20 năm ngày hội ý Đảng - lòng dân (Bài 1)

NGUYỆT THU 06:24, 20/11/2023

Qua 20 năm tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/2003 - 18/11/2023) với nhiều nội dung thiết thực, Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng đã đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; duy trì, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế bền vững theo định hướng của Nhà nước, tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới - đô thị văn minh; góp phần quan trọng làm khởi sắc vùng đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ.

Bài 1: Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho dân

Trong 20 năm qua, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm được các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh phát huy, đã tự nguyện đóng góp trên 1.250 tỷ đồng, hiến 1,8 triệu m2 đất, huy động 710 ngàn ngày công lao động... để xây dựng các công trình phúc lợi, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng ở cơ sở, cộng đồng dân cư. Qua đó góp phần đáng kể thay đổi diện mạo nông thôn mới - đô thị văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.

Khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp được Nhân dân hưởng ứng tích cực
Khu dân cư kiểu mẫu xanh - sạch - đẹp được Nhân dân hưởng ứng tích cực

Thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-ĐCT ngày 01/8/2003 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam về tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được tổ chức trong toàn tỉnh suốt 20 năm qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, phát huy vai trò tự quản của mỗi cộng đồng, từng cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và sau này là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Với phương châm “Lấy sức dân chăm lo cuộc sống cho Nhân dân”, “dân làm chủ, dân là chủ”, trong những năm qua, MTTQ các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên khảo sát, lựa chọn nội dung, tên gọi xây dựng mô hình tự quản, trong đó phân công cho các tổ chức thành viên chủ trì xây dựng mô hình phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, sát nhu cầu thực tiễn của Nhân dân tại địa phương. Các mô hình tự quản ở khu dân cư được thành lập, duy trì, hoạt động ngày càng hiệu quả, nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. 

Tại các địa phương xuất hiện nhiều mô hình thực chất như Mô hình “Chuyển đổi cây trồng, sản xuất theo hướng công nghệ cao” do Hội Nông dân ở xã Ninh Loan, Đức Trọng; xã Lạc Lâm, Đơn Dương; xã Đạ Sar, Lạc Dương thực hiện, duy trì rất hiệu quả; Mô hình “Hợp tác xã kiểu mới, tổ hợp tác”, vận động nông dân tham gia mở rộng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cung ứng dịch vụ nông nghiệp, như: Mô hình Hợp tác xã nông nghiệp nghề thủ công đan bèo ở xã Gia Viễn huyện Cát Tiên; tổ hợp tác chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm ở xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà; Mô hình Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp ở xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông; “Tổ hùn vốn”, “Hòm vốn tiết kiệm”, “Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế”, “Nuôi heo đất tiết kiệm”… hỗ trợ chị em tăng gia sản xuất, góp vốn xoay vòng để làm nhà, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo ở xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh; xã Lộc Tân, Bảo Lâm; xã Đạ R’sal, huyện Đam Rông… đã giúp chị em chủ động nguồn vốn trong phát triển kinh tế gia đình.

Tại khu dân cư, sau khi được Mặt trận các cấp phát động, phối hợp với các đoàn thể, chính quyền địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình tốt nhằm đảm bảo an ninh trật tự thôn, xóm, khu phố như: Mô hình “Camera an ninh” tại TP Đà Lạt, Bảo Lộc; “Tiếng kẻng an ninh” do Hội Cựu chiến binh xã Ninh Loan, Đức Trọng xây dựng thực hiện; “Tổ tuần tra dân cử, dân nuôi” ở xã Gia Lâm, Lâm Hà và Phường 2, Bảo Lộc; “Tổ an toàn” tại xã Hương Lâm, huyện Đạ Tẻh; “Tổ tự quản ANTT” tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên;  “Khu dân cư đảm bảo an ninh trật tự, cảm hóa giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư”  ở xã Hòa Nam, Di Linh; “Khu dân cư không có tệ nạn xã hội, cảm hóa thanh niên sử dụng ma túy, đánh bạc, trộm cắp” của xã Đạ R’sal, Đam Rông; “Khu dân cư và giáo họ không có người vi phạm pháp luật” ở xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương… góp phần hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, không để xảy ra điểm nóng trên địa bàn cơ sở, khu dân cư. 

MTTQ từ tỉnh đến huyện, xã, thôn, buôn xác định rõ tầm quan trọng của tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Vì thế, thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị cũng như các địa phương và người dân trên địa bàn toàn tỉnh luôn quan tâm, coi trọng nhiệm vụ cải thiện, bảo vệ, giữ gìn môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp, nâng cao chất lượng môi trường sống, bảo vệ sức khoẻ con người một cách toàn diện và đồng bộ. 

Góp phần chuyển biến rõ nét trong thực hiện tiêu chí môi trường, xuất hiện nhiều Mô hình “Khu dân cư kiểu mẫu về môi trường” như ở xã Lộc An, huyện Bảo Lâm hay xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai. Mô hình “Khu dân cư bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm” ở Phường 1- TP Đà Lạt; xã Hương Lâm, Đạ Tẻh; xã Ninh Loan, Đức Trọng... Mô hình “5 không 3 sạch” do Hội Phụ nữ chủ trì, được hầu hết các Chi hội phụ nữ tại các xã, phường, thị trấn triển khai thực hiện gắn với xây dựng các “Tuyến đường hoa”. Các mô hình “Hố rác, xử lý rác đúng nơi quy định” của Hội Chữ thập đỏ; “Trồng cây bóng mát đường quê “của Hội Nông dân xã Hương Lâm, Đạ Tẻh; “Đoạn đường sáng, xanh, sạch, đẹp” của Đoàn Thanh niên và Hội Phụ nữ xã Hòa Nam, huyện Di Linh; xây dựng đường giao thông thôn, trồng cây xanh và lắp hệ thống chiếu sáng đường nông thôn của Ban Công tác Mặt trận xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên và xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương; Mô hình “Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau gắn với bảo vệ môi trường” của Hội Người cao tuổi; “Đội thanh niên xung kích thu gom rác thải, vệ sinh môi trường” xã Tà Năng, Đức Trọng… đã vận động đoàn viên, hội viên và các hộ gia đình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển rác đúng quy định, xây dựng các tuyến đường, khu dân cư có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp… 

Qua thực tiễn, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, huy động được đông đảo cán bộ, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tự nguyện tham gia đóng góp tiền, ngày công, hiến đất, vật tư… động viên sức mạnh của toàn dân, toàn xã hội thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp trí tuệ, công sức để tập trung xây dựng gia đình, cộng đồng dân cư, xã, phường, thị trấn vững mạnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành và nâng cao các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh của địa phương. Nhân dân tích cực, cùng với cấp ủy, chính quyền thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. 

Kết quả nổi bật, đến nay, toàn tỉnh có 107/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 96,4%), trong đó có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên  và Lâm Hà. Hai thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 27/31 phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; có 867 khu dân cư được công nhận Khu dân cư tiêu biểu, trong đó có 328 khu dân cư được công nhận Khu dân cư kiểu mẫu. Tỷ lệ gia đình đạt chuẩn văn hóa 91%; tỷ lệ thôn, buôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa là 95%; tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới 98%; tỷ lệ phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 87%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa 98%.

(CÒN NỮA)