Đoàn Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri chuyên đề với lực lượng Công an tỉnh

NGUYỆT THU 11:59, 06/10/2023

(LĐ online) - Sáng 6/10, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng do đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách làm trưởng đoàn đã có buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề tại Công an tỉnh để ghi nhận các ý kiến góp ý các dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và Đại tá Lê Hồng Phong – Phó giám đốc Công an tỉnh chủ trì, điều hành buổi tiếp xúc chuyên đề với Công an tỉnh
Đồng chí Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH và Đại tá Lê Hồng Phong – Phó Giám đốc Công an tỉnh chủ trì, điều hành buổi tiếp xúc chuyên đề với Công an tỉnh

Cùng tham dự với đoàn có ĐBQH K’ Nhiễu - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đại diện Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ, các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Về phía Công an tỉnh, đồng chủ trì có  Đại tá Lê Hồng Phong – Phó Giám đốc Công an tỉnh, cùng đại diện lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Công an tỉnh, các cán bộ, chiến sĩ công an - lực lượng trực tiếp chịu tác động của dự án luật do Bộ Công an soạn thảo.

Chương trình tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý cho dự thảo Luật Căn cước công dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tại Công an tỉnh nhằm kịp thời lắng nghe các ý kiến góp ý sát thực tế, những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật của lực lượng công an, qua đó Đoàn Đại biểu Quốc hội sẽ tổng hợp, kiến nghị Quốc hội nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự án luật.  Thêm 2 vấn đề rất quan trọng là “tên thường gọi”, quy định về bí mật cá nhân như thế nào để bảo đảm bảo mật cho công dân.

Đại diện các phòng chuyên môn Công an tỉnh góp ý về Luật Căn cước công dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Đại diện các phòng chuyên môn Công an tỉnh góp ý về Luật Căn cước công dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Các đại biểu đại diện cho các bộ phận, phòng ban, đơn vị Công an tỉnh đã cho ý kiến về các nội dung chủ yếu của Luật Căn cước công dân như: tên gọi nên giữ nguyên là Luật Căn cước, thẻ căn cước; góp ý về thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước là cần thiết và phù hợp nhằm thích ứng chuyển đổi số, công dân số đáp ứng yêu cầu hiện đại của xã hội hiện nay; tăng cường việc quản lý người gốc Việt Nam. Công dân đủ 14 tuổi phải được hoàn tất thủ tục cấp căn cước; vận động người mãn hạn tù được trở về hoà nhập cộng đồng chứ không phải “ trở ra” như trong luật ghi; cần hỗ trợ những người mãn hạn tù tái hoà nhập cộng đồng tốt hơn…

Đại diện các phòng chuyên môn Công an tỉnh góp ý về Luật Căn cước công dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở
Đại diện các phòng chuyên môn Công an tỉnh góp ý về Luật Căn cước công dân, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

Về Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở, nhiều đại biểu ghi nhận, đánh giá cao về sự cần thiết phải điều chỉnh sửa đổi luật cho phù hợp thực tiễn. Việc đưa công an chính quy về cơ sở, sau khi bố trí thì công tác đảm bảo an ninh cơ sở có chuyển biến tích cực, có hiệu quả rõ nét, tuy nhiên còn khó khăn liên quan đến con ngươi và cơ sở vật chất, cần có lực lượng tự quản tại cơ sở cùng phối hợp với lực lượng công an để đảm bảo tốt yêu cầu đặt ra tại cơ sở;  cần có quy định về Luật Đảm bảo an ninh trật tự cơ sở để đáp ứng yêu cầu khách quan đặt ra. Liên quan đến xây dựng luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở, có nhiều nhược điểm về tên gọi chưa đồng nhất dẫn tới cách hiểu sai và làm sai. Một số ý kiến cho rằng đề nghị làm rõ thêm về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, yêu cầu thực tiễn để thuyết phục về sự cần thiết ban hành Luật và sửa đổi cho phù hợp.

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề
Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề

Về giao thông đường bộ hiện nay thực tế đã đặt ra rất nhiều bất cập nên việc điều chỉnh Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ là rất cần thiết, phạm vi điều chỉnh chưa đầy đủ, thiếu đối tượng là “người đi bộ”, “người khuyết tật”, “người dắt súc vật qua đường” cũng nên có bổ sung quy định thật cụ thể. Có đại biểu góp ý nhiều nội dung liên quan đến các vấn đề sát thực tiễn như cần quy định lại về mức nồng độ cồn khi tham gia giao thông; cần quy định cụ thể về phương tiện tham gia giao thông, cần quy định rõ về giấy phép lái xe, sát hạch, đào tạo, tăng cường quản lý nhà nước hơn nữa về trật tự an toàn giao thông đường bộ… cho phù hợp, nhằm đảm bảo luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả…

Các ý kiến góp ý của các đại biểu tại buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận, tổng hợp, kiến nghị Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới.