20 năm ngày hội ý Đảng - lòng dân (Bài cuối)

06:09, 22/11/2023

Bài cuối: Xây dựng khối đại đoàn kết trong tình hình mới

Nâng cao chất lượng Ngày hội Đại đoàn kết đáp ứng với tình hình mới nhằm củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đồng thuận xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra; trong đó, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại khu dân cư chính là mục tiêu, nhiệm vụ được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đặt ra trong giai đoạn tới. 

Hoạt động văn hóa văn nghệ trong phần hội được cử tri tham gia sôi nổi, hào hứng
Hoạt động văn hóa văn nghệ trong phần hội được cử tri tham gia sôi nổi, hào hứng

Trao đổi về những mặt còn hạn chế, cần khắc phục, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bon Yô Soan nhìn nhận: Bên cạnh những thành quả nổi bật sau 2 năm tổ chức ngày hội, chúng ta cùng nhìn nhận, đánh giá khách quan, thực chất những mặt còn hạn chế để có biện pháp khắc phục thời gian tới. Đó là, về chất lượng tổ chức ngày hội chưa đồng đều giữa các địa phương; một số nơi nội dung tuyên truyền chưa sâu rộng, hình thức tuyên truyền thiếu đa dạng và phong phú; điều kiện cơ sở vật chất có nơi còn thiếu nên việc tổ chức ngày hội gặp nhiều khó khăn; chưa tranh thủ xã hội hóa các nguồn hỗ trợ tổ chức ngày hội nên các hoạt động tổ chức ngày hội còn hạn chế. Có nơi, việc chuẩn bị nội dung, chương trình ngày hội chưa chu đáo, chưa chú trọng nội dung sơ tổng kết các phong trào thi đua tại cộng đồng dân cư trong ngày hội. Bên cạnh đó, nhiều nơi chưa đầu tư tổ chức được các hoạt động trong phần hội, các trò chơi dân gian truyền thống mang đậm bản sắc của từng địa phương, vùng, miền; tỷ lệ hộ gia đình hưởng ứng tham gia ngày hội chưa cao, nhất là vùng đô thị; cán bộ, công chức một số nơi chưa gương mẫu, chưa nhiệt tình trong tham dự ngày hội tại khu dân cư...

Để tiếp tục phát huy hiệu quả của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc 18/11 hàng năm, Mặt trận, hệ thống chính trị cơ sở cần tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức thành viên quan tâm chăm lo, dành kinh phí, thời gian cho ngày hội quan trọng này. Phát triển thêm nhiều ý tưởng mới, sáng tạo mới để phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong ngày hội, làm thế nào để ngày hội thực sự là Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư - là ngày hội của toàn dân, đi vào lòng dân và giúp dân nhắc nhớ mãi. 

Tại mỗi khu dân cư, dưới sự định hướng của cấp trên, cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân tham gia đông đủ, góp nhiều ý kiến thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ đại đoàn kết dân tộc. Phát huy tính sáng tạo, chủ động và tự quản của Nhân dân ở cộng đồng. Phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc chủ động tham gia ngày hội.

Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố 23, thị trấn Liên Nghĩa, Đức Trọng Nguyễn Sỹ Bửu chia sẻ: Việc tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết ở khu dân cư trong 20 năm qua được các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo, cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo nên bước chuyển mới và trở thành hoạt động xã hội rộng lớn, thiết thực động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, thật sự là “Ngày hội của Nhân dân”… Trong giai đoạn mới, ý nghĩa thực tiễn của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được khẳng định trong đời sống chính trị, văn hóa - xã hội tại địa bàn cơ sở, khu dân cư, tạo tiền đề để MTTQ Việt Nam, hệ thống chính trị tập hợp, đoàn kết và phát huy hiệu quả vai trò khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn tiếp theo. Với những thành tựu của đất nước, quê hương trong công cuộc đổi mới, việc kế thừa kết quả của 20 năm triển khai tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy các nét văn hoá đặc sắc của các tầng lớp dân cư, các dân tộc trên địa bàn sẽ tiếp tục được bảo tồn và phát huy.

Ông Bửu kiến nghị: MTTQ Việt Nam các cấp cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; phát huy dân chủ, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát và phản biện xã hội, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường hiệp thương, đồng thuận, đẩy mạnh phong trào thi đua, các cuộc vận động phát triển kinh tế - xã hội, chủ động tiếp cận, ứng dụng khoa học - công nghệ. Đồng thời, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ về phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị theo nghị quyết của cấp ủy, chính quyền đề ra.

Được tổ chức tại mỗi cộng đồng dân cư, do vậy, ngày hội chỉ đạt hiệu quả cao nhất khi có sự tham gia của đông đảo tầng lớp Nhân dân sinh sống tại cộng đồng khu dân cư đó. Muốn vậy, chúng ta cần tập trung đổi mới tư duy trong tổ chức ngày hội, luôn thống nhất và hài hòa với nhu cầu đời sống thiết thực của người dân, trong đó dành nhiều thời gian, kinh phí cho phần “hội”, cho “bữa cơm Đại đoàn kết” để Nhân dân và cán bộ được gần gũi, chia sẻ, động viên lẫn nhau; từ đó sẽ góp phần đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị tại mỗi địa phương, củng cố khối đoàn kết ngày một vững chắc hơn.