Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

NGUYỆT THU 09:28, 24/11/2023

(LĐ online) - Ngày 23/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Quang cảnh kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đã có phát biểu tâm huyết, tập trung về các nội dung: phạm vi điều chỉnh; áp dụng Luật Các tổ chức tín dụng, các luật có liên quan và tập quán thương mại quốc tế; bảo mật thông tin; cơ chế tiếp cận thông tin; yêu cầu bảo đảm an toàn giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo; bảo vệ quyền lợi của khách hàng; các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng thương mại; áp dụng kiểm soát đặc biệt tổ chức tín dụng; xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành và một số chức danh khác của tổ chức tín dụng; tổ chức lại tổ chức tín dụng…

Tham gia góp tiếng nói tâm huyết về Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân liên quan đến các tổ chức tín dụng, đặc biệt làm sao để “xoá tín dụng đen”, đại biểu Nguyễn Tạo – Đoàn Lâm Đồng cho rằng: Qua hơn 10 năm thi hành Luật Các tổ chức tín dụng 2010, một số quy định cần xem xét sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tính thống nhất với các quy định của các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp…

Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý Luật các Tổ chức tín dụng ( sửa đổi)

Đại biểu nhấn mạnh: "Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và các đối tượng chính sách, an sinh xã hội khác, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng, tập trung ưu tiên cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo..., góp phần thực hiện các chính sách xã hội, tạo sinh kế, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân; thực hiện tốt các mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, từng bước đẩy lùi nạn “tín dụng đen”. Tôi thống nhất cao dự thảo Luật lần này đã quy định một chương riêng cho ngân hàng chính sách với 11 điều nhằm khẳng định địa vị pháp lý, bảo đảm công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình cơ cấu lại, phát triển các ngân hàng.

Tuy nhiên, để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, chặt chẽ điều kiện thuận lợi cho hoạt động và quá trình phát triển của các ngân hàng chính sách, thì cần nghiên cứu xây dựng Luật riêng về ngân hàng chính sách.

Liên quan đến vấn đề cảnh báo, xử lý kiểm soát các tổ chức tín dụng yếu kém, nhận diện các rủi ro sở hữu chéo tại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đay là vấn đề thực tiễn đặt ra hết sức phức tạp. Việc chia sẻ thông tin, dữ liệu sẽ giúp các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt hơn hoạt động cho vay, giảm tránh các trường hợp tập trung vốn vào nhóm khách hàng có nhiều rủi ro. Do vậy, không làm rõ tại dự thảo Luật về xử lý, cung cấp thông tin thì hoạt động trao đổi thông tin khách hàng của tổ chức tín dụng sẽ gặp vướng mắc và rủi ro pháp lý kinh doanh rất lớn cho hoạt động của tổ chức này kể cả đối tác, cổ đông ngân hàng; bài học xương máu từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - SCB đã cho thấy rõ.

Thực tiễn vừa qua cho thấy vấn đề sở hữu chéo và cho vay người có liên quan tại các tổ chức tín dụng diễn ra rất tinh vi (thường thông qua người quen, những người này theo quy định của pháp luật thường không phải là những người có liên quan). Vì vậy, tại Chương 14 dự thảo Luật, đề nghị xem xét quy định rõ cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng có chức năng kiểm tra, thanh tra, giám sát cụ thể gắn với vấn đề về sở hữu chéo và cho vay đối với người có liên quan để công tác thanh tra, giám sát ngân hàng đạt được hiệu quả thực chất....

Dự thảo Luật vẫn chưa đưa ra quy định để giải quyết tận gốc vấn đề, xóa bỏ nạn “tín dụng đen”, cần giải quyết cho đối tượng có nhu cầu vay nhanh những khoản vay ngắn hạn, giá trị nhỏ (chủ yếu là tín chấp), hoặc không có cơ hội để tiếp cận những gói vay đó. Hệ thống các tổ chức tín dụng hiện tại không đáp ứng được nhu cầu này của người dân vì thủ tục quá phức tạp, chi phí giao dịch cao so với giá trị khoản vay, do đó họ phải tìm tới “tín dụng đen” với rất nhiều rủi ro.

Để giải quyết bài toán này, tôi đề nghị cần ứng dụng công nghệ, phát triển ngân hàng số, cho phép xử lý giao dịch với số lượng lớn trong thời gian ngắn, giảm chi phí giao dịch. Việc xử lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu quy mô lớn cũng cho phép đánh giá đúng khả năng trả nợ của người vay, giảm thiểu rủi ro và chi phí thu nợ. Đề nghị cần mở rộng hơn nữa phạm vi đối tượng của dự thảo Luật, luật không nên chỉ dừng lại ở tổ chức tín dụng truyền thống mà còn quy định đối với các hình thức tín dụng nhỏ lẻ. Từ đó, phát triển quy mô, đưa vào khuôn khổ các hoạt động tín dụng nhỏ lẻ mà ngân hàng chưa thể đáp ứng nhanh chóng, điều này sẽ hạn chế "tín dụng đen", đáp ứng nhu cầu vay vốn nhỏ lẻ, ngắn hạn của người dân.

Đề nghị cần luật hóa xử lý các hành vi vi phạm đối với các nhân viên của các tổ chức tín dụng ngân hàng có vi phạm, về tình trạng ép người dân phải mua bảo hiểm khi có nhu cầu vay vốn ngân hàng trong thời gian qua. Từ đó, đề nghị cần có các quy định về xử phạt đối với hành vi này và các hành vi vi phạm đối với nhân viên ngân hàng trong dự thảo Luật, đảm bảo an ninh tiền tệ".