Còn thiếu động lực cho du lịch phát triển từ Dự án Luật Đất đai

AN VIÊN 06:22, 09/11/2023

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV xem xét và nếu đủ điều kiện sẽ thông qua Dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Đây là tin vui, thu hút sự quan tâm, chú ý của toàn dân. Tuy nhiên, tới thời điểm này, đang còn có nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng, nhất là đối với những quy định của dự thảo luật trong phát triển hạ tầng du lịch.

Điều 79 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định 30 trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, gồm: xây dựng công trình giao thông; xây dựng cơ sở y tế; xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo; thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang trừ trường hợp thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất; nhà ở công vụ; cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư… Thế nhưng lại vắng bóng việc thu hồi đất đối với các dự án phát triển du lịch.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ, quy định về giao đất, thu hồi đất tại Điều 79 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ở khoản 21 và khoản 27 cần bổ sung thêm các dự án phát triển du lịch, nhằm tạo động lực, điều kiện để du lịch Việt Nam cất cánh. 

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, đầu tư phát triển hạ tầng du lịch là đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, nếu để nhà đầu tư tự thỏa thuận với người dân sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, các dự án du lịch tạo nhiều công ăn, việc làm, thu nhập, nâng cao đời sống người dân trong vùng, có thể xem xét là mang lại lợi ích quốc gia, công cộng. Chính vì vậy, các dự án du lịch nên thuộc diện phải thu hồi đất.

Ý kiến một số chuyên gia cho rằng khung pháp lý phát triển cơ sở hạ tầng về du lịch hiện nay chưa đầy đủ, chưa thuận lợi và chưa khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận nguồn lực đất đai để thực hiện. Phạm vi điều chỉnh của Luật Du lịch không bao gồm việc xây dựng và hình thành, phát triển hạ tầng du lịch và tài nguyên du lịch...

Nếu Luật Đất đai sửa đổi không có quy định tiếp cận đất đai đối với tổ chức, cá nhân để phát triển du lịch, dịch vụ sẽ không khuyến khích phát triển hạ tầng du lịch và điểm đến.

Đối với Việt Nam, du lịch được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, kinh tế tổng hợp có nhiều đóng góp vào tăng trưởng kinh tế. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019 (trước dịch bệnh) doanh thu từ du lịch đạt 755.000 tỷ đồng, tương đương 12,5% GDP hiện hành. Trong 9 tháng năm 2023, ngành Du lịch tiếp tục có những đóng góp quan trọng khi doanh thu lưu trú, ăn uống và dịch vụ lữ hành đạt 526,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 7,24% GDP ), trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và du lịch lữ hành tăng 47,7% so cùng kỳ năm trước.

Khảo sát của Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam (VnREA) cho thấy, hiện, cả nước có khoảng 239 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Trong đó, ước tính giá trị dự án condotel đạt khoảng 297.128 tỷ đồng; dự án villa ước tính 243.990 tỷ đồng và dự án shophouse khoảng 154.245 tỷ đồng. Tổng giá trị 3 sản phẩm này khoảng 681.886 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Tuy nhiên, sau một thời gian phát triển nóng, những năm gần đây, phân khúc này đã bị chững lại. Thị trường gần như đóng băng, lượng giao dịch không đáng kể. Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh của thị trường này, ngoài tác động của COVID-19 thì việc thiếu vắng một chiến lược phát triển toàn diện cho ngành Du lịch, đặc biệt là việc hoàn thiện cơ chế, khuôn khổ pháp lý cho việc khai thác hiệu quả tài nguyên từ đất đai cũng như cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch tại Việt Nam là thách thức rất lớn.

Cũng theo VnREA, trong các yếu tố cản trở tốc độ, quy mô và quyết tâm tham gia vào thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam, yếu tố kinh tế - tài chính chiếm 30%, yếu tố pháp lý chiếm 50% và yếu tố khác chiếm 20%. Số liệu trên cho thấy, những khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng cũng đã và đang gây ra lo ngại cho các nhà đầu tư về tính an toàn pháp lý hay những rủi ro có thể xảy ra. 

Nghị quyết 08/TW của Bộ Chính trị nêu rõ: Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đến năm 2030, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 47 - 50 triệu lượt, du lịch đóng góp khoảng 14 - 15% và nâng tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GDP lên trên 50% thì cần phải đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành Du lịch. Vì vậy, lấp đầy khoảng trống pháp lý trong kinh doanh bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, đặc biệt cần được quy định cụ thể trong Luật Đất đai (sửa đổi) là việc cần thiết, cần được quan tâm thích đáng.