(LĐ online) - Quan điểm của Đảng ta về quyền con người, quyền công dân được ghi nhận, kế thừa và phát triển trong các Văn kiện Đại hội của Đảng qua các thời kỳ, gần đây nhất là Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng là: “Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”.
Nhờ đó, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về xóa đói, giảm nghèo, phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việt Nam đã hoàn thành trước hầu hết các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ (MDG) và đang tích cực triển khai thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Theo thống kê của Liên hợp quốc (LHQ), chỉ số phát triển con người của Việt Nam đã tăng gần 46% trong 30 năm qua, nằm trong nhóm các nước có tốc độ tăng cao nhất thế giới.
Thế nhưng, các thế lực thù địch, đối tượng cơ hội, phản động thường xuyên lợi dụng, khai thác, xuyên tạc vấn đề nhân quyền để chống phá Đảng, Nhà nước ta trong nhiều năm trở lại đây.
Gần đây nhất, sau sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền đã diễn ra thành công tại trụ sở Văn phòng LHQ ở Geneva (trong 2 ngày 11 - 12/12), Đài Á Châu Tự Do - RFA; tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch - HRW), Ủy ban Tự do tôn giáo cho Việt Nam, tập hợp Thanh niên dân chủ... đồng loạt đăng tải các video, bài viết với luận điệu, như: Chính phủ Việt Nam cam kết tới cuối năm 2099 sẽ cải thiện nhân quyền; CSVN hứa hẹn thi hành các cam kết quốc tế về nhân quyền vào cuối năm 2099 mà khi đó, không mấy ai tin chế độc tài, tham nhũng này còn tồn tại. Hay: Điều khôi hài nhất, CSVN đưa ra tám cam kết đều có “Thời hạn dự trù thực hiện các cam kết là ngày 31 Tháng Mười Hai 2099”…
Rõ ràng, tham gia và phát biểu tại sự kiện sự kiện cấp cao kỷ niệm 75 năm thông qua Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva tái khẳng định: các cam kết mạnh mẽ của Việt Nam thúc đẩy Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thông qua nhiều nỗ lực và hành động hơn nữa để đảm bảo tốt hơn các quyền của con người cả về chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau. Trong đó có các ưu tiên trọng tâm gồm: Tăng cường Nhà nước pháp quyền với việc tiếp tục cải cách tư pháp nhằm nâng cao nền tảng thể chế, tư pháp và chính sách liên quan đến nhân quyền, đồng thời chuyển các quy định của các điều ước quốc tế về nhân quyền vào luật pháp quốc gia; Thúc đẩy các biện pháp hiệu quả và phân bổ đủ nguồn lực để bảo đảm tốt hơn nữa các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị; Tham gia có trách nhiệm vào công việc của Hội đồng Nhân quyền LHQ và phát huy vai trò cũng như hiệu quả của hội đồng, đặc biệt quan tâm đến quyền của các nhóm dễ bị tổn thương và tác động của biến đổi khí hậu đối với việc thụ hưởng quyền con người.
Vì vậy, các luận điệu chống phá mà những đối tượng cơ hội, phản động, các thế lực thù địch đưa ra như đã nêu trên chỉ dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén có dụng ý, với động cơ chính trị rõ ràng để bôi nhọ Việt Nam, xuyên tạc nỗ lực của Việt Nam về tiếp tục thúc đẩy bảo đảm các quyền con người.
Trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới gần 40 năm qua, Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển; nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Việt Nam đã tham gia 7/9 Công ước quốc tế cơ bản, cốt lõi về quyền con người của LHQ, 25 công ước về lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), trong đó có 7/8 Công ước cơ bản. Nội dung của các công ước đã được nội luật hóa kịp thời trong Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn. Việt Nam thực hiện được 86,7% khuyến nghị và 12,4% khuyến nghị đã hoàn thành một phần báo cáo quốc gia UPR chu kỳ III (năm 2019). Dù đang là nước có thu nhập trung bình thấp, song Việt Nam nằm trong nhóm các nước có Chỉ số Phát triển con người (HDI) cao, tăng 5 bậc trong giai đoạn 2015-2021. Đặc biệt, năm 2023, Việt Nam tiếp tục nhận được sự đánh giá cao và cải thiện nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế, trong đó, “Chỉ số hạnh phúc toàn cầu” của Việt Nam tăng 12 bậc trong xếp hạng của Liên hợp quốc năm 2023.
Cùng với đó, Việt Nam luôn sẵn sàng đối thoại với bất kỳ tổ chức, cá nhân nào về việc bảo đảm quyền con người, không né tránh vấn đề này, kể cả những vấn đề thuộc lĩnh vực nhạy cảm; qua đó, giúp Việt Nam và các nước hiểu hơn về những quan tâm, kể cả khác biệt, chia sẻ những ưu tiên, kinh nghiệm và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Trong một phát biểu khi trả lời phỏng vấn trên Đài Truyền hình Việt Nam, bà Ramla Al Khalidi - Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam nêu rõ: “Tôi thực sự cảm thấy Việt Nam đã thực hiện được những cam kết của Chính phủ về việc đặt con người là trọng tâm của sự phát triển theo những chỉ dẫn của LHQ. Đây là cốt lõi của các mục tiêu phát triển bền vững và nguyên tắc cốt lõi là không bỏ ai lại ở phía sau”.
Phát biểu tại Phiên họp Cấp cao Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Là thành viên của nhiều cơ chế đa phương quan trọng, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, sẵn sàng làm cầu nối để giảm khác biệt, gia tăng hợp tác tại Hội đồng Nhân quyền với phương châm “Tôn trọng và Hiểu biết. Đối thoại và Hợp tác. Tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”.
Với Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết - quyền được ghi nhận hàng đầu, ngay tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị (ICCPR) cũng là mục tiêu và thành quả của quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là cam kết xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc thúc đẩy và đảm bảo quyền con người là không thể phủ nhận. Đây là những minh chứng sống động, thuyết phục bác bỏ những thông tin xuyên tạc, bịa đặt và bóp méo sự thật của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền của Việt Nam và những cam kết của Việt Nam về tiếp tục thúc đẩy bảo đảm các quyền con người.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin