Triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024

NGUYỆT THU 12:12, 17/11/2023

(LĐ online) - Sáng 17/11,  Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Phòng họp Diên Hồng (Nhà Quốc hội) với sự có mặt của 160 đại biểu và kết nối trực tuyến với 62 điểm cầu Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với gần 1.500 đại biểu tham dự.

Toàn cảnh Hội nghị triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 tại toà nhà Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự và chủ trì tại điểm cầu Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh Lâm Đồng có ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Ủy viên Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH – HĐND tỉnh, cùng dự có đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, các Ban HĐND, các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá khái quát tình hình triển khai chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023; triển khai các nội dung thuộc chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; 

Thượng tướng Trần Quang Phương – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu điều hành Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nêu rõ, giám sát tối cao đối với hoạt động của nhà nước là một trong 3 chức năng quan trọng của Quốc hội. Bắt đầu từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, hàng năm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều tổ chức Hội nghị triển khai chương trình giám sát của năm tiếp theo. Đây là một bước đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, được ĐBQH, Nhân dân và cử tri đánh giá cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội khẳng định các hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và ĐBQH được thực hiện có hiệu quả với nhiều đổi mới mạnh mẽ về tư duy và phương thức thực hiện, được triển khai toàn diện, đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả, phản ứng linh hoạt, nhạy bén trước những vấn đề thời sự quan trọng của đất nước; tăng tính dân chủ, pháp quyền, công khai, minh bạch trong hoạt động giám sát, tạo hiệu ứng lan tỏa về tinh thần hành động tích cực, góp phần tạo chuyển biến toàn diện cả về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và vấn đề được giám sát.

Tại Hội nghị, các đại biểu tham dự trực tiếp và trực tuyến đã thảo luận, tham gia ý kiến về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội năm 2023, các giải pháp triển khai có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024; trong đó, tập trung vào việc triển khai các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bảo đảm thống nhất, hiệu quả, hạn chế làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức và các địa phương.

Các đại biểu tham gia thảo luận có trách nhiệm, tâm huyết, xây dựng, đóng góp nhiều ý kiến sát thực góp phần vào thành công của Hội nghị và tạo tiền đề quan trọng cho thành công của chương trình giám sát năm 2024.

Nhiều đại biểu đã nêu lên những kinh nghiệm và sự đổi mới trong hoạt động giám sát; kiến nghị trong ban hành nghị quyết giám sát, nhất là cần đi đến cùng để giải quyết các vụ việc, vấn đề nóng, bức xúc mà cử tri quan tâm; có đại biểu nêu lên những tồn tại, bất cập trong hoạt động giám sát; kiến nghị xử lý trách nhiệm liên quan sau giám sát; có đại biểu nêu lên những giải pháp và phương hướng hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2024, cần làm rõ thêm những nhận định, đặc điểm lớn chi phối hoạt động giám sát của Quốc hội; yêu cầu cần tập trung nội dung trọng tâm của hoạt động giám sát; có đại biểu góp ý nội dung về sửa luật giám sát của Quốc hội và HĐND cần kỹ lưỡng, cụ thể hơn.

Quang cảnh tại điểm cầu Lâm Đồng

Tham gia thảo luận về hoạt động giám sát của Quốc hội, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng đã gửi nội dung góp ý về Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, trong đó bày tỏ: Trước hết, Đoàn ĐBQH Tỉnh Lâm Đồng bày tỏ sự thống nhất cao đối với những đánh giá tình hình thực hiện Chương trình giám sát năm 2023 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thống nhất cao với các nội dung triển khai chương trình giám sát năm 2024.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, công tác giám sát theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tổ chức một cách chủ động, nghiêm túc. Phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch, đúng tiến độ giám sát và chất lượng báo cáo kết quả giám sát theo quy định. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBBQH tỉnh Lâm Đồng cũng chủ động tổ chức 2 giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý hành lang an toàn đường bộ và việc thực hiện chính sách, pháp luật về hoạt động luật sư, công chứng, thừa phát lại, đấu giá tài sản trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng trân trọng đề xuất các giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024 như: Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu hoạt dộng giám sát nhằm nâng cao chất lượng công tác phối hợp phục vụ hoạt động giám sát. Kiến nghị nên mời các Đoàn đại biểu các tỉnh có liên quan cùng tham gia giám sát để tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Tăng cường hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH, ĐBQH bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức. Phối hợp với các Đoàn giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, với Thường trực, các Ban của HĐND nhằm tránh sự chồng chéo.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu trực tuyến Đoàn ĐBQH Lâm Đồng

Về hoạt động sau giám sát, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh kiến nghị: Cần nâng cao chất lượng các kiến nghị và chế tài thực hiện các kiến nghị sau hoạt động giám sát. Kiến nghị phải bảo đảm tính đúng đắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn, bảo đảm tính khả thi, nội dung cụ thể rõ ràng, hướng tới việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật và có cơ chế bảo đảm các kiến nghị được thực hiện trên thực tế. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND nhằm đổi mới cơ chế để tăng cường vai trò của ĐBQH, Đoàn ĐBQH đối với việc giám sát lại trong trường hợp cần thiết.

Liên quan đến tổ chức bộ máy tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Lâm Đồng có nhiệm vụ tham mưu, phục vụ tất cả các hoạt động của Đoàn ĐBQHvà HĐND tỉnh, trong đó có hoạt động giám sát. Do đó, đòi hỏi tất cả công chức của Văn phòng phải có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn tốt thì mới đáp ứng được nhiệm vụ được giao. Mặt khác, khối lượng công việc ngày càng nhiều, do vậy, đề nghị cơ quan có thẩm quyền quan tâm thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn để chất lượng tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát của Văn phòng ngày càng được nâng cao. Đảm bảo kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại giúp cho hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội mang lại hiệu quả cao. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cần có hướng dẫn Đoàn ĐBQH và Ủy ban MTTQ Việt Nam các địa phương trong việc phối hợp tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận, đánh giá cao kết quả hội nghị đạt được, khẳng định hội nghị trực tuyến đã đạt yêu cầu đề ra. Ủy Ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, ghi nhận các ý kiến góp ý trách nhiệm của các ĐBQH, các cơ quan Trung ương, các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố… Các bản góp ý trực tiếp và gửi văn bản về sẽ được Quốc hội tổng hợp, ghi nhận, điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn chỉnh báo cáo, hoàn chỉnh Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, khắc phục hạn chế, khuyết điểm nhằm làm tốt hơn nữa công tác giám sát của Quốc hội. Thời gian tới, Quốc hội sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, hướng đến cùng Chính phủ giải quyết những vướng mắc, khó khăn… đặc biệt, cần chú trọng hoạt động sau giám sát.