báo cáo HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư.
Đồng chí cũng đề nghị, đối với khu tái định canh thì trước mắt chưa bàn tới, vì chưa được duyệt dự án đầu tư; mặt khác, tái định cư cần trước, vì không có tái định cư thì không giải tỏa được. Tuy nhiên, trước mắt, các địa phương phải tiến hành khảo sát nhu cầu của người dân về tái định canh.
Đồng chí cũng giao Ban Quản lý Dự án giao thông tỉnh chủ trì cùng với Sở Tài nguyên Môi trường, cùng với các huyện, thành và Sở Kế hoạch Đầu tư lập kế hoạch triển khai một cách chi tiết, cụ thể để đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ trên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin