Xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới

KHÁNH LINH 01:58, 19/10/2023

Công cuộc đổi mới đất nước và sự phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) đã góp phần tạo ra đội ngũ doanh nhân Việt Nam không ngừng phát triển, lớn mạnh, trở thành một tầng lớp, nhóm xã hội mới, lực lượng xung kích đại diện cho sức sản xuất mới, nhân tố có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) đất nước và hội nhập quốc tế.

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển ngày càng đông đảo; trình độ học vấn, kiến thức, kỹ năng kinh doanh, năng lực hội nhập quốc tế đã được nâng lên rõ rệt; trở thành lực lượng xung kích, chủ lực trong việc giải phóng lực lượng sản xuất, thay đổi cơ cấu kinh tế quốc dân, thực hiện CNH, HĐH, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN độc lập, tự chủ, đóng góp trên 60% GDP; là lực lượng chủ lực, tiên phong tạo ra nhiều công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách xã hội và bảo đảm an sinh xã hội; tham gia vào các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội ngày càng nhiều,… 

Có thể nói, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã góp phần quan trọng vào hình thành cơ cấu xã hội và quan hệ xã hội mới, hệ giá trị và lối sống phù hợp với điều kiện CNH, HĐH và hội nhập quốc tế; là kết tinh và tiêu biểu cho ý chí, nghị lực nỗ lực xóa đói, thoát nghèo, vươn lên làm giàu của dân tộc Việt Nam, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội, đất nước. Vì vậy, những doanh nhân giàu có, thành đạt được xã hội ngưỡng mộ, tôn vinh, như là “nhân vật trung tâm” của thời kỳ phát triển mới của đất nước; trở thành mục tiêu phấn đấu của không ít người, nhất là giới trẻ đang nuôi khát vọng, ý chí làm giàu, dấn thân, lập thân lập nghiệp, cống hiến bằng con đường kinh doanh.

Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và trên cơ sở tổng kết sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế, ngày 10/10/2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu CNH, HĐH đất nước; tầm nhìn đến năm 2045, phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; đồng thời đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện các mục tiêu trên. 

Để hiện thực hóa chủ trương của Đảng, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần quán triệt đầy đủ, sâu sắc các quan điểm, mục tiêu và triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo 7 nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong Nghị quyết 41. Trong quá trình thực hiện, thiết nghĩ cần quan tâm đến một vấn đề thiết thực và có tính đột phá sau đây. 


Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền để làm thay đổi và nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam thật sự trở thành lực lượng nòng cốt, đi đầu trong sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế, bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Bản thân doanh nghiệp, doanh nhân nhận thức đúng, sâu sắc về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm, sự gắn bó hữu cơ giữa mục tiêu, khát vọng làm giàu chân chính với trách nhiệm xã hội.

Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập, trọng tâm là hệ thống chính sách, pháp luật, nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thuận lợi để bảo vệ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, đổi mới sáng tạo; ngăn ngừa, thải loại doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp. Chính việc tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi là tạo điều kiện để xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân.

Thứ ba, xây dựng chuẩn mực đạo đức, văn hóa của doanh nhân Việt Nam yêu nước, sáng tạo, đam mê kinh doanh, chủ động hội nhập, dám nghĩ, dám làm, có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng, có văn hóa và tuân thủ pháp luật. Trên cơ sở đó, đội ngũ doanh nhân không ngừng trau dồi bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp, xung kích, đi đầu trên mặt trận phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hóa kinh doanh thế giới; lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo,…

Thứ tư, vinh danh, khen thưởng xứng đáng những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn chân chính, thành đạt trong công việc kinh doanh, có đóng góp lớn đối với đất nước; đồng thời, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những doanh nghiệp, doanh nhân làm ăn phi pháp gây thiệt hại cho đất nước, cho cộng đồng xã hội, tránh hình sự hóa các hoạt động kinh tế.

Thứ năm, khuyến khích thành lập các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề, các câu lạc bộ doanh nhân nhằm tập hợp, thu hút đông đảo doanh nhân tham gia, thông qua đó, họ có điều kiện trao đổi, liên kết, hỗ trợ nhau. Theo đó, tổ chức các hiệp hội doanh nghiệp cần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động; thực sự là cầu nối, là đại diện của doanh nhân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của doanh nhân. Đồng thời, chính quyền các cấp cũng cần tạo điều kiện về cơ sở vật chất và quan tâm đến hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề. 

Thứ sáu, chú trọng công tác nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân theo hướng vừa trang bị hệ thống tri thức một cách bài bản vừa cập nhật, bổ sung hệ thống tri thức mới về quản trị, kinh doanh trong điều kiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. Đồng thởi, chú trọng giáo dục, rèn luyện và hun đúc cho doanh nhân “tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ”, ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với sự phát triển xã hội, tính trung thực, tinh thần hợp tác, ý thức cộng đồng cao… Cách thức đào tạo là kết hợp giữa trang bị kiến thức, truyền thụ kinh nghiệm với tổ chức thực hành tạo điều kiện cho họ “cọ xát” thực tế…

Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong bối cảnh mới là một tất yếu khách quan. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 41 đề ra, đòi hỏi phải triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và có sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong đó vai trò tiên phong, tự vận động, phát triển của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là yếu tố quyết định.