(LĐ online) - Chiều 3/10, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng và ông Đào Chiến Thắng - Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh đã chủ trì buổi tiếp xúc cử tri chuyên đề góp ý Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi).
Ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh và ông Đào Chiến Thắng - Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri |
Cùng dự buổi tiếp xúc có ĐBQH K’ Nhiễu; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Khắc Bình; các thành viên Tổ Tư vấn chính sách pháp luật; lãnh đạo Công an tỉnh, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh, Ủy ban MTTQ, cán bộ, công chức, thẩm phán, lãnh đạo Toà án cấp huyện, thành phố trong tỉnh cùng dự.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng đã thông tin sơ bộ về sự cần thiết và ý nghĩa của việc sửa đổi Luật lần này. Theo đó Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân năm 2014 sau 1 thời gian áp dụng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Hơn nữa, theo Nghị quyết số 27 ngày 09/11/2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền và Nghị quyết số 89/2023/QH15 của Quốc hội cần tiếp tục hoàn thiện lại một số chức năng của ngành, chính vì thế, Dự thảo Luật đã được cho ý kiến, bổ sung nhiều lần tại các kỳ họp. Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề hôm nay được tổ chức nhằm góp phần nâng cao chất lượng của các dự án luật, của công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tham gia góp ý |
Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89 ngày 2/6/2023.
Lãnh đạo Công an tỉnh cùng tham dự góp ý dự án Luật Tổ chức Toà án Nhân dân (sửa đổi) |
Tại hội nghị, các đại biểu đã góp ý, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung về quy định về quyền tư pháp trong dự án luật; đổi tên Tòa án Nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và quy định Tòa án Nhân dân sơ thẩm chuyên biệt để xử lý các vụ án đặc thù; các quy định Tòa án không có nghĩa vụ thu thập chứng cứ trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính; về Hội đồng tư pháp quốc gia; ngạch bậc thẩm phán, quyết định tổng số biên chế ngành tòa án; nhiệm vụ xét xử vi phạm hành chính của tòa án; việc giám sát hoạt động của tòa án... nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp.
Đại biểu tham gia góp ý cho Dự án Luật |
Các ý kiến đóng góp tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tiễn cơ sở sẽ được Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tiếp thu, tổng hợp, báo cáo Quốc hội, nhằm giúp cơ quan soạn thảo tiếp tục xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo Luật đi vào cuộc sống và có hiệu lực, hiệu quả.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin