Đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho dịp Tết

NAM VIÊN 05:35, 14/12/2023

Những tháng cuối năm, nhất là dịp cao điểm Tết Nguyên đán là thời điểm mà nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm tăng đột biến. Đây cũng chính là lúc những loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc có cơ hội tung ra, trà trộn vào thị trường; nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Chính vì vậy, việc kiểm soát, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết là vấn đề cấp thiết. Thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thì vấn đề quan tâm nhất chính là kiểm soát nguồn đầu vào cho thực phẩm Tết. 

Trong chỉ thị vừa ban hành vào đầu tháng 12 này, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng nhập lậu động vật (gia cầm, lợn và trâu, bò) vẫn diễn ra phức tạp tại một số địa phương, gây nguy cơ xâm nhiễm các loại dịch bệnh, mất an toàn thực phẩm. Để ngăn chặn triệt để tình trạng đó và nâng cao hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi, bảo đảm nguồn cung sản phẩm trong các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an, Ban Chỉ đạo 389 địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, cảng biển, đường sông,... để kịp thời ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam. Chỉ đạo, triển khai lực lượng kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các cơ sở thu gom, giết mổ gia súc, gia cầm, nhất là các địa bàn tiếp giáp biên giới; tăng cường công tác kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật tiêu thụ tại địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Cùng với việc kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu, Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, triển khai các biện pháp bảo đảm nguồn cung thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết.

Mới đây nhất, ngày 12/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Trong đó yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công thương chỉ đạo Sở Công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao hoặc có biến động nhiều về giá trên địa bàn thời gian qua để chủ động có phương án hoặc đề xuất với các cơ quan chức năng có biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn cung hàng hóa gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phương án chuẩn bị nguồn cung, dự trữ hàng hoá thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật; phối hợp với Cục Quản lý thị trường địa phương tăng cường hoạt động kiểm tra, kiểm soát, giám sát thị trường đối với các lĩnh vực về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật trên địa bàn…

Cùng với công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, thì người tiêu dùng cũng cần trang bị cho mình những thông tin, kiến thức để phòng tránh hàng giả, hàng kém chất lượng; cần lựa chọn những điểm mua hàng uy tín, sản phẩm có nguồn gốc, có thương hiệu. Điều đó không chỉ nhằm tự bảo vệ mình mà còn góp phần ngăn chặn tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không đảm bảo chất lượng.