(LĐ online) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sáng 25/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Căn cước. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp.
Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV |
Trước đó, Quốc hội nghe: Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về các vấn đề liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; Quốc hội thành lập Ban Kiểm phiếu; Quốc hội tiến hành lấy phiếu tín nhiệm bằng bỏ phiếu kín. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn bảo đảm nghiêm túc, đúng nội dung, quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật và được công bố kết quả công khai đến toàn dân được biết.
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn Lâm Đồng góp ý tại hội trường về Luật Căn cước |
Tham gia thảo luận, góp ý về Luật Căn cước, đại biểu Nguyễn Tạo – Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: "Sau khi nghiên cứu bản dự thảo lần này so với bản dự thảo của kỳ họp thứ 5, so sánh với nội dung của Hội nghị Quốc hội chuyên trách vừa qua, phải nói rằng cơ bản đã được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến. Tôi đánh giá cao sự chủ động, tính tích cực của Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng như cơ quan soạn thảo trong việc nghiên cứu tiếp thu để chỉnh lý hoàn thiện dự thảo để trình và thông qua tại kỳ họp lần này.
Tuy nhiên, tôi còn có một số băn khoăn, xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:
Thứ nhất, lần này chúng ta xác định rõ đối tượng điều chỉnh của dự án luật. Một là công dân Việt Nam. Hai là người có nguồn gốc chưa được xác định quốc tịch sinh sống trên đất nước Việt Nam. Đấy là 2 đối tượng chúng ta khẳng định tại Điều 2 của dự án luật. Tuy nhiên, để đồng bộ thì trong phần giải thích từ ngữ ở Điều 3 thì chúng ta quy định tại khoản 14 là định danh điện tử đối với công dân Việt Nam là hoạt động đăng ký đổi soát gắn danh tính điện tử và cấp căn cước điện tử cho một công dân cụ thể. Trong phần đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần xem xét lại quy định vì người gốc Việt Nam chưa xác định là quốc tịch vẫn được thu thập vào cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định tại khoản 5 Điều 3 hoặc như quy định tại Điều 5, đó là quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước. Do đó, việc thực hiện các bước tiếp theo như định danh điện tử cũng cần phải thực hiện đầy đủ dữ liệu dân cư mới có thể hoàn thiện được.
Vì vậy, đề nghị tại khoản 13 Điều 3 được bổ sung như sau: Định danh điện tử đối với công dân Việt Nam hoặc người Việt Nam chưa xác định được quốc tịch là hoạt động đăng ký đổi soát gắn danh tính điện tử và cấp căn cước điện tử cho công dân hoặc người gốc Việt Nam. Bổ sung cho khoản 15 Điều 3 cụ thể như sau: Tức là xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch hoặc là hoạt động xác nhận, khẳng định tính chính xác của danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu hệ thống định danh và xác thực điện tử. Tương tự bổ sung cho khoản 16 Điều 3 cũng như thế. Bởi lẽ xuất phát từ Điều 5 lần này dự luật có nêu ra, tức là chúng ta xác định quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam, quyền và nghĩa vụ của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, chúng ta khẳng định ở Điều 5 và gắn với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng như là cơ sở dữ liệu về căn cước. Chúng ta phải xác định như thế cho rõ.
Các ĐBQH tham dự kỳ họp thứ 6 |
Nội dung thứ hai thì chúng tôi đề cập lại vì theo dõi việc này cũng 5, 6 năm rồi, đó là việc xác định người có nguồn gốc Việt Nam mà chưa được xác định được quốc tịch Việt Nam. Theo quy định của dự thảo Luật Căn cước lần này khẳng định địa vị pháp lý của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam được khẳng định tại Điều 2 về đối tượng của dự thảo luật và bảo đảm nguyên tắc được quy định tại khoản 1 Điều 4 của dự thảo luật, đó là tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, bảo đảm quyền con người và quyền công dân. Đây là khẳng định đã được nêu tại dự thảo Luật Căn cước và các chế định lạm phát sinh, thay đổi, chấm dứt các quan hệ pháp luật đối với căn cước cũng như giấy chứng nhận căn cước đối với công dân Việt Nam hoặc người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam phải có các chế định về phát sinh, về thay đổi, về chấm dứt quan hệ pháp luật.Tôi băn khoăn ở điều này là chúng ta phải có một điều kiện mở ở Điều 19, tức là tôi đề nghị thêm một khoản khi người ta hội đủ điều kiện chính theo khoản 25 của Điều 9 thì người ta đương nhiên được chuyển sang căn cước công dân.
Đối với những trường hợp cấp lại, cấp đổi căn cước công dân, tôi rất nhất trí như các đại biểu vừa nêu. Đề nghị bổ sung khoản d là người được cấp thẻ căn cước công dân tại Điều 19 khi chết thì phải bị thu hồi và chấm dứt các quan hệ pháp lý".
Đại biểu Nguyễn Tạo cũng góp ý tại hội trường liên quan đến điều kiện cần và đủ cho Luật Cư trú và Luật Quốc tịch: "Đây là vấn đề cần phải được kích hoạt ở trong luật cấp giấy chứng nhận căn cước công dân lần này để khẳng định địa vị pháp lý của người Việt Nam không xác định được quốc tịch đang sinh sống ở Việt Nam. Đây là vấn đề thực tiễn đặt ra. Việc xác định thường trú hoặc tạm trú của công dân trên một địa giới hành chính cụ thể chúng ta rất khó xác định, nếu ở một tiểu khu rừng và tiểu khu rừng thì trải dài trên nhiều địa giới hành chính khác nhau. Ví dụ, vừa rồi chúng tôi đi khảo sát có 231 hộ, 1.143 nhân khẩu. có 698 nhân khẩu trên 14 tuổi không thuộc nhóm điều chỉnh này, đây là vấn đề cụ thể. Lần này chúng ta triển khai Nghị quyết 88 về đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi thì chúng ta kích hoạt vào đây. Những vùng chúng ta xác định có dự án đã được các cơ quan thẩm quyền nhà nước phê duyệt thì đó là nơi thường trú, nơi tạm trú của công dân, như thế khẳng định vị trí, địa vị pháp lý của số người Việt Nam không xác định được quốc tịch mà đã sinh sống ở địa bàn đó trên 20 năm. Chúng tôi chỉ cần một điều khoản cần và đủ ở Điều 30, nếu có giấy chứng nhận căn cước công dân thì người dân mới được thụ hưởng các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ các dự án mà nhà nước mang lại. Đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn, mong Ban soạn thảo và các vị đại biểu hiểu vấn đề này từ thực tiễn để cùng xây dựng".
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin