Từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực đến kinh tế nước ta. Bên cạnh đó, nước ta là nền kinh tế đang phát triển, đang trong quá trình chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu còn hạn chế, tác động ảnh hưởng sau dịch COVID-19 còn kéo dài. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá, tăng trưởng tín dụng vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Tín dụng cho vay trung và dài hạn tiếp tục gặp khó khăn; tăng trưởng tín dụng còn thấp và không đồng đều, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn trong khi dư địa tăng trưởng tín dụng còn lại toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng là rất lớn; kết quả thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi chưa đạt được như kỳ vọng, nhất là 120.000 tỷ đồng xây dựng nhà ở xã hội; nợ xấu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro của một số các tổ chức tín dụng yếu kém, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống…
Tại hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, diễn ra ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ rõ nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế đó là: hồ sơ cho vay vẫn còn phức tạp, khó khăn, thủ tục hành chính rườm rà; lãi suất mặc dù đã giảm song vẫn còn cao so với khả năng chi trả của doanh nghiệp, nhất là lãi suất cho vay; vẫn còn hiện tượng tiêu cực, sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, nhất là việc cấp tín dụng, lãi suất ưu đãi cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan của các ngân hàng thương mại. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu gặp khó khăn, ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình đầu tư sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trong nước, làm giảm khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, cả tín dụng doanh nghiệp, tín dụng tiêu dùng, tín dụng về đầu tư; một số doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng không đáp ứng được điều kiện cho vay, nhất là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn…
Thủ tướng khẳng định quan điểm chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Chính phủ là các tổ chức tín dụng cần phải bám sát, bình tĩnh, nắm chắc tình hình, các lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế để chủ động, linh hoạt cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và phục vụ sản xuất, kinh doanh, tập trung cho 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư.
Việc điều hành tín dụng cần phải kịp thời hơn, nhanh hơn, ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, ban hành các cơ chế chính sách tín dụng phải sát với tình hình theo tinh thần lắng nghe, cầu thị, tiếp thu ý kiến của các chủ thể liên quan, không duy ý chí, bảo thủ và không chủ quan, lơ là, thiếu thực tế.
Các chủ thể có liên quan từ Chính phủ đến các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp, người dân phải cùng nhau vào cuộc, chung tay, chung sức đồng lòng, càng khó khăn phải càng hỗ trợ lẫn nhau, thể hiện tinh thần trách nhiệm với đất nước, với Nhân dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh chống tiêu cực trong hệ thống ngân hàng; không hạ chuẩn tín dụng nhưng việc xử lý phải chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế, kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn; đẩy mạnh việc điều hành thông qua các công cụ theo nguyên tắc thị trường, giảm bớt và tiến tới loại bỏ các công cụ mang tính hành chính trong điều hành và quản lý hệ thống các tổ chức tín dụng.
Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp tín dụng chủ động, linh hoạt, kịp thời, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay, tài sản bảo đảm để hỗ trợ do-anh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi và dễ dàng hơn, đồng thời, phải bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng. Các bộ, ngành liên quan triển khai quyết liệt chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội; nghiên cứu đề xuất gói hỗ trợ mới cho các dự án xanh, chuyển đổi số; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, về đấu thầu dự án, đấu giá và giao đất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bên cạnh đó, khẩn trương thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm vi phạm theo quy định đối với tình trạng sở hữu chéo tại các tổ chức tín dụng, việc cấp tín dụng cho các do-anh nghiệp thuộc hệ sinh thái, doanh nghiệp “sân sau”. Đẩy mạnh thanh tra, nghiêm cấm việc cấp tín dụng, lãi suất thấp cho ban lãnh đạo, ban điều hành và người có liên quan, lợi ích nhóm của các ngân hàng thương mại. Quyết liệt xử lý vi phạm của các tổ chức, cá nhân trá hình kinh doanh tiền tệ, tạo điều kiện củng cố và phát triển hệ thống các tổ chức tài chính cho vay tiêu dùng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin