Văn hóa trong chính trị là hệ giá trị văn hóa được con người lựa chọn tiếp nhận và biểu hiện ra trong quá trình hoạt động chính trị và là giá trị cốt lõi của mỗi hệ thống chính trị. Nó thể hiện nhận thức về chính trị, lý tưởng, niềm tin vào chính trị và cách thức tham gia vào đời sống chính trị của các chủ thể theo những chuẩn mực phù hợp với mục tiêu chung của xã hội.
Văn hóa chính trị là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa nói chung được hun đúc từ những giá trị, truyền thống tốt đẹp của một đất nước, dân tộc; là một hệ giá trị văn hóa được con người lựa chọn tiếp nhận và biểu hiện ra trong quá trình hoạt động chính trị. Nội hàm văn hóa chính trị bao gồm cả đức lẫn tài, trong đó phải lấy đức làm gốc. Văn hóa chính trị được nhận diện qua trình độ giác ngộ về chính trị; ý thức, tình cảm và niềm tin chính trị; động cơ, thái độ, nhu cầu, thói quen và hành động của cá nhân trong hoạt động chính trị, xã hội và qua giao tiếp, ứng xử trong các mối quan hệ xã hội… Văn hóa chính trị của cá nhân có ảnh hưởng đến văn hóa chính trị của tổ chức; trong đó, văn hóa chính trị của người lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị có ý nghĩa quan trọng, góp phần định hướng xã hội và vận hành hệ thống chính trị theo những mục tiêu đã đề ra. Từ đó, đòi hỏi những người lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải có thái độ, cách thức ứng xử các vấn đề một cách chuẩn mực, nhất là thái độ, cách thức ứng xử đối với quyền lực được trao. Những người biết sử dụng quyền lực để thực hiện các mục tiêu chính trị vì lợi ích chung của tập thể, quốc gia, dân tộc là những người có văn hóa chính trị. Còn những người sử dụng quyền lực như một đặc quyền riêng nhằm mưu cầu hưởng lợi cá nhân, đi ngược lại với lợi ích của tập thể, quốc gia, dân tộc là vi phạm văn hóa chính trị. Điều đó đòi hỏi việc bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị phải dựa trên nền tảng văn hóa nói chung và văn hóa chính trị nói riêng.
Vấn đề xây dựng văn hóa trong chính trị được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm từ rất sớm. Trong Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943, Đảng ta đã khẳng định: “Quan hệ giữa vǎn hóa và kinh tế, chính trị vǎn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, vǎn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động”. Trải qua các thời kỳ cách mạng khác nhau, Đảng ta luôn coi trọng và đề cao nhiệm vụ xây dựng nền văn hóa Việt Nam mang tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng. Từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới đất nước, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, tư duy lý luận của Đảng về xây dựng văn hóa trong chính trị dần dần được hình thành một cách rõ nét và không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện. Đến Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW), lần đầu tiên Đảng ta đề cập đến vấn đề xây dựng văn hóa trong chính trị một cách rõ nét nhất với mục tiêu cụ thể là “Xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và mỗi gia đình” và được tách thành một nhiệm vụ riêng, đó là: “Chú trọng chăm lo xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các cơ quan nhà nước và các đoàn thể; coi đây là nhân tố quan trọng để xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, tận tuỵ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, gắn bó máu thịt với Nhân dân; có ý thức thượng tôn pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; tự do cá nhân gắn với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, công chức, đảng viên”. Đây là sự nhận thức sâu sắc của Đảng về mối quan hệ giữa văn hóa với các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong chính trị và kinh tế, một thành tựu lý luận có ý nghĩa to lớn trong chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước.
Để xây dựng văn hóa trong chính trị một cách đúng đắn, thiết thực, làm cho văn hóa chính trị, nhất là trong Đảng, trong Nhà nước thực sự trở thành văn hóa lãnh đạo - cầm quyền, văn hóa quản lý - quản trị, chúng ta cần chú trọng thực hiện có hiệu quả những vấn đề cốt lõi sau đây:
Trước hết, cần nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa trong chính trị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Theo đó, phải chú trọng giáo dục về chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng, kim chỉ nam hành động của cách mạng. Thấm nhuần sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, với các đặc trưng dân tộc - nhân văn - dân chủ và khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, làm cho con người Việt Nam có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo…
Thứ hai, coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước và các đoàn thể chính trị, làm cho hệ thống chính trị phải thực sự trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải: Thực sự là những chủ thể của văn hóa chính trị, tận tụy, trách nhiệm; gương mẫu trong công việc, trong quan hệ, ứng xử với người dân theo yêu cầu trọng dân và trọng pháp. Không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, chống chủ nghĩa cá nhân; sống trung thực, khiêm tốn, giản dị; làm tròn bổn phận là người đầy tớ phục vụ Nhân dân. Xây dựng phong cách dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương; phong cách quần chúng, nói đi đôi với làm và phong cách nêu gương. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân nhất là trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh việc “học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Thứ tư, xây dựng hệ giá trị văn hóa trong chính trị với những tiêu chí cơ bản như: đạo đức văn hóa trong ứng xử; trình độ giác ngộ khoa học và văn hóa về chính trị; ý thức, tình cảm và niềm tin chính trị; động cơ, thái độ và hành vi trong hoạt động chính trị... Đó là những tiêu chí quan trọng hàng đầu để mỗi người hướng tới rèn luyện, học tập và tu dưỡng nhằm không ngừng hoàn thiện bản thân.
Thứ năm, thực hành dân chủ rộng rãi; trọng dân, gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân và thượng tôn pháp luật. Theo đó, các nhà lãnh đạo, quản lý phải lắng nghe tiếng nói của người dân, tăng cường các cuộc đối thoại, chất vấn, góp ý phê bình của Nhân dân; có thái độ, hành vi ứng xử với người dân một cách có văn hóa; các quan chức và công chức trong hệ thống chính trị phải thi hành đúng bổn phận, nghĩa vụ, chức trách của mình theo quy định của Đảng và Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Thứ sáu, đưa chuẩn mực đạo đức văn hóa trong chính trị trở thành một tiêu chuẩn quan trọng để bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ; tạo dư luận xã hội phê phán mạnh mẽ, đồng thời, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm về chuẩn mực đạo đức văn hóa, chuẩn mực pháp luật nhằm từng bước hình thành văn hóa xin lỗi đối với người sai trái, văn hóa từ chức đối với người giữ chức quyền.
Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế hiện nay, việc xây dựng văn hóa trong chính trị là một đòi hỏi tất yếu, khách quan và khi văn hóa chính trị thấm sâu vào đời sống xã hội, nhất là trong tổ chức và hoạt động chính trị (lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức) sẽ là sức mạnh nội sinh đảm bảo cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin