Tiếp tục phát huy mạnh mẽ chức năng của bộ máy tham mưu, giúp việc

NGUYỆT THU 05:16, 21/09/2023

Việc thực hiện Quy định 04 - QĐi/TW ngày 25/7/2018 về "Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy" được xác định là hết sức quan trọng;  là một trong các khâu để thực hiện nhiệm vụ, cụ thể hóa Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã không ngừng kiện toàn, củng cố, hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc kịp thời các cơ quan, đơn vị làm tốt vai trò, nhiệm vụ này. Tuy nhiên, thực tế còn nhiều bất cập, vướng mắc đang cần được góp ý, điều chỉnh, bổ sung cho hoàn thiện, nhằm tạo điều kiện tốt nhất và đảm bảo tính khoa học, hiệu quả trong sắp xếp tổ chức bộ máy. 

Đại diện các ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tham dự Hội nghị quán triệt các nghị quyết văn bản mới của Trung ương
Đại diện các ban của Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tham dự Hội nghị quán triệt các nghị quyết văn bản mới của Trung ương

Quy định 04 của Ban Bí thư là sự cụ thể hóa Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây cũng là cơ sở để đổi mới bộ máy tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan Đảng, bước đầu giảm chi phí hành chính, tiết kiệm chi thường xuyên, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, Thành ủy theo Quy định 04 của Ban Bí thư tương đối rõ ràng, phù hợp so với thực tiễn hoạt động. 

Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy chỉ đạo các cơ quan bám sát chức năng, nhiệm vụ để ban hành quy chế làm việc, đồng thời, xây dựng nhiệm vụ cụ thể cho từng phòng chuyên môn rành mạch, tránh chồng chéo, góp phần thực hiện tốt công tác tham mưu, triển khai nhiệm vụ được kịp thời, hiệu quả.

Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai thực hiện, các nội dung trong Quy định 04 của Ban Bí thư đã cho thấy một số bất cập: Việc quán triệt tổ chức thực hiện không nghiêm túc ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị như số phòng nhiều hơn quy định, biên chế tối thiểu để thành lập phòng, số lượng lãnh đạo phòng, lãnh đạo ban không theo hướng dẫn trong Quy định 04 của Ban Bí thư. Một số nội dung mới về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc được Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu trong các văn bản mới ban hành chưa được cập nhật trong Quy định số 04 của Ban Bí thư. Một số nội dung trong Quy định 04 của Ban Bí thư qua triển khai thực hiện bộc lộ nhiều vướng mắc, không phù hợp với công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn hiện nay… Vì vậy, trong quá trình tổ chức còn nhiều vướng mắc, bất cập.

Qua nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn tại địa phương, trên cơ sở góp ý, đề xuất của các Ban Đảng và Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng tổng hợp và gửi ý kiến góp ý bổ sung, điều chỉnh Quy định 04 của Ban Bí thư cho phù hợp như: “... phòng có từ 6 người trở xuống được bố trí trưởng phòng và 1 phó trưởng phòng; có từ 7 người trở lên được bố trí không quá 2 phó trưởng phòng...”. Mặt khác, vì hiện tại đa số các tỉnh, thành ủy không thực hiện mô hình Văn phòng phục vụ hoạt động chung cấp ủy và các ban của Tỉnh ủy, do đó, cần quy định lại về chức năng, nhiệm vụ trong dự thảo bổ sung sửa đổi Quy định 04 cho phù hợp tình hình thực tế. Lâm Đồng đề nghị bỏ cụm từ “viên chức” vì các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy chỉ có Văn phòng Tỉnh ủy có đơn vị sự nghiệp trực thuộc và đã được quy định tại khoản 2.1, Ðiều 4 của Quy định 04. Lâm Đồng cũng đề nghị tại mục “Tổ chức bộ máy các ban của Tỉnh ủy gồm Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Ban Nội chính, Ủy ban Kiểm tra đề nghị Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu và có quy định thống nhất về tên gọi trong toàn quốc. Vì trên thực tế đã cho thấy bất cập như một số phòng trực thuộc Ban Đảng các Tỉnh ủy, Thành ủy có tên gọi không giống nhau nên khi các ban, ngành dọc Trung ương triển khai nhiệm vụ chuyên môn hoặc mời lãnh đạo các phòng họp, tập huấn… thì sẽ không thể nêu tên gọi cụ thể hoặc không triệu tập đúng thành phần. Lâm Đồng cũng đề nghị Trung ương bổ sung phần “Tổ chức thực hiện và đưa nội dung khoản 5, Ðiều 2 vào phần tổ chức thực hiện và giao cho Ban Thường vụ cấp ủy cấp tỉnh tùy tình hình thực tế của địa phương để cụ thể hóa cho phù hợp”.  

Có thể nói, dù ở thời kỳ nào, các thế hệ cán bộ, công chức làm công tác tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy đều luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ, tích cực chủ động tham mưu, phục vụ kịp thời sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh ủy trên các lĩnh vực; tuyên truyền các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước kịp thời, phù hợp với tình hình thực tiễn của tỉnh.

Tỉnh ủy cũng đã ghi nhận những đóng góp quan trọng của các phòng, ban trong công tác tham mưu cho Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường công tác xây dựng Đảng trong thời gian qua. Qua đó, giúp Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy lãnh chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, XIII của Đảng, Đại hội Đảng bộ tỉnh, thành ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, 2020 - 2025 và các chủ trương, nghị quyết, chương trình của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, sớm được phục hồi và phát triển mạnh hơn, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Trong buổi làm việc mới đây, Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên trách, tham mưu giúp việc của Tỉnh ủy tiếp tục rà soát lại chương trình công tác toàn khóa, tham mưu cho tỉnh chuẩn bị các nội dung chi tiết để hoàn thành tốt chương trình. Đề nghị các Ban và Văn phòng Tỉnh ủy chủ động sắp xếp bộ máy theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt; nghiên cứu làm tốt nhiệm vụ cơ quan thường trực của các ban chỉ đạo; tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm, thể hiện được vai trò tập thể với tinh thần trách nhiệm cao để triển khai thực hiện nhiệm vụ thời gian tới... Chú trọng và nâng cao tính chủ động hơn để tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy tổ chức triển khai, thực hiện các nhiệm vụ đề ra; rà soát đánh giá lại các công việc từ đầu nhiệm kỳ đến nay nhằm xem xét các chỉ tiêu, bàn biện pháp thực hiện đạt kết quả cao nhất.