Dưới sự chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương, Bộ Công an và Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, từ năm 2022 đến nay, việc phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã được triển khai thực hiện nền nếp, nghiêm túc. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) trong việc thực hiện công tác dân vận được nâng lên và có sự chuyển biến tích cực.
Các đợt công tác dân vận tập trung thường xuyên được Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh tổ chức. Ảnh: Duy Danh |
Đồng chí Phạm Thị Phúc - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Sau khi Ban Dân vận Trung ương phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam và Bộ Công an ban hành Chương trình Phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2022-2026, Ban Dân vận Tỉnh ủy Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh ký kết, ban hành Chương trình Phối hợp thực hiện công tác dân vận giai đoạn 2022-2026. Ngay sau đó, các bên đã tập trung chỉ đạo, quán triệt, hướng dẫn Ban Dân vận các huyện ủy, thành ủy phối hợp với công an, quân sự các huyện, thành phố ký kết chương trình phối hợp giai đoạn của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, quán triệt, triển khai thực hiện chương trình trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân sự từ tỉnh đến cơ sở.
Trên cơ sở chương trình phối hợp giai đoạn, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với hai ngành ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác dân vận hàng năm. Đồng thời, chỉ đạo ban hành chương trình phối hợp công tác dân vận giữa LLVT và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nhân đạo tỉnh. Từ đó thực hiện các đợt công tác dân vận tập trung đạt nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, chương trình phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh gồm các nội dung trọng tâm như: Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân và cán bộ, chiến sĩ thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phối hợp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh; tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; công tác phòng, chống tham nhũng, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; phối hợp thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động; công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ,...
Cụ thể, Ban Dân vận Tỉnh ủy thường xuyên phối hợp với công an, Bộ Chỉ huy Quân sự, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh tuyên truyền, quán triệt, vận động cán bộ, chiến sĩ và quần chúng Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo; vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Thông qua các hình thức tuyên truyền, vận động thiết thực, hiệu quả như tổ chức các đợt công tác dân vận tập trung kết hợp tuyên truyền, vận động gắn với công tác xã hội từ thiện; các cuộc họp dân; sinh hoạt của các tổ chức chính trị - xã hội; các hình thức trực quan, sinh động (pano, áp phích, tờ rơi, hội thi, hội diễn sân khấu hóa). Trong đó, đặc biệt tranh thủ phát huy vai trò của lực lượng cốt cán tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Công tác phối hợp trong tổng hợp, trao đổi thông tin về công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cùng các ngành liên quan được thực hiện thường xuyên, kịp thời đảm bảo theo yêu cầu. Các ngành thường xuyên đổi mới công tác nắm tình hình Nhân dân, nhất là tình hình dân tộc, tôn giáo, tình hình phức tạp tại một số địa phương. Từ đó, phối hợp chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm, dự báo tình hình liên quan, đồng thời tuyên truyền, vận động Nhân dân ủng hộ, đồng thuận với chủ trương của tỉnh về thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh.
Đặc biệt, các ngành, các cấp đã chủ động, phối hợp đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động gắn với nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả, toàn tỉnh đã duy trì và nhân rộng được 1.850 mô hình, điển hình. Nhiều mô hình hiệu quả được phát huy như Mô hình “Camera an ninh” tại TP Đà Lạt và Bảo Lộc; “Đổi gạo lấy vũ khí” tại huyện Đức Trọng, “Giáo xứ an toàn, sáng, xanh, sạch, đẹp” tại huyện Bảo Lâm, xây dựng Mô hình “Dân vận khéo đẩy mạnh cải cách hành chính vì Nhân dân phục vụ” của Công an huyện Lâm Hà, “Tổ an toàn” tại huyện Đạ Tẻh,...
Theo đánh giá của Ban Dân vận Tỉnh ủy, thông qua Chương trình Phối hợp thực hiện công tác dân vận giữa Ban Dân vận Tỉnh ủy, Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, công tác phối hợp tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng và Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo đã đạt nhiều kết quả tích cực. Hệ thống dân vận, lực lượng công an, quân đội các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc nắm tình hình Nhân dân, tình hình dân tộc, tôn giáo; tham mưu cho cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vụ việc, không để xảy ra “điểm nóng”.
Bên cạnh đó, Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực công tác được chủ động triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, đổi mới đã thu hút sự tham gia tích cực của cán bộ, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân. Từ đó góp phần củng cố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân ngày càng vững chắc, giữ vững an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội, góp phần phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin