Giám sát là một trong những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân (HĐND), điều này đã được quy định tại Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền. Qua giám sát nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, hạn chế, giải quyết những vấn đề cấp bách tại địa phương. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều năm qua, một số quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, rất cần được điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Các đại biểu tham gia góp ý Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND trên tinh thần tâm huyết, trách nhiệm |
Từ kinh nghiệm thực tế trong vai trò là thành viên Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh về nhiều vấn đề nổi cộm, cử tri bức xúc, quan tâm, ông Bùi Thanh Long - thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật của Đoàn ĐBQH chia sẻ: Trong quá trình tham gia giám sát, tôi nhận thấy còn một số thiếu sót, hạn chế như hoạt động và nội dung giám sát vẫn còn ít, chưa theo kịp với yêu cầu thực tế đặt ra. Công tác tham mưu, tổng hợp, nghiên cứu các nội dung cần tổ chức giám sát của Đoàn ĐBQH còn hạn chế do thiếu cán bộ chuyên môn, thiếu chuyên sâu theo từng lĩnh vực cụ thể. Khối lượng văn bản, luật cần nghiên cứu rất nhiều trong khi thời gian lại gấp rút nên hầu hết các thành viên Tổ tư vấn giám sát chúng tôi cũng bị hạn chế.
Theo đó, các thành viên Tổ tư vấn chính sách pháp luật cũng kiến nghị điều chỉnh một số hạn chế trong Luật Giám sát như: Cần sửa đổi, bổ sung về sự tham gia bắt buộc của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong những lĩnh vực cần thiết và cũng cần quy định rõ về sự phối hợp và trách nhiệm cụ thể của các bên tham gia giám sát. Cần có hướng dẫn Đoàn ĐBQH và Ủy ban MTTQ các địa phương trong việc phối hợp tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.
Khi thực hiện chức năng giám sát phải đảm bảo số lượng ĐBQH và thành phần trong quyết định thành lập Đoàn giám sát; đồng thời, yêu cầu đại biểu tham gia Đoàn giám sát phải tăng cường trách nhiệm, dành nhiều thời gian nghiên cứu các quy định liên quan đến lĩnh vực giám sát để giúp cho Đoàn giám sát làm căn cứ trong quá trình tranh luận, thảo luận và đưa ra các nhận định, đánh giá sát, đúng với thực tiễn, đề xuất các kiến nghị, kết luận chất lượng, hiệu quả.
Khoản 4 Điều 7 Luật Hoạt động giám sát quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát có hành vi cản trở hoặc không thực hiện nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị của chủ thể giám sát thì chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân đó. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, chủ thể giám sát yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người có liên quan”. Nhận thấy quy định này còn khá chung chung về xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm các nghị quyết, kết luận, yêu cầu, kiến nghị giám sát của cơ quan giám sát dẫn đến quá trình áp dụng sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 7 trên theo hướng giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành bộ tiêu chí đánh giá, quy định cụ thể, rõ ràng về chế tài xử lý trách nhiệm dựa trên mức độ hoàn thành các kiến nghị giám sát, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức chịu sự giám sát khi không thực hiện tốt kiến nghị sau giám sát ở từng khâu, từng loại hình giám sát để đảm bảo tính răn đe.
Có đại biểu đề nghị bổ sung điều luật trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND theo hướng tăng thẩm quyền cho các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh, thành phố và HĐND, nhất là trong giám sát chuyên đề. Trong đó, quy định các Đoàn giám sát có thẩm quyền xử lý đối với tổ chức, cá nhân không chấp hành theo yêu cầu của Đoàn giám sát nhằm tăng hiệu lực giám sát và góp phần củng cố địa vị pháp lý cho Đoàn giám sát.
Có đại biểu đề nghị bổ sung thêm phần đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND, tại điểm đ khoản 1 Điều 5 đối với “Thủ trưởng cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp”. Theo quy định của pháp luật, chất vấn là một hình thức giám sát của Quốc hội và HĐND. Tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 5 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND 2015 quy định HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND giám sát hoạt động của “UBND, Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp”. Như vậy, cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp là đối tượng chịu sự giám sát của HĐND. Tuy nhiên, tại điểm đ khoản 1 Điều 5 lại quy định “Đại biểu HĐND chất vấn. Chủ tịch UBND, thành viên khác của UBND, Chánh án Tòa án Nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân, thủ trưởng cơ quan thuộc UBND cùng cấp” mà không được chất vấn người đứng đầu cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp, bởi vì theo quy định của pháp luật, người đứng đầu cơ quan Thi hành án dân sự không phải là “Thủ trưởng cơ quan thuộc UBND” nên không thuộc đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND. Quy định như vậy nên trong thực tế, trong hoạt động giám sát của “Cơ quan Thi hành án dân sự cùng cấp” trên địa bàn, đại biểu HĐND cấp tỉnh không thể thực hiện chất vấn đối với Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự cấp tỉnh, đại biểu HĐND cấp huyện không thể thực hiện chất vấn đối với Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện để làm rõ thêm những vấn đề mà HĐND giám sát vì không thuộc đối tượng chất vấn, như thế sẽ không đảm bảo giám sát toàn diện.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin