(LĐ online) - Ngày 22/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Đây là dự án Luật được nhân dân và dư luận rất quan tâm, nhằm tiếp tục thể chế hoá đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án…
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý về Luật Toà án nhân dân (sửa đổi) |
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu:
"Tôi xin trình bày quan điểm trao đổi với một số đại biểu Quốc hội phát biểu trước như về quan điểm bảo đảm tính độc lập xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Tòa án chuyên biệt không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Việc xác định trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và Toà án chuyên biệt được khẳng định Điều 4, Điều 53, Điều 54, Điều 62 và Điều 63. Vấn đề ở đây là Tòa án nhân dân phúc thẩm sẽ có nhiệm vụ xét xử sơ thẩm một số vụ việc theo thẩm quyền. Tuy nhiên, phải có lộ trình chuyển xét xử sơ thẩm một số loại vụ việc, chuyển từ Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt cũng như những định hướng tiến tới bảo đảm xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân, tương đương Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay.
Ở Điều 153, chúng ta có một khoản chuyển tiếp, tôi cho rằng Ban dự thảo thiết kế rất hay. Ví dụ như ở khoản 1 Điều 153, từ lúc công bố cho đến khi luật có hiệu lực, quy định về phạm vi thẩm quyền theo thẩm quyền xét xử của Tòa án phúc thẩm và sơ thẩm. Khoản 2 Điều 153 khẳng định tên gọi là Tòa án sơ thẩm và Tòa án phúc thẩm, có lộ trình và thời gian.
Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV |
Khi Luật được công bố đến khi có hiệu lực đã chuyển đổi từ các loại vụ việc trước đây do Tòa án nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm, bây giờ chuyển thẳng về cho Tòa án cấp huyện, tên gọi được khẳng định ở điểm a khoản 2 Điều 153 có điều khoản kế tiếp. Tôi mong muốn cao hơn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu tiếp Tòa án khu vực là tốt nhất, 2 đến 3 huyện góp lại, vừa tăng được nguồn nhân lực, thẩm quyền. Hiện nay, một số thẩm phán xử có 1 - 2 vụ/tháng, một số thẩm phán phải xử đến hơn 30 vụ/tháng, trong khi đó nguồn nhân lực tập trung đầu tư rất dàn trải, đặc biệt ở địa bàn miền núi, miền cao. Tôi tha thiết đề nghị nên nghiên cứu một phương án là Tòa án khu vực, như thế ta vừa tập trung được nguồn lực, vừa tập trung được nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử từ cấp sơ thẩm và phúc thẩm".
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng việc nghiên cứu thành lập tòa án khu vực là tốt nhất để tập trung nguồn lực vừa tập trung nhân lực và cải thiện được vị trí xét xử và khẳng định vị trí xét xử.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin