(LĐ online) - Nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh chung của cả nước có nhiều thời cơ, thuận lợi đan xen những khó khăn, thách thức, song, với sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Lâm Đồng đã triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, tạo tiền đề để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cùng lãnh đạo sở, ngành thăm mô hình sản xuất của hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn |
Trong nửa đầu nhiệm kỳ, trong bối cảnh kinh tế, chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp; tình hình thiên tai và đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế và đời sống nhân dân. Trước tình hình đó, đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Lâm Đồng với tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
• NHỮNG GAM MÀU SÁNG
Trong bức tranh chung của cả nước nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Lâm Đồng được đánh giá là một trong những địa phương thể hiện được nỗ lực và khát vọng vươn lên mạnh mẽ, sớm vươn tới mục tiêu đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025; là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước.
Trung tâm TP Đà Lạt hôm nay |
Một số kết quả nổi bật có thể kể đến, như kinh tế giai đoạn 2021-2023 tiếp tục phát triển, quy mô và chất lượng nền kinh tế được nâng lên, một số chỉ tiêu đạt và tiệm cận kế hoạch; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7,36%; GRDP bình quân đầu người hơn 85,6 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 15,4%/năm. Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế tiếp tục phát huy hiệu quả, cơ cấu kinh tế dịch chuyển đúng hướng; các khâu đột phá, dự án, công trình trọng điểm được lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ; an sinh xã hội, đời sống của Nhân dân được chăm lo, cải thiện; quốc phòng - an ninh, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.
Chúng tôi đến địa phương được liệt kê vào danh sách huyện nghèo nhất tỉnh Lâm Đồng, chứng kiến sự đổi thay vượt bậc của huyện Đam Rông. Khi thành lập huyện vào năm 2004, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm đến ba phần tư, cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống nhân dân nghèo nàn, lạc hậu... Khi đó, Đam Rông nằm trong danh sách 62 huyện nghèo nhất nước, được hưởng Chương trình 30a của Chính phủ.
Nửa nhiệm kỳ qua, địa bàn vùng sâu, vùng xa với hơn 65% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số này đã chuyển mình mạnh mẽ, tốc độ phát triển giá trị sản xuất hơn 10%, Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 19,3% và phấn đấu đến năm 2025 giảm còn 3%. Hiện, có 4/8 xã đạt nông thôn mới, 3 xã đã đạt 18 tiêu chí.
“Giờ chúng tôi không nói chuyện nghèo, không nhắc chuyện khó nữa. Huyện đã thoát “30a”, phải nỗ lực vươn lên để hiện thực hóa mục tiêu trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai khảng khái.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thăm một số mô hình sản xuất tiêu biểu tại địa phương |
Đồng chí Trần Đức Quận - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, kết quả chung của tỉnh là sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm phấn đấu của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Điểm sáng trong nửa nhiệm kỳ qua là kết cấu hạ tầng, hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh không ngừng được nâng cấp, mở rộng. Dự án mở rộng, nâng cấp đèo Prenn sẽ hoàn thành cuối năm 2023. Dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, tỉnh đang thực hiện các phần việc với quyết tâm cao nhất để khởi công hai dự án cao tốc này đúng thời gian dự kiến; qua đó, tạo động lực phát triển đột phá kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên.
Chương trình xây dựng nông thôn mới phát huy hiệu quả, kết cấu hạ tầng nông thôn ngày càng hoàn thiện; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng lên. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng có 109/111 xã và 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, có 40 xã nông thôn mới nâng cao, 14 xã kiểu mẫu; TP Đà Lạt và Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Nông nghiệp công nghệ cao, thông minh và hữu cơ có bước phát triển mạnh. Toàn tỉnh có 11 vùng sản xuất nông nghiệp với 66.000 ha đạt tiêu chí ứng dụng công nghệ cao; hơn 2.130 ha ứng dụng công nghệ thông minh, hữu cơ. Giá trị sản xuất bình quân đạt 245 triệu đồng/ha. Hạ tầng du lịch được đầu tư về chất và lượng, đáp ứng nhu cầu du khách. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ hơn 202,6 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 11,6%/năm.
Lâm Đồng đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng thông minh |
Giai đoạn 2021-2023, có 46 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với số vốn hơn 21,2 nghìn tỷ đồng; gần 4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, vốn điều lệ hơn 46,7 nghìn tỷ đồng. Có 5 dự án trọng điểm đang triển khai đầu tư xây dựng, 11 dự án đang tiếp tục hoàn thiện thủ tục. Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” được triển khai, tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo… Đây là kết quả của tập thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng.
• ĐỘT PHÁ ĐỂ PHÁT TRIỂN NHANH VÀ BỀN VỮNG
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận khẳng định, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, Lâm Đồng luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết, thống nhất của địa phương; tổ chức thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; thích ứng linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề cấp bách, những nút thắt, điểm nghẽn trong quá trình phát triển; tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư; phát huy tinh thần tự lực, tự cường; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng tốt các cơ hội, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân trong phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Với huyện có gần 70% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số như Lạc Dương, phát triển kinh tế - xã hội nửa nhiệm kỳ qua được đánh giá là gam màu sáng, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt kế hoạch hàng năm và bảo đảm tiến độ bình quân kế hoạch 5 năm. Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Sử Thanh Hoài cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục bám sát mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh và huyện để tiếp tục tổ chức thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, toàn bộ các chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch”.
Du khách tham quan mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại Trang trại Phong Thúy, huyện Đức Trọng |
Với tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các nghị quyết chuyên đề đã ban hành về các nhiệm vụ đột phá, trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, ưu tiên tái cơ cấu nông nghiệp, hướng đến ngành nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế; phát triển du lịch chất lượng cao, công nghiệp có chọn lọc; phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc…
Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện đạt hiệu quả 4 khâu đột phá và 17 công trình trọng điểm như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đề ra. Trong đó, chú trọng phát triển những lĩnh vực tiềm năng lớn, như nông nghiệp, du lịch, dịch vụ, logistic, công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ, tập trung xây dựng một số sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Lâm Đồng tiếp tục phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; đẩy mạnh du lịch theo hướng hiện đại, có nhiều sản phẩm chất lượng cao gắn với đặc sản riêng có và bản sắc văn hóa các dân tộc Nam Tây Nguyên; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, thương mại điện tử; chủ động, tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phát triển các mặt hàng có lợi thế, giá trị cao. Chú trọng hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu hút nhà đầu tư đủ năng lực, có sức lan tỏa.
Thường trực Tỉnh ủy Lâm Đồng luôn chú trọng việc đổi mới tư duy về liên kết vùng, nội vùng, tạo động lực, sức mạnh tổng hợp để hỗ trợ nhau phát triển và giải quyết các vấn đề mang tính quốc gia, toàn cầu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số phù hợp với xu thế phát triển; làm tốt các chính sách an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, triển khai thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia; quyết tâm cao, nỗ lực lớn để đưa Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị vào cuộc sống; coi trọng công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, bảo đảm đoàn kết thống nhất trong nội bộ.
Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cho biết, với mục tiêu xây dựng Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2025; là động lực, cực tăng trưởng của Tây Nguyên và cả nước, tỉnh Lâm Đồng nhất quán thực hiện quan điểm đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hài hòa và bền vững; phát huy vai trò, sức mạnh tập thể, đề cao trách nhiệm, trí tuệ cá nhân; lấy con người làm trung tâm, khoa học và công nghệ là nền tảng, động lực, khơi dậy khát vọng, ý chí, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế so sánh vùng đất, giá trị văn hóa, con người Lâm Đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin