(LĐ online) - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, quân và dân miền Bắc đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn của cả nước, đồng thời đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, đỉnh cao là đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không chủ yếu bằng máy bay B-52 cuối tháng 12/1972, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, góp phần tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã để lại những bài học kinh nghiệm sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.
1. Những bài học kinh nghiệm rút ra từ chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”
Trong 12 ngày đêm cuối năm 1972, không lực Mỹ đã huy động gần một nửa số máy bay chiến lược B-52 (193/400 chiếc), “xuất kích 4.547 lần chiếc máy bay, gồm 663 lần chiếc B-52, 1.459 lần chiếc máy bay không quân chiến thuật, 2.415 lần chiếc máy bay hải quân…” [1], cùng nhiều lực lượng, phương tiện, vũ khí khác. Kiên cường chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan cuộc tập kích chiến lược của không quân Mỹ. Tổng số 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B-52, 5 chiếc F-111, 21 chiếc F-4... đã tan xác trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng... Lần đầu tiên trong chiến tranh, quân và dân ta đã tổ chức thực hiện thành công một chiến dịch phòng không quy mô lớn, bắn rơi tại chỗ số lượng máy bay B-52 nhiều nhất, tạo sự bất ngờ lớn và nỗi kinh hoàng cho phía Mỹ. Chiến thắng này đã buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris (27/01/1973) về “Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, mở ra bước ngoặt mới cho toàn bộ sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Hơn nửa thế kỷ trôi qua, “độ lùi” của thời gian càng làm cho chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về sự kiện đóng vai trò bước ngoặt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; chiến thắng đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX - thế kỷ của những chiến công hào hùng giữ nước, xây dựng và bảo vệ nền độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng đó đã để lại cho chúng ta những bài học kinh nghiệm vô cùng sâu sắc:
Một là, kiên định đường lối lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã góp phần minh chứng đường lối chính trị, học thuyết quân sự đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, với tài thao lược của Quân ủy Trung ương - Bộ thống soái tối cao của đất nước, được thể hiện qua năng lực phân tích, đánh giá đúng tình hình địch, tình hình ta, hạ quyết tâm chiến lược chính xác, kịp thời; là quan điểm khoa học, toàn diện và thực tiễn, không chỉ đánh giá lực lượng quân sự mà đánh giá toàn diện trên các mặt quân sự, chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa trong nước và thế giới; đánh giá đúng quan hệ giữa thời cơ và điều kiện, giữa thế và lực. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa cách mạng và khoa học, giữa dám đánh và biết đánh, giữa ý chí kiên định, bản lĩnh vững vàng với năng lực chỉ huy, lãnh đạo tài giỏi của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Điều đó khẳng định, sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, tài thao lược của Quân ủy Trung ương là nhân tố quyết định, làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng các nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo của Đảng và vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nguyên tắc đó trong điều kiện chiến tranh. Trong suốt 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972 chiến đấu với cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ, Đảng ta, trực tiếp là Quân ủy Trung ương thực sự là một khối thống nhất vững chắc, đã đưa ra những mệnh lệnh chính xác, kịp thời, đúng thời cơ, thực sự là nhân tố quyết định đưa chiến dịch phòng không tháng 12/1972 chống lại cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ đi tới thắng lợi hoàn toàn.
Hai là, thường xuyên củng cố, phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, tăng cường sức mạnh, ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta
Quân ủy Trung ương thường xuyên tập trung chỉ đạo sát sao các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, nhằm làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ trong quân đội cũng như toàn thể nhân dân miền Bắc, nhân dân Thủ đô Hà Nội nhận thức đúng đắn âm mưu, thủ đoạn của địch; tính chất gay go, ác liệt của cuộc đối đầu lịch sử; nêu cao tinh thần yêu nước, khắc sâu lòng căm thù tội ác của đế quốc Mỹ đối với nhân dân ta, từ đó củng cố quyết tâm chiến đấu, khắc phục mọi biểu hiện hữu khuynh, dao động, thiếu niềm tin vào chiến thắng. Bom đạn Mỹ có thể tàn phá trận địa, công trình, cơ sở vật chất, kỹ thuật chứ không thể khuất phục được ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Trong điều kiện hạn chế về vũ khí, trang bị kỹ thật, quân dân cả nước, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã vượt qua gian khổ, tìm tòi, sáng tạo, vượt qua mọi thử thách quyết liệt, đoàn kết, chi viện lẫn nhau quyết tâm đánh thắng siêu pháo đài bay B-52 của Mỹ... Đó là sức mạnh, ý chí chiến đấu, tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng của quân và dân ta trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm.
Có nhiều yếu tố tạo nên sức mạnh của quân và dân ta trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm. Để chiến thắng cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của đế quốc Mỹ, nhân tố chính trị - tinh thần là yếu tố hết sức quan trọng. Để đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Thủ đô Hà Nội đã cùng với quân dân cả nước không chỉ tích cực chuẩn bị về vũ khí, trang bị, vật chất, mà còn mài sắc ý chí chiến đấu về chính trị - tinh thần. Nhân tố chính trị - tinh thần đó được bắt nguồn từ đường lối đúng đắn của Đảng, từ tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, lòng yêu Tổ quốc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, từ truyền thống của dân tộc và ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân và dân ta. Nhân tố đó được thể hiện trong lời dạy của Hồ Chủ tịch ngay từ khi đế quốc Mỹ sử dụng B-52 trên chiến trường Việt Nam: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng, nhiều tiền. Dù chúng có B-57, B-52, hay “bê” gì đi chăng nữa ta cũng đánh. Từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đã đánh là nhất định thắng” [2].
Ba là, tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng thế trận và sử dụng lực lượng
Một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến thành công của chiến dịch 12 ngày đêm, đó là, quân và dân ta đã xây dựng được một thế trận phòng không hết sức sáng tạo và độc đáo, trở thành yêu tố cấu thành nghệ thuật tác chiến phòng không. Đó là thế trận cài xen kẽ trong chiến đấu phòng không, là thế trận hết sức hiểm hóc của nghệ thuật chiến tranh nhân dân Việt Nam. Hình thành ba cụm phòng không chiến dịch: cụm phòng không Hà Nội, cụm phòng không Hải Phòng, cụm phòng không Đường 1 Bắc, Thái Nguyên. Trong quá trình chiến dịch, ta đã chủ động chuyển hóa thế trận, điều chuyển vị trí chiến đấu một số đơn vị tên lửa phòng không, thay đổi sân bay cất cánh cho không quân ta đánh từ xa, đã gây bất ngờ lớn cho địch, tạo nên yếu tố trực tiếp và quyết định thắng lợi của chiến dịch.
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” cũng chính là chiến thắng của nghệ thuật sử dụng lực lượng, bày binh, bố trận, cơ động tác chiến, theo một ý định cách đánh sáng tạo của quân và dân ta. Phát huy cao độ tiềm năng chiến đấu của lực lượng phòng không ba thứ quân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng, vừa tập trung hiệp đồng tiêu diệt lớn, vừa đồng thời đánh liên tục, tại chỗ, rộng khắp trên các địa bàn. Trong toàn chiến dịch, chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh “toàn dân tham gia bắn máy bay Mỹ”, “toàn dân tham gia bắt giặc lái” và đã tạo nên một lưới lửa phòng không dày đặc, nhiều tầng, nhiều nấc, hoạt động nhịp nhàng, đánh địch liên tục từ xa đến gần, đánh địch ở mọi tầng cao, đánh địch từ nhiều phía, đánh trực diện, đánh từ sau, từ bên sườn, gây cho địch lúng túng không thể tránh được lưới lửa phòng không của ta, đảm bảo chiến đấu thắng lợi trong suốt toàn bộ chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972.
Bốn là, chú trọng phát huy sức mạnh tổng hợp
Trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12/1972, chúng ta đã rất thành công trong việc phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân, thế trận phòng không nhân dân, tạo nên hệ thống hỏa lực phòng không rộng khắp, tạo thành sức mạnh tổng hợp để đánh thắng kẻ thù. Đó là sức mạnh của việc chủ động, tích cực đánh địch, tiêu diệt lực lượng tiến công chiến lược B-52 của Bộ đội Phòng không - Không quân nhân dân Việt Nam. Trong thế trận đó, phải kể đến vai trò của: Bộ đội Rađa; Bộ đội Không quân tiêm kích; Bộ đội Tên lửa Phòng không; Bộ đội Pháo cao xạ. Ta đã tập trung một lực lượng phòng không chủ lực mạnh nhất cho chiến dịch, bao gồm ba sư đoàn phòng không, bốn trung đoàn không quân, cùng với các đơn vị phòng không của các quân khu Việt Bắc, Hữu Ngạn, Tả Ngạn. Ngoài ra còn có hàng trăm đội phòng không của dân quân, tự vệ. Toàn bộ lực lượng này được bố trí thành thế trận chiến dịch phòng không vững chắc, hiểm hóc trên các địa bàn trọng yếu trong lòng Thủ đô và các vùng lân cận của thành phố Hà Nội, Hải Phòng.
Ngoài lực lượng phòng không chủ lực của Quân đội, quân dân Thủ đô Hà Nội luôn là lực lượng sát cánh trong chiến dịch phòng không 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972. Lực lượng phòng không Thủ đô là lực lượng tại chỗ, rộng khắp, đánh máy bay địch bay thấp hoạt động tốp nhỏ, chiếc lẻ, trực tiếp bảo vệ các mục tiêu quan trọng của địa phương. Ngoài ra, còn có 1.122 tổ đội dân quân, tự vệ phối hợp đánh trả máy bay địch. Mặt khác, quân dân Thủ đô Hà Nội đã tổ chức cho gần 55 vạn nhân dân nội thành sơ tán ra khỏi các trọng điểm đánh phá; chỉ đạo củng cố và xây dựng hàng ngàn hầm hố trú ẩn; tổ chức tốt hệ thống thông tin - thông báo, quan sát báo động; triển khai các phương án khắc phục hậu quả... Do đó, đã hạn chế được thiệt hại về người và của trong suốt chiến dịch.
Sức mạnh tổng hợp của quân và dân ta trong chiến dịch phòng không tháng 12/1972 còn được tạo bởi sức mạnh của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại; là sự giúp đỡ, ủng hộ của chính phủ và nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa anh em; sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ của phong trào giải phóng dân tộc, của các lực lượng cách mạng, dân chủ hòa bình và của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Tất cả các lực lượng đó đã tạo thành sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta làm nên chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
2. Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay
Thứ nhất, phải luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, điều kiện tiên quyết để phát huy sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là sức mạnh chính trị - tinh thần trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Với tầm nhìn thời đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, tầm nhìn đó đã làm thay đổi vận mệnh của cả dân tộc - từ thân phận nô lệ thành một dân tộc độc lập, tự do, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điểm cốt lõi trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, điều kiện tiên quyết để phát huy cao độ sức mạnh chính trị - tinh thần của cả dân tộc.
Gắn độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Người đã huy động được lực lượng to lớn nhất trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, là điều kiện quan trọng để mở rộng quan hệ quốc tế, củng cố độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Sự kiên định độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần, mà còn tạo ra lực lượng vật chất to lớn, bảo đảm kháng chiến lâu dài, càng đánh càng thắng, càng đánh càng mạnh, tiến tới đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, nhờ kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Như vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không chỉ là mục tiêu, là nhu cầu, là cương lĩnh hành động, là ngọn cờ hiệu triệu mà còn là động lực, niềm tin son sắt của cách mạng Việt Nam. Những thành tựu đó tạo tiền đề quan trọng, tạo nguồn lực, động lực vật chất và tinh thần to lớn để toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Thứ hai, làm tốt công tác dự báo chiến lược, giữ vững thế chủ động không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống
Hiện nay và thời gian tới, tuy hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại, song, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có chuyển biến nhanh, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Các nước lớn chủ động điều chỉnh chiến lược, vừa liên kết, hợp tác, thỏa hiệp, vừa đấu tranh, cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau và can dự vào nội bộ của quốc gia có độc lập, chủ quyền. Tình trạng xâm phạm chủ quyền, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ, can thiệp, lật đổ, khủng bố, ly khai diễn ra gay gắt ở nhiều khu vực. Vấn đề Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định; các vấn đề về an ninh phi truyền thống, đối tượng, đối tác chuyển hóa mau lẹ, phức tạp.
Để nâng cao chất lượng công tác dự báo chiến lược, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải luôn quán triệt đầy đủ, nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm giữ đúng định hướng chính trị trong công tác dự báo, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ. Kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Cùng với đó, việc nghiên cứu, dự báo phải hướng vào phân tích những điều chỉnh về chiến lược về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và sự thay đổi bố trí lực lượng của các nước lớn; các tuyên bố, cam kết của các bên tại các diễn đàn quốc phòng, an ninh quốc tế, khu vực; thủ đoạn cấu kết hoạt động của các lực lượng phản động trong và ngoài nước; phán đoán xu hướng, hành động của các nước, dự kiến tình huống chiến lược quốc phòng, an ninh có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, để có kế sách, phương châm, phương hướng, giải pháp ngăn chặn, đấu tranh chính xác, kịp thời, phù hợp với điều kiện của ta không để bị động, bất ngờ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Thứ ba, luôn nêu cao về ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng
Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh chính trị - tinh thần với ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng của dân tộc ta thời đại Hồ Chí Minh. Những vấn đề mới hiện nay đang đặt ra yêu cầu cao về xây dựng nhân tố chính trị - tinh thần mà trực tiếp là ý chí dám đánh, biết đánh và quyết thắng của Quân đội. Theo đó, phải:
Xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị. Đây là vấn đề xuyên suốt, bảo đảm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Để xây dựng Quân đội thực sự vững mạnh về chính trị, trước hết cần giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội. Cùng với đó, cần tập trung đổi mới nội dung, phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, trang bị cho cán bộ, chiến sĩ nhằm nâng cao trình độ giác ngộ cách mạng, bản lĩnh chính trị, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và Nhân dân.
Bồi dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, giữ vững và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội có phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ trí tuệ và năng lực tổ chức thực tiễn. Giải quyết tốt các mối quan hệ, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, củng cố sự đoàn kết thống nhất nội bộ. Ngăn chặn và khắc phục những tác động tiêu cực của xã hội, làm biến dạng những mối quan hệ truyền thống tốt đẹp của quân đội. Gắn bó mật thiết với nhân dân là nguồn gốc tạo nên sức mạnh chính trị, tinh thần của quân đội, bảo đảm để quân đội ta tiến lên chính quy, hiện đại.
Xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng của quân đội là xây dựng con người, phương thức tác chiến và trang bị vũ khí phù hợp với chiến tranh hiện đại. Ngày nay, sự xuất hiện của nhiều loại vũ khí, trang thiết bị hiện đại đã thay đổi cơ bản tổ chức quân đội và hình thái tổ chức chiến tranh. Tuy nhiên, cần thấy rằng, chiến tranh nhân dân vẫn là phương thức hữu hiệu để đối phó với chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh kiểu mới hiện nay. Có hai nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong chiến tranh, đó là con người và vũ khí, trang bị; trong đó, con người là quyết định, vũ khí, trang bị là quan trọng. Cũng vì thế, trong quá trình xây dựng Quân đội từng bước hiện đại theo phương hướng đã được xác định, cần đặc biệt coi trọng xây dựng nhân tố con người có năng lực toàn diện, trước hết có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí quyết tâm, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược; đồng thời, có trình độ tác chiến cao trên cơ sở làm chủ, khai thác hiệu quả vũ khí, trang bị hiện có.
Với niềm kiêu hãnh, tự hào về chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, mỗi tổ chức, lực lượng, người dân, nhất là cán bộ, chiến sĩ Quân đội, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực của mình, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Phát huy cao độ bản lĩnh, trí tuệ, tài năng của con người Việt Nam, sớm hiện thực hóa mục tiêu “Đến năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao” [3].
Tài liệu tham khảo:
[1]. Quân chủng Phòng không - Không quân, Tổng kết Chiến dịch Phòng không bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng cuối tháng 12 năm 1972, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2019, tr. 158.
[2]. Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 14, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 574.
[3]. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 36.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin