KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA XV:
Đoàn Đại biểu Quốc hội đóng góp tích cực tạo nên thành công Kỳ họp

NGUYỆT THU (thực hiện) 06:29, 04/12/2023

Sau 22,5 ngày làm việc nghiêm túc, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Tại Kỳ họp, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Lâm Đồng đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công Kỳ họp. Đặc biệt, Đoàn đã kiến nghị nhiều nội dung quan trọng cho Lâm Đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, 
Phó Trưởng Đoàn chuyên trách 
Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng
Ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng

Ngay sau Kỳ họp kết thúc, ông Nguyễn Tạo - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Lâm Đồng đã dành thời gian trả lời phỏng vấn trên Báo Lâm Đồng, với mong muốn thông tin rộng rãi đến cử tri và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh về kết quả quan trọng này.

• PV: Thưa ông, với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Vậy ông có thể khái quát một số kết quả nổi bật của kỳ họp này?

• Ông Nguyễn Tạo: Sau 22,5 ngày làm việc, chia thành 2 đợt (đợt 1 từ ngày 23/10 đến ngày 10/11, đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng ngày 29/11/2023) với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 6 đã diễn ra thành công tốt đẹp, đáp ứng mong đợi của cử tri. 

Kết quả về công tác lập pháp: Quốc hội đã xem xét thông qua 7 luật: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Căn cước; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Quốc hội thông qua các Nghị quyết quan trọng về thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ; về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu... Cho ý kiến lần 3 đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), cho ý kiến lần 2 đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp gần nhất, vừa đảm bảo chất lượng, vừa kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn hiện nay. Cho ý kiến lần đầu đối với 8 dự án: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Về hoạt động giám sát: Quốc hội đã tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với 44 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Công tác lấy phiếu tín nhiệm được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng và được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy trình, quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, bảo đảm dân chủ, minh bạch, công tâm và khách quan.

Trong thời gian 2,5 ngày, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa 14 và từ đầu nhiệm kỳ khóa 15 đến hết Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề, chất vấn. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa 15, Thủ tướng, tất cả các Phó Thủ tướng Chính phủ và 21 vị bộ trưởng, trưởng ngành đã trực tiếp trả lời chất vấn của các vị ĐBQH. Qua đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các bộ trưởng thực hiện quyết liệt những cam kết cụ thể về những việc phải làm, thời hạn hoàn thành để tạo chuyển biến thực sự đối với từng lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và cử tri cả nước. 

Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030”. Quốc hội giao Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024.

Quốc hội đã xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đó là: Quốc hội đã biểu quyết thông qua các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự toán ngân sách nhà nước năm 2024; phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, cụ thể: Kêu gọi đồng bào, chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần thi đua yêu nước, đoàn kết, phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước, hỗ trợ phục hồi và phát triển, thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà thuận lợi để phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu theo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. 

Từ ngày 1/7/ 2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Điều chỉnh lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV với nhiều nội dung quan trọng, trong đó, đã quyết nghị: Cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024; Thực hiện giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong thời gian từ ngày 1 tháng 1 năm 2024 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024; ... và quyết nghị nhiều nội dung quan trọng khác.

• PV: Trước Kỳ họp thứ 6, cử tri tỉnh nhà đã tiếp xúc với Đoàn ĐBQH và gửi gắm nhiều kiến nghị tâm huyết, vậy với tư cách là đại biểu dân cử, Đoàn ĐBQH và các ĐBQH đã có kiến nghị cụ thể như thế nào, thưa ông? 

• Ông Nguyễn Tạo: Về kết quả hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng trước và trong Kỳ họp: Trước Kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức khảo sát chuyên đề, qua đó kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến trật tự hành lang an toàn đường bộ, đầu tư nâng cấp tuyến Quốc lộ 27, đường tránh Quốc lộ 20 TP Bảo Lộc trên địa bàn tỉnh…

Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tiếp xúc cử tri tại các địa phương trong tỉnh với khoảng 1.100 cử tri tham dự và thu thập hơn 68 ý kiến phát biểu ý kiến, kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, được tổng hợp, phân loại và kịp thời chuyển tới các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương để xem xét và giải quyết theo quy định.

Tại Kỳ họp thứ 6 lần này, các ĐBQH của tỉnh tích cực tham gia thảo luận, đóng góp kiến với hơn 25 lượt phát biểu, thảo luận, tranh luận, chất vấn tại tổ và tại hội trường. Nhiều nội dung thảo luận, ý kiến góp ý có chất lượng, xuất phát từ thực tiễn được Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu.

Các ĐBQH trong Đoàn tham gia chất vấn trực tiếp và gửi nhiều ý kiến chất vấn bằng văn bản đến Thủ tướng Chính phủ và các bộ trưởng về nhiều nội dung liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đã được trả lời, giải quyết, cụ thể như:

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình đường bộ, theo đó đã đưa các dự án đường bộ cao tốc của tỉnh Lâm Đồng vào thí điểm chính sách về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để đẩy nhanh tiến độ đầu tư 2 đoạn đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương giai đoạn 1.

Trước đó, Chính phủ cũng đã bổ sung 8 dự án cao tốc vào danh mục công trình trọng điểm quốc gia, trong đó có toàn tuyến 3 Dự án Cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Với những chính sách đặc thù trên, cộng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị bằng nhiều giải pháp hữu hiệu có tính khả thi cao; hy vọng công trình sẽ được triển khai thực hiện thuận lợi hơn và sớm về đích, đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà. 

Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời các chất vấn bằng văn bản, ý kiến thảo luận tại Hội trường Diên Hồng về những nội dung liên quan đến giao thông của tỉnh nhà và đề nghị giải pháp tối ưu để bố trí vốn nâng cấp Quốc lộ 27 đoạn xung yếu từ xã Phú Sơn (huyện Lâm Hà) đến cầu Krông Nô (huyện Đam Rông). Qua đây, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện các thủ tục về vốn để cải tạo, sửa chữa khẩn cấp những đoạn có nguy cơ sạt lở trong mùa mưa bão.

Đối với tuyến đường tránh phía Nam TP Bảo Lộc đã hoàn thành 70% khối lượng công trình nhưng do vướng mắc về nguồn vốn nên đã dừng thi công từ tháng 10 năm 2020 đến nay. Qua kiến nghị, Bộ Giao thông Vận tải đã dừng đầu tư hạng mục tuyến tránh TP Bảo Lộc theo hình thức hợp đồng BT, lập dự án mới đối với các hạng mục còn lại của tuyến tránh TP Bảo Lộc để đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công.

• PV: Trong phiên chất vấn và giải trình của các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã thẳng thắn trao đổi, đặt vấn đề chất vấn nhiều nội dung cử tri bức xúc, quan tâm và đã có phản hồi tích cực; ông có thể cho bà con biết rõ thêm về kết quả này?

• Ông Nguyễn Tạo: Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại nghị trường, Đoàn cũng đã chất vấn các bộ trưởng để giải quyết những khó khăn của địa phương, cụ thể như: Đề nghị Bộ Công an chỉ đạo các ngành có liên quan để giải quyết căn cơ về vấn đề pháp lý nhằm dứt điểm tình trạng đồng bào di dân tự do không được cấp giấy tờ tùy thân trong thời gian tới, nhằm bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở tại các tỉnh miền núi ngày càng tốt hơn.

Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có lộ trình cụ thể xây dựng Trung tâm Nghiên cứu giống tằm để trung tâm đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất nhằm ổn định nguồn cung cấp trứng giống tằm cho bà con nông dân yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế bền vững.

Đề nghị sớm triển khai thi công Quốc lộ 28 và 28B, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội các tỉnh Nam Tây Nguyên …

Kỳ họp lần này nội dung công việc là rất lớn, nhưng với trách nhiệm rất cao trước cử tri và Nhân dân, vì sự phát triển chung của đất nước, các vị ĐBQH, trong đó có ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đã phát huy trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thảo luận, tranh luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, có chất lượng, góp phần tạo nên thành công Kỳ họp.

Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng trân trọng cảm ơn, mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của cử tri và Nhân dân tỉnh nhà trong việc đóng góp các ý kiến, kiến nghị trên các lĩnh vực vì sự phát triển chung của đất nước, của tỉnh nhà.

Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, kính chúc quý vị cử tri và Nhân dân trong tỉnh luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

PV: Xin chân thành cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn!