Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng góp ý dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở

NGUYỆT THU 18:57, 27/10/2023

(LĐ online) - Sáng 27/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tích cực góp ý các dự án luật
Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tích cực góp ý các dự án luật

Tham gia góp ý tích cực cùng các ĐBQH cả nước, Đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng nhấn mạnh: "Sau 2 lần được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV và kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đã được ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý, tăng 3 điều so với dự thảo trình tại kỳ họp thứ 5 (từ 31 điều lên 34 điều).

Sau khi nghiên cứu hồ sơ dự án luật, tôi có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, mục tiêu của việc xây dựng Luật này là tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng sẵn có (đó là bảo vệ dân phố, Công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó đội dân phòng) thành 1 tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ Công an chính quy bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở. Dự án Luật đã điều chỉnh chuyển nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở từ chức năng quản lý, trực tiếp thực hiện biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự sang chức năng là hỗ trợ Công an cấp xã thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, tôi vẫn rất băn khoăn, đây là lực lượng quần chúng tự nguyện được tuyển chọn tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở, không thuộc bộ máy nhà nước, tính chất hoạt động chịu sự quản lý của chính quyền cấp xã; trong khi đó, lực lượng công an xã chính quy được bố trí “mỏng” trên địa bàn rộng, phức tạp, sẽ xảy ra tình trạng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở thực hiện nhiệm vụ của mình trong khi không có mặt công an xã chính quy, Bộ Công an quy định điều tra viên cấp xã, địa bàn rộng, khi bị các đối tượng chống đối thì không thể xử lý đối tượng về hành vi chống người thi hành công vụ và thể hiện tính thực thi pháp luật không nghiêm ở cơ sở. Mối quan hệ cơ sở, phối hợp lực lượng.

Quang cảnh kỳ họp thứ 6
Quang cảnh kỳ họp thứ 6

Thứ hai, địa bàn đô thị, ví dụ chung cư cao cấp trên nhiều xã phải loại trừ điều kiện bảo đảm có lực này , tích cực xã hội hóa, phân cấp chính quyền quyết định. Có sự thông lưu địa bàn, giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thứ ba, nhóm đối tượng tại khoản 2 Điều 11, đề nghị bổ sung thêm nhóm đối tượng “Người nghiện ma túy đang áp dụng liệu pháp điều trị thay thế bằng methadone” và “Người nghiện ma túy đang cai nghiện tại cộng đồng” phù hợp với Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy

Thứ tư, theo dự thảo Luật quy định về tiêu chuẩn tham gia lực lượng phải tốt nghiệp trung học phổ thông liệu có khả thi (lực lượng lao động không còn nhiều) trong khi tiêu chuẩn tham gia của các lực lượng khác như dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ không quy định tiêu chuẩn này; nếu dự thảo Luật quy định thì không nên quy định mức trần về trình độ. Về độ tuổi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở nên khống chế tuổi tối đa vì nếu tuyển chọn tổ viên ở độ tuổi cao thì không đảm bảo sức khỏe để thi hành nhiệm vụ và không đáp ứng với tiêu chuẩn về sức khỏe đã quy định tại điểm d khoản 1 Điều 13 dự thảo Luật là: “có đủ sức khỏe theo giấy chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…”. Có già làng, trưởng bản nhưng khống chế số lượng. Cuối cùng, nguồn lực, có ngân sách cấp huyện, xã, không nên đi từ tỉnh xuống xã".

Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng góp ý về chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ
Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng góp ý về chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ

Tiếp tục tham gia góp ý trong phiên buổi chiều về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng góp ý tại tổ: "Về Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, Lâm Đồng vướng Quốc lộ 27, các phiên họp đều phát biểu, đề xuất nhiều lần, tuyến tránh Quốc lộ 20 ,TP Bảo Lộc cũng vậy. Tỉnh kiến nghị không đủ ngân sách Trung ương thì bố trí vốn địa phương để đầu tư công trình do Trung ương quản lý.  Nhưng dự thảo Nghị quyết đặc thù không thấy nhắc tới. Chính sách suy cho cùng là phục vụ cho người dân. Mong muốn các cơ quan của Chính phủ lắng nghe ý kiến của địa phương. Quốc hội cần rà soát nghiêm túc ý kiến của địa phương, nơi nào còn thiếu thì bổ sung vào.

Tán thành 4 nội dung đặc thù của dự thảo Nghị quyết, Lâm Đồng được đưa vào chính sách đặc thù ở nội dung 4: thí điểm chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường 2 đoạn Tân phú - Bảo Lộc và Bảo lộc - Liên khương. Mong muốn cơ chế đặc thù theo Luật PPP nhưng thực tế 2 dự án trên nguồn vốn ngân sách Trung ương thấp, chưa thực sự thu hút nhà đầu tư, thời gian này vốn nhà nước khó khăn, mong muốn quan tâm trong thời gian tới.

Liên quan đến Sân bay Long Thành, việc kéo dài thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024 liệu có đủ thời gian thực hiện không, công tác dự báo phải làm tốt hơn, sát nút mới xin thì rất khó khăn. Mong rằng các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu để có cơ chế, có tính lan tỏa, phù hợp với thực tế địa phương…".