Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

NGUYỆT THU 18:12, 24/11/2023

(LĐ online) - Ngày 24/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp.

Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Tham gia thảo luận góp ý về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đại biểu Nguyễn Tạo - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã quan tâm, nghiên cứu và góp ý: "Tôi cơ bản thống nhất về việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ nhằm điều chỉnh 2 lĩnh vực hết sức quan trọng khác nhau. Đó là trật tự, an toàn giao thông đường bộ thuộc lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội và xây dựng, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế - kỹ thuật nhằm cụ thể hóa và thể chế hóa tinh thần Chỉ thị 23 của Trung ương ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.

Với xu thế phát triển công trình ngầm trong phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng và rút kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, tôi tha thiết đề nghị bổ sung quy định đối với công trình ngầm gắn với công trình thương mại, dịch vụ theo mô hình phát triển đô thị, theo định hướng giao thông công cộng TOD là một hình thái phát triển giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư. Từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán. Việc phát triển không gian ngầm mang lại những lựa chọn tốt hơn trong phát triển đô thị và xu hướng phát triển trong tương lai, nhằm tối ưu hóa tài nguyên đất và mức độ sử dụng đất để đạt được những mong muốn phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong tương lai.

Điều 5 của dự thảo Luật có quy định về ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm đỗ, dừng cho những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và các trạm sạc cho phương tiện đường bộ, xu thế sử dụng động cơ điện. Đây là một trong những hoạt động đường bộ mang tính tích cực và sẽ được triển khai hình thành trong thời gian tới, nhưng là chỉ ưu tiên sử dụng đất để đầu tư xây dựng điểm dừng đỗ cho những phương tiện giao thông thân thiện với môi trường mà chưa gắn với hệ thống giao thông thông minh. Hiện nay trên thế giới và nhiều nước xung quanh khu vực đã xây dựng các điểm dừng đỗ cho những phương tiện giao thông thông minh, nhằm tiết kiệm tối ưu hóa về mặt bằng sử dụng đất đai, tạo thuận lợi cho người sử dụng tiết kiệm về thời gian và tiền bạc. Vì vậy, cần chỉnh sửa lại chính sách này để bảo vệ trích xuất phát triển giao thông thông minh bao trùm toàn bộ hoạt động đường bộ được quy định tại khoản 2 Điều 5.

Dự thảo Luật quy định hệ thống giao thông đường thông minh tại Điều 7 là chủ trương hết sức đúng đắn, cần thiết và thiết thực. Bởi lẽ, hệ thống giao thông thông minh đã mang lại những lợi ích thực tiễn vô cùng to lớn, giúp hoàn thiện kết cấu hạ tầng đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa. Do đó, tôi tha thiết đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về phát triển giao thông thông minh như vấn đề điều khiển đèn tín hiệu giao thông thông minh, kiểm soát trọng tải xe bằng công nghệ cân tự động và hình thành dữ liệu cơ chế xử phạt vi phạm hành chính nguội. Có kết nối giữa cơ quan quản lý với chủ sở hữu phương tiện để khi xử lý vi phạm hành chính sẽ mang tính thuyết phục và áp dụng trong thời gian tối ưu nhất trong việc chấp hành, xử lý vi phạm hành chính, để từng bước nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, hỗ trợ quá trình khai thác, điều hành hệ thống giao thông công cộng một cách linh hoạt, chủ động.

Tại khoản 1 Điều 13 quy định về hệ thống đường giao thông nông thôn, bao gồm tuyến đường huyện, đường xã, đường thôn. Đề nghị cần xem xét lại việc sắp xếp đường huyện là đường giao thông nông thôn, vì trên thực tế có những tuyến đường huyện đi qua nhiều khu vực thị trấn có quy mô lớn hoặc có tuyến đường huyện nối từ huyện này sang địa bàn của huyện khác. Nếu xếp đó là những đường giao thông nông thôn cùng với tên gọi đó và các chính sách huy động nguồn lực từ nhân dân địa phương để xây dựng và bảo trì hệ thống đường huyện sẽ không hợp lý. Mặt khác, tại dự thảo luật đã thiết kế 2 điều là Điều 10 và Điều 11 để phân loại đường bộ theo cấp quản lý, theo chức năng phục vụ và quy định cụ thể cấp kỹ thuật công trình đường bộ tại Điều 12. Trong đó có cấp đường cao tốc, cấp đường ô tô, cấp đường đô thị và cấp đường nông thôn, đường thôn xóm. Như thế việc phân loại đường giao thông nông thôn, đường đô thị và đường địa phương tại Điều 13 không còn ý nghĩa thiết thực và cũng không nhằm phục vụ công tác quản lý tốt hơn mà còn làm lẫn lộn, trùng lắp tên gọi không cần thiết. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thiết kế các chế định ở Điều 13 cho hợp lý".