Để phụ nữ Việt Nam luôn tỏa sáng

LINH NHÂN 06:15, 20/10/2023

Trong lịch sử nước nhà, người phụ nữ Việt Nam vốn có truyền thống phẩm chất tốt đẹp. Ở bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào, những phẩm chất ấy luôn tỏa sáng và xuất hiện những người phụ nữ tiêu biểu, xuất chúng, có công lao với đất nước, sống mãi trong lòng dân tộc. Hiện nay, vai trò của phụ nữ ngày càng được đề cao, đòi hỏi họ phải nỗ lực vươn lên về mọi mặt để khẳng định, nâng cao vị thế của mình và có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước. 

PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY 

Thời phong kiến, xã hội thường lấy “tam tòng, tứ đức” làm chuẩn mực để đánh giá phẩm chất của người phụ nữ. Tứ đức “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” là thể hiện tinh thần và thể chất của người phụ nữ; được xem là khuôn phép, là “quy ước” xã hội khắt khe khi nói về phẩm hạnh và tài năng của phụ nữ. Công là nữ công gia chánh, sự đảm đang, khéo léo trong việc nội trợ/gia đình; Dung là nhan sắc-vẻ đẹp hình thức; Ngôn là lời ăn tiếng nói dịu dàng, lễ phép; Hạnh là đức hạnh đoan trang, đứng đắn, nết na, hiền thảo…

Từ ngày đất nước độc lập, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm chăm lo công tác phụ nữ, thực hiện chính sách bình đẳng giới, luôn đề cao và phát huy vai trò, vị trí của phụ nữ trong xã hội. Phụ nữ Việt Nam không chỉ kế thừa phẩm chất “Tứ đức” của người phụ nữ xưa, mà còn bổ sung, mở rộng, phát triển thêm nhiều nét phẩm chất mới, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong từng giai đoạn lịch sử.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, phụ nữ Việt Nam không chỉ là hậu phương vững chắc, hăng hái lao động sản xuất, cáng đáng việc chăm sóc, nuôi dạy con cái, phụng dưỡng cha mẹ trọn nghĩa, vẹn tình, mà còn là những chiến sĩ cách mạng kiên cường, bất khuất nơi tiền tuyến; một lực lượng cách mạng quan trọng. Họ thực sự xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ đã trao tặng.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, nhất là thời kỳ đổi mới, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới ở nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, được Liên hiệp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Phụ nữ Việt Nam đã có những bước trưởng thành và phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế, xã hội. Họ thực sự “Tự tin, tự trọng, trung hậu và đảm đang” để càng chủ động, tự tin hơn trong lãnh đạo, quản lý, nghiên cứu khoa học; mạnh dạn, năng động, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh… 

Hiện nay, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen đang đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới trong quá trình xây dựng và phát triển con người nói chung, người phụ nữ nói riêng.

Để đáp ứng được sự phát triển mạnh mẽ của thời đại, đồng thời, khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của lực lượng phụ nữ trong việc đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, đòi hỏi người phụ nữ Việt Nam không chỉ phát huy những phẩm chất truyền thống tốt đẹp, mà còn phải hội tụ được những nét phẩm chất mới với giá trị cốt lõi là: “Có tri thức, có đạo đức, có sức khỏe, có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”.

Rõ ràng, từ xưa đến nay, phụ nữ Việt Nam luôn giữ một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp dựng nước, giữ nước; trong bảo tồn, trao truyền, phát huy phẩm chất đạo đức tốt đẹp của dân tộc từ thế hệ này qua thế hệ khác. Ở bất cứ thời đại nào, trong hoàn cảnh nào, những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ luôn tỏa sáng, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của mình. Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng và nâng cao vị thế của phụ nữ vừa là yêu cầu khách quan của đất nước, vừa là sự đòi hỏi vươn lên của chính phụ nữ Việt Nam. 

XÂY DỰNG PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI ĐẠI MỚI 

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế”. Để cụ thể hóa nội dung Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và thực hiện Chỉ thị số 21 ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, nhiệm kỳ Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã phát động Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” nhằm hướng tới xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ Việt Nam với bốn tiêu chí: “có tri thức; có đạo đức; có sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước”. 

Để đạt được mục tiêu đề ra, Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” cần được triển khai đồng bộ, thống nhất, sôi nổi, rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo phụ nữ các cấp; qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào về truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; khích lệ, động viên và phát huy mạnh mẽ tinh thần nỗ lực vươn lên, khát vọng cống hiến tài năng, trí tuệ của phụ nữ Việt Nam. Các cấp Hội Phụ nữ cần chủ động tham mưu cấp ủy cùng cấp cụ thể hóa các nội dung của phong trào thi đua cho phù hợp với đối tượng, hoàn cảnh, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình kinh tế - xã hội của từng ngành, địa phương, đơn vị và thể hiện được các tiêu chí của “Người phụ nữ thời đại mới”. Cán bộ nữ các cấp cần phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tiễn; có cách thức tuyên truyền, triển khai, vận động chị em tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua một cách phù hợp; lồng ghép, gắn phong trào này với Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương và nhân rộng các gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu trong thực hiện phong trào thi đua, nhất là những người lao động trực tiếp...

Đồng hành cùng các cấp Hội Phụ nữ, cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể - xã hội các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự thân vận động của phụ nữ; quan tâm đầu tư thỏa đáng, tạo điều kiện tốt nhất để phụ nữ phát huy vai trò và năng lực trong gia đình và xã hội; huy động nguồn lực, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... nhằm thu hẹp dần khoảng cách về cơ hội và điều kiện phát triển của phụ nữ ở các vùng, miền. Đồng thời, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có cơ hội tham gia giáo dục - đào tạo để nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng nghề nghiệp; tiếp cận những thành quả của khoa học - công nghệ hiện đại để áp dụng vào thực tiễn, có đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp đổi mới và phát triển quê hương, đất nước hùng cường, thịnh vượng.