Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong công tác cán bộ là một trong những phương thức kiểm soát quyền lực quan trọng. Qua đó, việc kiểm soát quyền lực được thực hiện nhằm ngăn ngừa, loại bỏ tiêu cực trong công tác cán bộ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc với đồng bào Ba-na tại làng Wâu, xã Chư Á, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai |
Một số vấn đề lý luận về kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thông qua phương thức kiểm tra, giám sát của Đảng
Quyền lực được hiểu cơ bản là quá trình tác động, chi phối của chủ thể nắm quyền lực lên khách thể, buộc đối tượng phải phục tùng trong định đoạt mọi công việc quan trọng. Quyền lực là phạm trù có tính phổ biến, khách quan, không có lĩnh vực hay quan hệ nào nằm ngoài sự tác động của quyền lực; mỗi quyền lực chỉ có hiệu lực tác động trong quan hệ nhất định (không có quyền lực vạn năng, tuyệt đối); quyền lực là quan hệ mang tính thứ bậc, sự phân định vị thế giữa chủ thể nắm giữ quyền lực với khách thể chịu tác động của quyền lực là quan hệ phục tùng, tuân thủ(1).
Quyền lực nhà nước luôn có xu hướng tự mở rộng và tăng cường vai trò, sự ảnh hưởng; tha hóa quyền lực nhà nước là xu hướng khó tránh khỏi, nếu thiếu thiết chế, cơ chế kiểm soát hiệu lực, hiệu quả(2). Do vậy, để bảo đảm các quyền tự do cơ bản của nhân dân, ngăn ngừa hành vi tha hóa quyền lực của chủ thể nắm giữ quyền lực thì phải thiết lập hệ thống pháp luật và pháp chế nhằm giới hạn quyền lực nhà nước, kiểm soát quyền lực bằng quyền lực.
Kiểm soát quyền lực là việc chủ thể quyền lực sử dụng công cụ, phương tiện, biện pháp để tác động vào mối quan hệ giữa người áp đặt ý chí (người mang quyền lực) và người bị áp đặt ý chí (người phục tùng quyền lực) nhằm hạn chế xu hướng tha hóa quyền lực bằng cách phân công, phối hợp giữa các cơ quan của Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo và thực hiện chức năng lập pháp, hành pháp và tư pháp; là kiểm soát con người được giao quyền lực và việc thực thi quyền lực được giao. Kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thông qua công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong công tác cán bộ được hiểu là cấp ủy, tổ chức đảng, Ủy ban kiểm tra (UBKT) các cấp có thẩm quyền thông qua cơ chế kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng, đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý để xem xét, đánh giá, kết luận rõ ưu điểm, khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên trong việc chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, chủ trương, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 29, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XIII |
Thực trạng việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong công tác cán bộ thông qua phương thức kiểm tra, giám sát của Đảng ở các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên
Kết quả thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp trong thời gian qua:
Nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng (2011 - 2016), Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã tiến hành kiểm tra 243.681 tổ chức đảng; 69 cấp ủy và tổ chức đảng trực thuộc Trung ương; cấp ủy các cấp kiểm tra đối với 243.612 tổ chức đảng và 1.167.693 đảng viên. Kết quả kiểm tra cho thấy 8.485 đảng viên có khuyết điểm, vi phạm; phải thi hành kỷ luật 2.057 đảng viên; đã thi hành kỷ luật 1.818 đảng viên vi phạm. Cấp ủy các cấp đã giám sát chuyên đề đối với 129.957 tổ chức đảng và 414.636 đảng viên.
Nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng (2016 - 2021), Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cấp ủy các cấp đã kiểm tra 264.201 tổ chức đảng và 1.224.146 đảng viên, trong đó có 272.556 đồng chí là cấp ủy viên các cấp (tăng 8,42% tổ chức đảng, 4,83% đảng viên, 19% cấp ủy viên so với nhiệm kỳ Đại hội XI)(3). Cấp ủy các cấp giám sát chuyên đề 183.993 tổ chức đảng và 528.652 đảng viên, trong đó đã giám sát 154.176 đồng chí là cấp ủy viên các cấp (tăng 41,6% tổ chức, 27,5% đảng viên, 10,3% cấp ủy viên so với nhiệm kỳ XI)(4). Qua giám sát, đã phát hiện và chuyển sang kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm 316 tổ chức đảng và 652 đảng viên. Trong tổng số tổ chức đảng và đảng viên được kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật, nhiều tổ chức đảng và đảng viên là cấp ủy viên các cấp ở các đảng bộ tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Một số vụ việc điển hình tổ chức đảng, đảng viên là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở các tỉnh ủy, thành ủy khu vực miền Trung - Tây Nguyên có vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ:
Năm 2017, Ủy ban Kiểm tra Trung ương qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ, thực hiện việc nêu gương và việc thực hiện dự án đầu tư, xây dựng, quản lý trật tự đô thị, môi trường. Qua kiểm tra đã phát hiện, xem xét, kết luận người đứng đầu cấp ủy vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, thiếu gương mẫu và có biểu hiện lợi dụng chức vụ, quyền hạn để đề xuất, tác động đưa ra tập thể cho chủ trương quyết định về công tác cán bộ một số trường hợp là người thân hoặc có liên quan đến lợi ích nhóm, gây mất đoàn kết nội bộ; ngoài ra, người đứng đầu cấp ủy còn sử dụng văn bằng do cơ sở giáo dục trong nước và cơ sở giáo dục ngoài nước cấp không hợp pháp, nhưng quá trình thẩm tra, xác minh, đồng chí lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố tình quanh co, thiếu hợp tác, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, đến khi yêu cầu lập biên bản đồng chí mới cung cấp bằng trung học phổ thông, riêng bằng thạc sĩ, tiến sĩ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp không được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận. Do đó, cùng với vi phạm một số nội dung khác, cấp có thẩm quyền đã quyết định thi hành kỷ luật cách tất cả chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng khóa XII.
Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong công tác cán bộ. Qua kiểm tra, kết luận đồng chí nguyên bí thư cấp ủy cấp tỉnh có khuyết điểm, vi phạm như sau: Trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy, đồng chí có biểu hiện ưu ái, vun vén cho gia đình trong việc quy hoạch, luân chuyển, điều động và quyết định bổ nhiệm con trai giữ các chức vụ quan trọng (Trưởng phòng của Ban Quản lý Khu kinh tế, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Phó Giám đốc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư) không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục; để Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định con trai đi học sau đại học tại nước ngoài bằng ngân sách nhà nước không đúng quy định... Để xảy ra vi phạm, khuyết điểm nêu trên cho thấy Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã buông lỏng công tác lãnh đạo, kiểm tra, giám sát đối với Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh; chấp hành không nghiêm Quy chế làm việc, để Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh và một số đồng chí lãnh đạo tỉnh có vi phạm, khuyết điểm. Với các vi phạm rất nghiêm trọng nêu trên, Ban Bí thư quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy.
Năm 2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm trong việc xây dựng, ban hành và thực hiện quy chế làm việc, công tác cán bộ và thực hiện một số dự án đầu tư. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Huyện ủy đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ, trong quản lý, sử dụng đất đai và trong thực hiện một số dự án, công trình trên địa bàn huyện, gây thiệt hại ngân sách nhà nước(5). Cuộc kiểm tra đã để lại một số bài học kinh nghiệm trong việc giao quyền lực, kiểm soát việc sử dụng quyền lực của một số cán bộ chủ chốt huyện... Từ những vi phạm nêu trên, xét nhiều yếu tố về nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là huyện biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số,... Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với 3 cán bộ chủ chốt của huyện; trong đó, đề nghị điều chuyển công tác khác đồng chí Bí thư Huyện ủy và cho thôi giữ chức đối với đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy; giao Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỷ luật Cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Huyện ủy.
Năm 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương giải quyết tố cáo đối với 2 cán bộ chủ chốt là người đứng đầu cấp ủy và chính quyền. Qua giải quyết tố cáo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài chính ngân sách, dự án đầu tư và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác (kể cả trong thời gian giữ chức Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh) đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng về công tác cán bộ trong việc cho chủ trương, quyết định điều động, luân chuyển, bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử; cử cán bộ, công chức, sinh viên tốt nghiệp đại học của tỉnh đi công tác, học tập ở nước ngoài không đúng tiêu chuẩn, gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước; trong đó, việc cho chủ trương quyết định bổ nhiệm đối với một số trường hợp cán bộ làm thư ký của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, sau đó là Bí thư Tỉnh ủy không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn, không đúng quy trình, thủ tục(6), không có ý kiến bằng văn bản của tổ chức, cơ quan có liên quan, dẫn đến bức xúc dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những vi phạm nêu trên và một số vi phạm khác đã ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương và cá nhân đồng chí; quá trình kiểm điểm đồng chí đã nghiêm túc, nhận thức rõ trách nhiệm và tự nhận hình thức kỷ luật, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo và cho thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy đối với đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.
Qua thực tế, có thể khẳng định công tác kiểm tra, giám sát của UBKT các cấp, nhất là Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã vào cuộc kịp thời; kiểm tra, xem xét, kết luận rõ được vi phạm của tổ chức đảng, nhất là cán bộ chủ chốt cấp ủy, chính quyền các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị; đồng thời, xử lý và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, kết luận, quyết định xử lý kỷ luật nghiêm minh tổ chức, cá nhân vi phạm, qua đó tạo niềm tin trong nội bộ cán bộ, đảng viên và nhân dân, góp phần giáo dục, cảnh tỉnh, răn đe đối với tổ chức đảng, đảng viên có biểu hiện “lộng quyền”, lợi dụng, lạm dụng quyền lực được giao để vi phạm, trục lợi trong quá trình công tác, nhất là trong công tác tổ chức cán bộ. Song, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có lúc, có việc còn chưa kịp thời; nhiều vụ, việc bức xúc, nổi cộm kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng; một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, giữ nhiệm vụ, trọng trách được Đảng, Nhà nước giao, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, dẫn đến khuyết điểm, sai lầm, vi phạm không thể khắc phục, sửa chữa, hệ lụy kéo dài. Do đó, cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp cần tăng cường quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật đảng theo quy định của Đảng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền về công tác cán bộ, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi chạy chức, chạy quyền và hành vi tiêu cực khác trong công tác cán bộ.
Một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Thứ nhất, nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm và quyết tâm chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong toàn Đảng, trước hết là trong cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy và chính quyền tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể chính trị - xã hội về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến về công tác kiểm tra, giám sát; chủ động cung cấp thông tin sau mỗi kỳ họp UBKT, nhất là kết quả kiểm tra, xử lý các vụ việc trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết, giám sát; chú trọng phổ biến kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả về công tác kiểm tra, giám sát. Thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa UBKT với đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn liên quan; phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát của Đảng với công tác thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, nhất là trong việc cung cấp, trao đổi thông tin, tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện quy định, quy trình về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.
Hoàn thiện quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra của Nhà nước đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống sự tha hóa về quyền lực. Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản, quy định, hướng dẫn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng, bảo đảm khoa học, đồng bộ, thống nhất, khả thi, trong đó chú trọng đổi mới, cải tiến các phương pháp, quy trình kiểm tra, giám sát để chủ động phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ gốc vi phạm, khuyết điểm của tổ chức đảng và đảng viên. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước theo hướng tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng(7). Tiếp tục quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bổ sung phát triển quan điểm, nguyên tắc, phương pháp về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, nhất là giải quyết những vấn đề còn bất cập, vướng mắc trong công tác kiểm tra, giám sát.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả và tạo đột phá về công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, UBKT các cấp, nhất là trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần kiểm soát quyền lực của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, chống hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, hành vi chạy chức, chạy quyền và các hành vi tiêu cực khác trong công tác cán bộ.
Cấp ủy, tổ chức đảng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, giám sát việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, sự tha hóa quyền lực; nâng cao tinh thần tự phê bình, phê bình và tính chiến đấu của Đảng. Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu, phải tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng theo chức năng, nhiệm vụ và tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng cấp dưới thực hiện công tác kiểm tra, giám sát(8). UBKT các cấp tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và nhiệm vụ cấp ủy giao, trọng tâm là kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm với tinh thần chủ động, nỗ lực quyết tâm cao hơn, hành động quyết liệt hơn, tập trung vào điểm “đột phá”, điểm “nóng”, địa bàn, lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm, những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Tập trung xem xét, giải quyết kịp thời đơn, thư khiếu nại, tố cáo tổ chức đảng và đảng viên, trước mắt là tố cáo liên quan đến công tác nhân sự Đại hội Đảng và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy tăng cường phối hợp với UBKT cùng cấp tham mưu giúp cấp ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thuộc lĩnh vực được phân công phụ trách.
Thứ tư, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy UBKT; xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.
Cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thực sự gương mẫu trong thực thi nhiệm vụ, công vụ, quyền hạn của mình. Cấp ủy, UBKT thường xuyên quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn UBKT và cơ quan UBKT các cấp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, hình thức, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó chú trọng trang bị phương pháp, kỹ năng nghiệp vụ và thường xuyên cập nhập kiến thức mới cho cán bộ kiểm tra. Đổi mới công tác nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn và tăng cường cơ sở vật chất, điều kiện cho thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, góp phần đạt chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong việc kiểm soát quyền lực; tăng thẩm quyền cho UBKT các cấp.
(1) Viện Ngôn ngữ học: Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, 1996, tr. 1050
(2) Trần Thành: “Tha hóa quyền lực và kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay”, Tạp chí Lý luận chính trị điện tử, ngày 10-7-2017, http://lyluanchinhtri.vn/home/index.php/bai-noi-bat/item/2082-tha-hoa-quyen-luc-va-kiem-soat-quyen-luc-nha-nuoc-o-nuoc-%20ta-hien-nay.html
(3) Đỗ Hùng Cường: “Công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng”, Trang Thông tin Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 11-2-2022, https://ubkttw.vn/danh-muc/nghien-cuu-trao-doi/cong-tac-kiem-tra-giam-sat-theo-tinh-than-dai-hoi-xiii-cua-d.html
(4) Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ Đại hội XII ngày 27-11-2020
(5) Cụ thể: 1- Đồng chí Bí thư Huyện ủy và một số cán bộ chủ chốt khác của huyện có xung đột về lợi ích trong công tác điều động, sắp xếp, bố trí cán bộ, dẫn đến có biểu hiện thiếu thống nhất giữa đồng chí Bí thư Huyện ủy và một số cán bộ chủ chốt là người đồng bào dân tộc thiểu số; 2- Có biểu hiện nể nang, bao che trong tuyển dụng cán bộ, cụ thể: tuyển dụng con của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy không đúng vị trí việc làm, không có chỉ tiêu biên chế; điều động, hiệp thương giới thiệu con đồng chí nguyên Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy là cán bộ hợp đồng lao động giữ chức Bí thư Đoàn xã (chức danh chủ chốt xã) không đúng quy định; 3- Quy hoạch, bổ nhiệm con đồng chí nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện giữ chức Trưởng đài Truyền thanh - Truyền hình huyện không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn,... 4- Trưởng phòng Nội vụ huyện không đủ điều kiện giới thiệu cấp ủy, nhưng không điều chuyển, thay thế; đồng chí Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy là cán bộ tỉnh luân chuyển có dấu hiệu nể nang, ngại va chạm, sợ trách nhiệm,... Đặc biệt, đồng chí Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo Trưởng Công an huyện thực hiện việc theo dõi quá trình hoạt động của đoàn kiểm tra tại huyện. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng theo quy định về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
(6) Tại thời điểm kiểm tra không có quy định về chức danh thư ký Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Bí thư tỉnh ủy
(7), (8) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 152, 154
(Theo tapchicongsan.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin